Chuột rút do đâu?

Chuột rút hay vọp bẻ là hiện tượng co thắt cơ đột ngột, ngoài ý muốn, gây đau dữ dội ở một bắp thịt, làm cho sự cử động khó khăn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ bắp thịt nào, nhưng thường gặp ở bắp thịt của cẳng chân, bắp thịt đùi và hông, bàn tay, bàn chân và cơ bụng. Thời gian cơ co rút có thể diễn ra từ vài giây tới vài phút, nhưng hay tái diễn.

Chuột rút là do cơ co thắt đột ngột dẫn

Khi nào hay bị chuột rút?

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây ra chứng chuột rút. Người ta cho rằng có thể là do vận động quá mức, do tình trạng tĩnh tại quá lâu như khi ngủ ban đêm, khi ngồi lâu không thay đổi tư thế. Bệnh thường xảy ra vào ban đêm khi đang ngủ hoặc sau khi vận động, sử dụng cơ bắp trong thời gian dài liên tục. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi và độ tuổi trên 60.

 Xử trí chuột rút ở bắp chuối, nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn chân lên phía trần nhà, hướng về đầu gối.

  Chuột rút ban đêm có thể do ban ngày đứng lâu trên nền cứng, cơ bắp không hoạt động, cứng nhắc. Hình dạng bàn chân bất thường như không có độ cong của mu bàn chân, gót chân nằm phẳng trên mặt đất khiến cho bắp thịt luôn luôn căng. Cơ thể bị thiếu nước. Béo phì khiến chân chịu sức nặng quá mức liên tục. Đeo giầy dép quá chật, gót quá cao. Mất nước, mất muối do tiêu chảy, mất nhiều mồ hôi dẫn đến mất cân bằng điện giải. Do tác dụng phụ của một số thuốc statin, prednison, thuốc lợi tiểu làm giảm kali và magiê; Mắc bệnh tiểu đường, Parkinson, đường huyết thấp, thiếu hồng cầu, bệnh tuyến giáp, bệnh thận đang lọc máu; Rối loạn tuần hoàn, bệnh mạch máu chi dưới khi đi lại nhiều…

Chuột rút sau khi vận động thường gặp ở các bắp thịt lớn như cẳng chân và đùi. Nguyên nhân có thể do: cơ bắp mệt mỏi, vận động quá lâu, quá mạnh, vận động khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, mất muối làm giảm nồng độ K, Mg, Na, Ca. Lắng đọng acid lactic trong bắp thịt sau khi vận động nhiều. Rối loạn dẫn truyền tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bắp nên dù não bộ muốn cơ thư giãn sau khi co nhưng cơ vẫn tiếp tục co gây ra đau. Theo đó những người ngồi làm việc lâu, ngồi lâu không thay đổi tư thế cũng hay bị chứng co cứng cơ.

Phụ nữ có thai thường hay bị chuột rút vào tháng thứ sáu của thai kỳ và kéo dài khi bụng ngày càng lớn. Nguyên nhân có thể do: thiếu calcium, phospho, magnesium; do các cơ ở dưới chân phải mang sức nặng của phần trên cơ thể; do thai nhi và tử cung lớn dần, cơ và dây chằng tử cung căng giãn; sức nặng và độ lớn của tử cung chèn ép ảnh hưởng lên các mạch máu ở chi dưới.

Hội chứng chân không nghỉ là một rối loạn chuyển động của chân mà nguyên nhân đến nay vẫn chưa biết rõ. Bệnh nhân bị cảm giác khó chịu, rần rần như có con vật gì đó bò ở dưới da, nhất là khi nằm ngủ ban đêm hoặc ngồi lâu. Để giải tỏa cảm giác khó chịu này, người bệnh phải liên tục cử động chân bằng cách đi lại, vươn duỗi chân. Người ta cho rằng do rối loạn hệ thần kinh, thiếu chất dopamin ở não, do gen di truyền hoặc cơ thể thiếu khoáng sắt. Có một số yếu tố liên quan đến hội chứng này là: giới tính (bệnh ở nữ gặp nhiều hơn ở nam); tuổi (bệnh rất ít ở tuổi thiếu niên, nhiều hơn ở độ tuổi trên 65); yếu tố gia đình (2/3 người bệnh có liên hệ gia đình và thường xảy ra trước tuổi 40); phụ nữ có thai (khoảng 20% phụ nữ mang thai bị rối loạn này, nhưng sau khi sinh thì hết bệnh); lọc máu (nhiều bệnh nhân lọc máu vì thận suy cũng bị hội chứng này, nhưng sau khi được thay thận thì hết bệnh này); các bệnh viêm xương khớp, tiểu đường, mập phì, nghiện rượu, thiểu năng tuyến giáp, thiếu hồng cầu, bệnh cơ bắp, thương tích não bộ tủy sống; thiếu chất sắt, magnesium, folic acid…; mệt mỏi, nhiều căng thẳng, tiếp xúc quá lâu với lạnh; hút thuốc, uống rượu, uống nhiều café…

 Cần khởi động trước khi vận động để phòng chuột rút.

Bình thường chuột rút không kéo dài và không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu chuột rút xảy ra khi đang lái xe, điều khiển máy móc thì có thể bị tai nạn, chuột rút khi đang bơi lội có thể làm bệnh nhân bị chết đuối. Biện pháp xử trí khi bị chuột rút là: xoa bóp bắp thịt bị co rút nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở bắp chuối, bạn nên nhè nhẹ vươn duỗi cơ theo chiều đối ngược: kéo đầu ngón chân và bàn lên phía trần nhà, hướng về đầu gối. Trường hợp chuột rút bắp đùi, bạn cần nhờ người khác kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay kia đồng thời ấn đầu gối xuống. Nếu bị chuột rút cơ xương sườn, bạn phải hít thở sâu để thư giãn cơ hoành, đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực. Có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Đạp xe thong thả chừng 5 – 10 phút trước khi đi ngủ. Nên đeo giày vừa chân, gót giày không quá cao. Mang tất đàn hồi hơi ép vào mạch máu để tránh máu ứ đọng ở tĩnh mạch chi dưới. Có thể dùng thuốc điều trị chuột rút với các loại như sau: quinin sulfat, diphenhydramin hydrochlorid, vitamin E, thuốc thư giãn cơ, veramil hydrochlorid, chloroquin phosphat…

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận