[Chứng trạng] Chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em trong Y học cổ truyền

Chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em là chỉ Tỳ Vị của trẻ em không những công năng giảm sút mà còn dương khí Tỳ Vị bất túc, công năng sưởi ấm kém dẫn đến một loạt các hiện tượng hư hàn; Bệnh phần nhiều do ăn bú không điều hoà, ăn quá nhiều đồ sống lạnh hoặc uống quá nhiều thuốc hàn lương, hoặc ốm lâu kém chăm sóc, tổn thương dương khí của Tỳ Vị gây nên bệnh.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sắc mặt trắng bệch, cơ thể lạnh chân tay lạnh, thân thể phù thũng, kém ăn trướng bụng, đại tiện lỏng loãng, miệng nhạt không khát, vùng bụng đau âm ỉ, ưa ấm thích xoa bóp, tiểu tiện không lợi, lưỡi nhạt chất lưỡi non, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Tế hoặc chỉ văn nhạt.

Chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em thường gặp trong các bệnh Tích trệ, Tiết tả, Âu thổ, Thủy thũng, Vị quản thống.

Cần chẩn đoán phân biệt với chứng Tỳ Thận dương hư ở trẻ em.

Phân tích

Chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em thường là kết quả của bệnh tình Tỳ Vị hư nhược phát triển thêm một bước, nó không chỉ có công năng của Tỳ Vị bị giảm sút, mà còn là công năng sưởi ấm Dương nhiệt mất bình thường. Dương hư thì sinh nội hàn, cho nên có một loạt hiện tượng về Hư hàn; Có thể phát sinh trong nhiều loại tật bệnh.

– Như bệnh Tích trệ xuất hiện chứng Tỳ Vị hư hàn, đặc điểm chứng trạng là sắc mặt trắng bệch, cơ thể lạnh chân tay lạnh, bụng đau âm ỉ, ưa ấm thích xoa bóp, ỉa chảy ra nguyên đồ ăn, miệng nhạt không khát, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Tế hoặc Trì Nhược, hoặc chỉ văn xanh nhạt, đó là Tỳ Vị hư hàn, Vị mất sự thu nạp, Tỳ không kiện vận gây nên. Phép trị nên ôn trung tán hàn, sử dụng bài Lý trung hoàn (Thương hàn luận).

– Nếu là bệnh Tiết tả mạn tính thì phần nhiều thấy đại tiện lúc lỏng lúc nhão, ra đồ ăn không tiêu, thường sau khi ăn thì đau bụng đi lỏng nhiều hơn, kém ăn, bụng trướng đầy khó chịu, trong bụng lạnh đau, sắc mặt úa vàng, tinh thần mệt mỏi, chân tay không ấm, lưỡi nhạt lưỡi trắng, mạch Tế Nhược hoặc chỉ văn nhạt; Đây là Tỳ Vị Dương hư mất chức năng vận hoá, thủy cốc không tiêu hoá, trong đục không phân chia cho nên đại tiện lỏng nhão; Điều trị nên ôn bổ Tỳ Thận, cho uống Phụ tử lý trung hoàn (Hoà tễ cục phương). Nếu tiết tả không dứt có thể dùng thêm Tứ thần hoàn (Phụ nhân lương phương).

– Lại như bệnh Âu thổ, đặc điểm chứng trạng là sau khi ăn được một thời gian mới thổ, vật thổ ra phần nhiều có thức ăn và đờm, không chua không hôi, sắc mặt trắng xanh, tinh thần mệt mỏi, ưa ấm sợ lạnh, chân tay không ấm, miệng khô không muốn uống nước, hoặc đại tiện lỏng nhão, tiểu tiện trong, môi miệng nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Trì, chỉ văn xanh nhạt. Đây là Tỳ Vị dương hư, trung dương không mạnh, ngấu nhừ và vận hoá không kịp mà bị nón mửa; Điều trị nên ôn trung tán hàn, ích Tỳ an Vị, dùng bài Lý trung hoàn gia Đinh hương, Ngô thù du.

– Trong bệnh Vị quản thống xuất hiện chứng Tỳ Vị hư hàn, lâm sàng biểu hiện là Vị quản đau âm ỉ, liên miên không dứt, hoặc gặp trời lạnh mát, hoặc ăn thức sống lạnh là đau kịch liệt, ưa thích xoa bóp, gặp ấm thì đỡ đau, lại thấy miệng mũi thở hơi lạnh, chân tay không ấm, miệng không khát hoặc mửa rãi trong, kém ăn, bụng trướng đầy, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Tế hoặc Trì mà vô lực; Đây là Tỳ Vị dương hư, lạc mạch không được ôn dưỡng, vận hoá bất tức, thủy ẩm đọng trong Vị, phát sinh cơn đau, phép trị nên ôn trung tán hàn, hoà Vị lý khí, cho uống bài Hoàng kỳ kiến trung thang (Kim Quỹ yếu lược) gia Ngô thù, Thanh bì, Mộc qua, Hậu phác, Huyền hồ v.v… Nếu hàn thịnh mà đau kịch liệt, chân tay không ấm, có thể dùng Đại kiến trung thang (Kim qũy yếu lược) để phù trợ dương khí, ôn tán âm hàn.

– Lại như bệnh Thủy thũng mạn tính, biểu hiện lâm sàng là mình thũng từ lưng trở xuống nặng hơn, ấn vào lõm sâu lâu mới nổi, bụng trướng khó chịu, kém ăn đại tiện nhão, sắc mặt úa vàng, tinh thần mỏi mệt chân tay lạnh, tiểu tiện sẻn ít, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Hoãn; Đây là Tỳ Vị dương hư, khí không hoá thủy đến nỗi thủy thấp tràn ra cơ bắp điều trị nên ôn dương kiện Tỳ, hành khí lợi thủy, cho uống bài Thực Tỳ tán (Tế sinh phương).

Tật bệnh phát triển đến giai đoạn Tỳ Vị dương hư, thường nói lên bệnh tình khá nặng, vả lại dương hư không có gì để chưng hoá thủy dịch, lại có thể thấy bệnh biến thủy thấp ứ đọng, như thấp tụ sinh Đàm sinh Âm, hoặc tràn ra cơ bắp biến thành thủy thũng. Hơn nữa Tỳ Vị dương hư để lâu có thể liên lụy đến Thận dương, có thể phát triển thành chứng Tỳ Thận dương hư.

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Tỳ Thận dương hư ở trẻ em với chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em: Tỳ chủ vận hoá, công năng của nó hoạt động bình thường là nhờ vào sự sưởi ấm của dương khí trong Thận. Thận chứa tinh, cũng phải nhờ vào tinh vi của thủy cốc không ngừng hoá sinh và tu dưỡng, vì thế Tỳ với Thận sinh lý có quan hệ giúp đỡ và xúc tiến lẫn nhau; Trên bệnh lý có ảnh hưởng lẫn nhau, nhân quả với nhau; Nếu Thận dương bất túc không sưởi ấm được Tỳ dương làm cho Tỳ dương bất túc. Nếu Tỳ dương bất túc, không khả năng hấp thu và phân bố, lâu ngày sẽ liên lụy tới Thận dương, vì vậy, chứng Tỳ Vị hư hàn ở trẻ em, lâu ngày có thể phát triển thành chứng Tỳ Thận dương hư. Điểm phân biệt giữa hai chứng là: Chứng Tỳ Vị hư hàn có thể thấy chứng trạng bụng trướng khó chịu, kém ăn đại tiện nhão, chân tay không ấm, sắc mặt úa vàng, tiểu tiện sẻn ít, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng trơn, mạch Trầm Tế.

Chứng Thận dương hư lại thấy cả chứng sắc mặt trắng bệch, cơ thể lạnh và chân tay lạnh, lưng gối mềm yếu, chất lưỡi nhạt bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch Trầm Trì. Trẻ em mới sinh còn có thể thấy các chứng thóp mụ lõm, chất xương mềm yếu, lông tóc khô giòn, tinh thần bạc nhược, chân tay giá lạnh v.v…

Trích dẫn y văn

Đại để Tỳ Vị hư yếu, dương khí không khả năng sinh trưởng, đó là thời lệnh Xuân Hạ không hoạt động, khí của năm Tạng không sinh sôi (Tỳ Vị thắng suy luận – Tỳ Vị luận).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận