[Chứng trạng] Chứng trạng Khí hãm trong chẩn đoán bệnh Đông y

Khái niệm

Chứng Khí hãm là tên gọi chung của các chứng trạng do tiên thiên bất túc, hậu thiên mất điều hoà tạo nên nguyên khí khuy tổn, sự thăng giáng của khí cơ thất thường, xuất hiện các đặc trưng trung khí hạ hãm, nâng lên yếu sức; nó là một loại hình bệnh biến thường gặp ở bệnh phần nhiều thấy trong nội thương tạp bệnh.

Biểu hiện chủ yếu trong lâm sàng là đoản hơi yếu sức, tinh thần mệt mỏi, ngại nói, vùng bụng trướng trệ, ỉa lỏng kéo dài, thoát giang, âm đĩnh, chất lưỡi nhạt bệu, mạch Tế Hoãn vô lực.

Chứng Khí hãm gặp trong các bệnh “Tiết tả”, “Vị quản thống”, Thoát giang”, “Âm đỉnh”.

Cần chẩn đóan phân biệt với các “chứng Khí thoát” “chứng thanh dương không thăng”, “chứng Khí hư” và “chứng Thận khí không bền”.

Phân tích

Chứng Khí hãm trên lâm sàng, vì nguyên nhân và bộ vị gây nên bệnh biến khác nhau cho nên biểu hiện cũng không giống nhau.

– Ví dụ như chứng này có thể gặp trong bệnh Tiết tả không ngừng dẫn đến bệnh “Cửu tiết” phần nhiều do ăn uống mệt nhọc nội thương Tỳ Vị, Vị hư thì không khả năng nấu nhừ đồ ăn, Tỳ hư thì không vận hóa được, bệnh lâu ngày nguyên khíkhuy tổn, trung khí hạ hãm, Đại trường mất chức năng truyền hóa và cũng mất khả năng cố sáp – xuất hiện triệu chứng đại tiện lỏng loãng, ỉa chảy lâu không ngừng, hạ lợi vô độ, đại tiện són ra mỗi khi trung tiện, kèm theo tinh thần mỏi mệt biếng ăn, bụng dưới trướng đầy, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi mỏng nhớt ; mạch Trầm mà Tế Nhu vô lực; điều trị theo phép ôn sáp cố thoát, bổ ích nguyên khí, chọn dùng bài Kha lê lặc tán (Kim Quỹ yếu lực) hoặc Chân nhân dưỡng tạng thang (Hoà tễ cục phương).

– Chứng khí hãm cũng gặp trong bệnh Vị quản thống thuộc Hư, phần nhiều do ăn uống không điều độ, tư lự thương Tỳ, Tỳ khí không thăng không còn khả năng vận hóa chất tinh vị của thủy cốc để nuôi Tạng Phủ, chân tay các khớp, sẽ dẫn đến Trung khí hạ hãm, có các chứng trạng thân thể gầy còm; Vị quản trướng đầy và đau mà chủ yếu là trướng, sau khi ăn thì khó chịu hơn, sa nội tạng, có thêm các chứng chóng mặt hoa mắt, tinh thần mỏi mệt, chất lưỡi nhạt, mạch Tế vô lực, điều trị theo phép ích khí kiện Tỳ, thăng đề trung khí, chọn dùng bài bổ trung ích khí thang (Tỳ Vị luận) gia giảm.

– Trong bệnh Thoát giang gặp chứng Khí hãm, phần nhiều do cao tuổi mà nguyên khí suy tổn, đại tiện khó phải cố sức rặn mà không co lên được hoặc ỉa chảy mà Đại trường nhão ra gây nên, có chứng trạng sau khi đại tiện thoát giang, không có sức tự co lên, ấn lên lại tụt xuống, mặt vàng mỏi mệt, lưỡi nhạt bệu, mạch Tế; Điều trị nên bổ ích nguyên khí, thăng đề hãm hạ, cho uống Bổ trung ích khí thang gia Sâm lô.

– Bệnh Âm đĩnh cũng do trung khí hạ hãm không thăng lên gây nên, phần nhiều gặp ở người thai sản quá nhiều, hoặc dùng sức mang vác nặng, mệt nhọc quá độ, từ đó mà nguyên khí bất túc, bào mạch bị tổn hại, tôn cân bị nhão, có chứng trạng bụng dưới nặng trệ, sa tử cung, sắc mặt úa vàng, mỏi mệt… điều trị nên ích khí bồi bổ, chân nguyên nâng bào cung lên, chọn dùng bài Bổ trung ích khí thang gia Thanh bì, Sơn chi.

Chứng Khí hãm là một biểu hiện lâm sàng trong quá trình bệnh biến của chứng Khí hư, thường gặp ở người thể trạng phú bẩm bất túc, hình thể cao gầy hoặc hàng ngày ăn uống không điều độ, phòng lao quá mức, số lần sinh đẻ quá nhiều, nói chung gặp nhiều ở lứa trung niên trở lên. Người phụ nữ nguyên khí bất túc thường ảnh hưởng tới Xung Nhâm; Xung là huyết hải, Nhâm chủ về bào thai. Nếu Xung Nhâm không được nuôi dưỡng, trung khí hạ hãm thì Bào mạch không có sự ràng buộc, không những chỉ thấy Âm đĩnh mà còn có thể thấy bụng dưới trướng trệ, thai động không yên, lậu thai và chứng hoạt thai. Trẻ em bị rất ít chứng Khí hãm, nhưng không tuyệt đối, lâm sàng cũng có thể thấy chứng khí hãm như Tỳ hư ỉa chảy kéo dài hoặc thóp mụ hãm xuống như hang hốc.

Biểu hiện chủ yếu của chứng Khí hãm là Tỳ khí không thăng, trung khí hạ hãm, cho nên có quan hệ với Tỳ Vị rất mật thiết. Nhưng khí thuộc Dương, Tỳ khí không thăng tiến thêm bước nữa sẽ tạo nên Tỳ dương không mạnh làm cho thủy thấp nghẽn lại, thấp tụ lại sinh ra đàm ẩm ứ đọng ở trong mà gây bệnh. Trung khí hạ hãm, tiến thêm bước nữa là từ Tỳ liên can tới Thận, hình thành các chứng Thận khí không bền mà xuất hiện đái sót đái dầm, hoặc tiểu tiện không tự chủ. Chứng này vì trung khí hạ hãm mà Tỳ hư mất sự vận chuyển, nguồn sinh hóa ở trung tiêu thiếu thốn, khí không sinh huyết dẫn đến huyết hư, xuất hiện chứng trạng khí huyết đều hư như chóng mật, hồi hộp. Đồng thời vì trung khí hạ hãm, nguyên khí bất túc sẽ tạo nên tình trạng khí không nhiếp huyết, phát sinh các chứng xuất huyết như đại tiện ra huyết, kinh nguyệt ra quá nhiều…

Chẩn đóan phân biệt

Chứng Khí thoát với chứng Khí hãm, cả hai đều do khí hư phát triển mà thành, cơ sở gây nên bệnh biến là “khí hư”. Chứng Khí thoát đa số gặp ở loại bệnh phát sinh đột ngột hoặc thời kỳ cuối ở bệnh mạn tính, do nguyên khí hư suy hoặc sau khi mất huyết quá nhiều, khí theo huyết thoát, là nhân tố phát bệnh, biểu hiện là mồ hôi ra đầm đìa, hoặc tinh thần ủy mị, hơi thở không tiếp nối, sắc mặt trắng bệch, chất lưỡi không thè ra được, đại tiểu tiện không tự chủ, mạch Vi Tế muốn tuyệt. Chứng Khí thoát là biểu hiện lâm sàng của các chứng bệnh khí hư ở giai đoạn nghiêm trọng, điểm chủ yếu đê phân biệt với chứng Khí hãm là:

  1. Cơ sở tạo nên bệnh biến của hai chứng đều là khí hư nhưng chứng này chủ yếu gặp ở bệnh mạn tính, còn chứng khí thoát chỉ gặp ở thời kỳ cuối của bệnh mạn tính mà cũng gặp ở bệnh cấp tính, chứng khí theo huyết thoát khi bị mất nhiều máu, hoặc chứng Thoát trong bệnh biến của bệnh Trúng phong.
  2. Cơ chế bệnh của chứng Khí thoát là nguyên khí suy thóai chính khí hư thoát, mà cơ chế bệnh của chứng Khí hãm là nguyên khí bất túc, Tỳ khí không thăng, trung khí hạ hãm.
  3. Xu thế bệnh của chứng Khí thoát nguy cấp, bệnh tình nghiêm trọng, biểu hiện chủ yếu là chính khí toàn thân suy kiệt, có thể thấy chứng mồ hôi ra đầm đìa, sắc mặt trắng xanh, tinh thần ủy mị, miệng há tay xoè, đại tiểu tiện không tự chủ. Chứng Khí hãm thì xu thế bệnh từ từ, bệnh tình dằng dai, biểu hiện chủ yếu là sự thăng cử nguyên khí ở Trung Hạ tiêu vô lực, xuất hiện các chứng bụng trướng nặng trệ, thoát giang hạ lợi v.v…
  4. Chứng Khí thoát cần dùng ngay phép ích khí cứu thoát, cứu vãn tình thế nguy ngập trong khoảnh khắc, nếu không kịp thời cấp cứu, tiên lượng rất xấu. Chứng Khí hãm thời nên nâng trung khí, điều trị từ từ.

– Chứng Thanh dương không thăng với chứng Khí hãm, cả hai đều là bệnh chứng khí cơ không bình thường, tùy đều biểu hiện cồng năng thăng cử của Khí giảm thóai, nhưng chứng Thanh dương không thăng chủ yếu là nói đối lập với trọc âm không giáng. Thanh dương với trọc âm là một cặp mâu thuẫn trong biến hóa bệnh lý, chúng thường có ảnh hưởng lẫn nhau. Chứng Thanh dương không thăng có các chứng trạng chủ yếu ở Thượng tiêu như hoa mắt chóng mặt, tai ù tai điếc; cũng có chứng trạng ở Trung, Hạ tiêu như vùng bụng trướng đầy, đại tiện lỏng loãng v.v. Chẳng qua chứng Thanh dương không thăng chủ yếu là lấy thanh dương không thăng, mà lấy trọc âm không giáng làm thứ yếu, cho nên lâm sàng phần nhiều thấy chứng trạng hư thực lẫn lộn. Cũng có thể do đàm trọc nghẽn ở trong, thanh dương bị chèn ép mà xuất hiện thực chứng như ngực bụng nghẽn đầy, nôn mửa, buồn nôn, chóng mặt hoa mắt. Chứng Khí hãm chủ yếu là Tỳ khí không thăng, Trung khí hạ hãm, lâm sàng có các chứng trạng chủ yếu ở Trung và Hạ tiêu, và hoàn cảnh thuộc Hư chứng.

– Chứng Khí hư với chứng Khí hãm, cả hai đều là Hư chứng, mà chứng Khí hãm phần nhiều từ chứng Khí hư biến hóa ra; cả hai có mối quan hệ nhân quả. Chứng Khí hư chủ yếu chỉ nguyên khí toàn thân bất túc, công năng của Tạng Phú suy thóai, có điều do bộ vị của tật bệnh khác nhau nên biểu hiện lâm sàng của nó cũng giống nhau.

Chứng Khí hãm tuy có thể có những chứng trạng của chứng Khí hư như tinh thần mỏi mệt yếu sức, thở đoản hơi thuộc nguyên khí bất túc, nhưng cái nổi bật nhất vẫn là trung khí hạ hãm, có những biểu hiện nguyên khí vô lực không nâng lên được, có chứng trạng bụng dưới nặng trệ, ỉa chảy thoát giang, sa dạ con v.v… Cho nên bộ vị bệnh biến chủ yếu ở Trung tiêu và Hạ tiêu. Đấy là cơ sở phân biệt của hai chứng khí hãm và chứng Khí hư.

– Chứng Thận khí không bền với chứng Khí hãm cũng đều là Hư chứng và có những chứng trạng ở Hạ tiêu như ỉa chảy, bụng dưới trướng.

Nhưng Thận khí không bền có thể do chứng Khí hãm phát triển nên, tức là do Tỳ khí hư mà liên luỵ đến Thận khí hư, xuất hiện chứng của Thận không bền thuộc Tỳ Thận Khí hư. Cơ chế bệnh của hai chứng này có mối quan hệ nhất định. Nhưng chứng cửa của Thận không bền có thể phản ánh ở chỗ Thận khí không sưởi ấm Tỳ thổ mà có chứng Ngũ canh tiết tả thuộc Tỳ Thận đều hư, có chỗ khác nhau với chứng đi tả lâu ngày của chứng Khí hãm. Lại có thể do Thận khí bất túc của bên dưới không bền, Bàng quang không co thắt, không chứa đựng được thủy dịch, không ngăn được nguồn nước nên tiểu tiện nên không tự chủ hoặc đi niệu và chứng ban đêm đi tiểu nhiều lần ở người cao tuổi. Cũng có thể biểu hiện nguyên nhân do phòng thất vô độ, tinh nguyên suy cạn, Thận khí hư làm cho cửa tinh không bền, gây nên di tinh, hoạt tinh, lâm trọc. Vì vậy điểm chủ yếu để phân biệt giữa hai chứng này: Một là bộ vị bệnh biến của chứng Thận khí không bền là ở tạng Thận hạ tiêu. Bộ vị bệnh biến của chứng khí hãm là ở Tỳ Vị Trung tiêu. Hai là biểu hiện lâm sàng của chứng Thận khí không bền chủ yếu là ở chỗ có những chứng trạng Thận khí mất khả năng sưởi ấm giúp cho sự vận chuyển, khí hóa mất chức năng, cửa phía dưới không bền và thường kiêm chứng lưng gối mỏi yếu. Chứng Khí hãm có chứng trạng chủ yếu Tỳ khí không thăng, trung khí hạ hãm, thường kiêm chứng tinh thần mỏi mệt, kém ăn.

Y văn trích dẫn

– Trung khí bất túc, biểu hiện biến đổi qua đường đại, tiểu tiện (Khẩu vấnLinh Khu).

– Thoát giang hậu: Thoát giang là chỉ giang môn thoát ra ngoài, nguyên nhân phần nhiều do sau khi kiết lỵ kéo dài. Đại trường bị hư nhiễm lạnh gây nên. Giang môn là “hậu” của Đại trường, Đại trường hư mà bị hàn lỵ lại dùng sức rặn quá, khí sẽ dồn xuống làm giang môn thoát ra ngoài; gọi là Thoát giang (Lỵ bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận).

– Âm đĩnh xuất hạ thoát hậu: Bào lạc bị thương tổn, dạ con hư lạnh, khí dồn xuống làm âm đĩnh thoát ra, gọi là Hạc thoát. Cũng có khi do lúc đẻ dùng sức dặn quá mức mà âm bộ thoát ra. Khám mạch Thiếu Âm thấy Phù và Động; Phù là Hư, Động là Quý (hồi hộp) cho nên Thoát (Phụ nhân tạp bệnh chư hậu – Chư bệnh nguyên hậu luận)

– Tiểu tiện nhỏ giọt trắng đục, đó là chứng trạng do Trung khí hạ hãm và Mệnh môn không bền (Lâm trọc – Cảnh Nhạc toàn thư).

– Bài Cử nguyên tiễn: Chữa khí hư hạ hãm, huyết băng, huyết thoát và vong dương sắp nguy hiểm (Tân phương bát trận Cảnh Nhạc toàn thư).

– Phụ nữ sau khi hành kinh, giỏ giọt không dứt gọi là Kinh lậu; Kinh nguyệt bỗng dưng ra ào ạt không dứt gọi là Kinh băng… càng có liên quan tới ưu tư thương Tỳ, Tỳ hư thì không nhiếp huyết, cũng có trường hợp do trung khí hạ hãm, không làm bền huyết. (Phụ khoa tâm pháp yếu quyết – Y tông Kim giám).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận