[Chứng trạng] Chứng Thận âm dương đều hư của Đông y

Chứng Thận âm dương đều hư là tên gọi chung cho một loạt các chứng trạng do nguyên dương ở Thận bất túc, âm tinh khuy tổn không có khả năng sưởi ấm, nhu dưỡng Tạng Phủ Kinh Lạc gây nên bệnh. Chứng này do mệt nhọc hao tổn từ nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân bên trong, hoặc từ giai đoạn cuối của bệnh mạn tính, cuối cùng ảnh hưởng tới Thận tạo nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sợ lạnh nằm co, lòng bàn tay chân nóng, miệng khô họng ráo, nhưng ưa uống nóng, chóng mặt, ù tai, lưng gối yếu mỏi, tiểu tiện trong dài hoặc giỏ giọt không hết, nam giới thì dương nuy, di hoạt tinh, nữ giới thì không thụ thai hoặc đái hạ, gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡi bệu và hơi đỏ, mạch bộ Xích Tế Nhược.

Chứng Thận âm dương đều hư thường gặp trong các bệnh Hư lao, Dương nuy, Di tinh, Long bế, Quan cách, Thủy thũng.

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận dương hư, Thận âm hư.

Phân tích

Chứng Thận âm dương đều hư ngoài những biểu hiện lâm sàng như nói ở trên, khi xuất hiện trong các tật bệnh khác nhau, lại có đặc điểm riêng, cần phân biệt rõ ràng.

Như trong bệnh Long bế xuất hiện chứng Thận âm dương đều hư, có đặc điểm là tiểu tiện không thông hoặc giỏ giọt khó đi, không có sức bài tiết, lưng gối yếu mỏi, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm. Bệnh phần nhiều do Thận dương bất túc, mệnh môn hoả suy, lâu ngày dương hư tổn liên lụy đến âm, Thận âm dương đều hư mất quyên khí hoá, khí không hoá ra tân dịch gây nên; Điều trị nên theo phép ôn Thận tư âm thông khiếu, dùng bài Tế sinh Thận khí hoàn (Tế sinh phương).

Trong bệnh Dương nuy hoặc di tinh xuất hiện chứng Thận âm dương đều hư, có đặc điểm là dương sự không cương cứng, mộng di hoạt tinh, không thụ thai, tinh thần uỷ mị, phần nhiều do phòng lao quá độ, tinh hư âm khuy, âm hao tổn liên lụy đến dương đến nỗi Thận âm dương đều hư; điều trị theo phép ôn Thận trạng dương, tư ấm cố sáp, dùng bài Tán dục đan (Cảnh Nhạc toàn thư) hợp với bài Tế sinh bí tinh hoàn (Tế sinh phương).

Chứng Thận âm dương đều hư xuất hiện trong bệnh Thủy thũng, đặc điểm biểu hiện lâm sàng là toàn thân thủy thũng, từ lưng trở xuống thũng nặng hơn, tiểu tiện ít, miệng khô, lưỡi đỏ ít rêu; Đây là do Thận hư mất chức năng điều khiển đại, tiểu tiện, dương hư mất quyền khí hoá, âm hư tân dịch không hoá thủy, thủy tràn lan thành thũng; điều trị theo phép ích Thận lợi thủy, cho uống bài Chân vũ thang (Thương hàn luận) hợp với Tri Bá địa hoàng hoàn (Y phương khảo).

Nếu bệnh Quan cách xuất hiện chứng Thận âm dương đều hư, đặc điểm chứng trạng là lợm lòng nôn mửa, tiểu tiện ít hoặc bí tiểu tiện, thủy thũng, sắc mặt tối sạm, tinh thần uể oải, thậm chí thần thức lơ mơ, miệng khô, chất lưỡi đỏ sạm, thể lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng, chứng do nguyên dương hư suy, chân âm khuy tổn, trọc tà lưu trệ gây nên; điều trị theo phép thông dương hoá trọc, tư âm lợi thủy, chọn đúng các bài Kim Quỹ thận khí hoàn (Kim Qũy yếu lược) Đại hoàng phụ tử thang (Kim Quỹ yếu lược).

Nếu trong bệnh Hư lao xuất hiện chứng Thận âm dương đều hư, có các chứng trạng sợ lạnh mà lòng bàn tay chân lại nóng, miệng khô nhưng ưa uống nước nóng, chóng mặt, tai ù, lưng gối mềm yếu, dương nuy di tinh, không sinh dục, bệnh đa số do lao tổn cùng cực, hư yếu lâu ngày không hồi phục, Thận âm dương đều hư; điều trị theo phép Âm Dương đều bổ, chọn dùng bài Hữu qui hoàn, Tả quy hoàn (Cảnh Nhạc toàn thư). Lâm sàng căn cứ vào sự khác nhau của các loại bệnh mà

Chứng Thận âm dương đều hư thường xuất hiện vào thời kỳ cuối của tật bệnh, chính khí đã hao tổn cùng cực, Âm dương đều tổn thương, đây là sự chuyển qui bệnh lý cuối cùng, trong quá trình diễn biến của bệnh, cuối cùng dẫn đến Thận khí bại tuyệt, Âm dương chia lìa dẫn đến tử vong; Điều trị phải tuân thủ nguyên tắc “ trong âm tìm dương, trong dương tìm ở âm” nhằm cứu vãn cái âm tinh, dương khí sắp hết.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận dương hư với chứng Thận âm dương đều hư: Hai chứng này có mối liên hệ về bệnh cơ nhưng cũng có chỗ khác nhau. Chứng Thận dương hư phát triển thêm một bước, bệnh ở Dương liên lụy đến Âm dẫn đến chứng Thận âm dương đều hư. Cũng có thể từ chứng Thận âm hư, chữa dai dẳng không khỏi, bệnh ở Âm liên lụy đến Dương, diễn biến thành chứng Thận âm dương đều hư.

Dương hư thì sợ lạnh nằm co; Âm hư thì lòng bàn tay chân nóng, miệng khô khát nước. Thận quản lý đại, tiểu tiện, vì chân nguyên suy kém cho nên tiểu tiện trong dài hoặc không gọn bãi, nam giới thì dương nuy di hoạt tinh, nữ giới thì không thụ thai. Xích mạch thuộc Thận, Thận hư cho nên mạch ở bộ Xích Trầm Tế.

Chứng Thận dương hư đơn thuần, bệnh tình so với chứng Thận âm dương đều hư nhẹ hơn, lâm sàng có những biểu hiện chủ yếu như sợ lạnh, sắc mặt nhợt, lưng gối mỏi và lạnh, thủy thũng, tiểu tiện trong dài, đó là biểu hiện của dương suy âm thịnh, căn cứ vào đó mà chẩn đoán phân biệt.

Chứng Thận âm hư với chứng Thận âm dương đều hư: Thận âm hư đa số do buông thả làm tổn hại tinh khí, hoặc là thời kỳ cuối của bệnh nhiệt hun đốt Thận âm, hoặc là ốm lâu liên lụy đến Thận gây nên. Bệnh cơ của chứng Thận âm dương đều hư có thể từ bệnh Thận âm hư kéo dài hình thành, bệnh tình so với chứng Thận âm hư đơn thuần nặng hơn. Nhìn về biểu hiện lâm sàng, loại trên có những biểu hiện hàng loạt về âm hư hoả vượng như ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, miệng khô họng ráo, lưng gối ê mỏi, di mộng tinh, lưỡi đỏ, mạch Tế Sác. Loại sau biểu hiện những chứng trạng sợ lạnh nằm co, thủy thũng từ lưng trở xuống nặng hơn, dương nuy, phụ nữ đới hạ trong loãng và lạnh. Sự nặng nhẹ, nông sâu hai chứng có chỗ khác nhau.

Trích dẫn y văn

Tổn hại thứ nhất là ở Phế, có các chứng bệnh về cơ bắp và hơi thở… tổn hại thứ năm là ở Thận, đại tiểu tiện không tự chủ, đó là tổn thương phần dương trước tiên, rồi sau liên lụy đến phần âm. Dương kiệt ở dưới thì một cái dương lẻ loi không tồn tại được, không sống nổi (Cảnh Nhạc toàn thư).

Chứng bệnh vốn từ Âm hư, nếu hô hấp thiếu hơi, lười nói năng, lao động bợt bạt, thị lực kém, mặt nhợt, đó là kiêm cả Dương hư (Y biển).

Có trường hợp chân âm bất túc, cho uống thuốc tư âm thì lại bị hư hàn; cho uống thuốc ồn bổ lại biến thành hư hoả. Đó là âm thủy đã kiệt mà dương hoả cũng bị hư, không chịu nổi tư bổ, cho nên là chứng chết. Có trường hợp chân dương bất túc, cho thuốc ôn bổ lại bị hư hoả, cho thuốc tư âm lại không chịu được đó là dương hoả đã kiệt mà âm thủy cũng suy, không chịu nổi ôn bổ, cũng là chứng chết (Chứng nhân mạch trị).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận