Nhiều bệnh nhi ho đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà tử vong là do suy hô hấp, không đủ ôxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não…
Không chủ quan với bệnh ho gà
Mới đây, sau khi phát hiện nhiều trường hợp dương tính với bệnh ho gà tại địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng), Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo ngành Y tế tại địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, khuyến cáo người dân trên cả nước, cần chủ động trong việc phòng ngừa bệnh dịch này.
Trước đó, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin: trong năm 2015 Việt Nam ghi nhận 380 trường hợp có lâm sàng ho gà, xét nghiệm dương tính là 258 trường hợp.
Trong đó, 50% bệnh nhi trong độ tuổi từ 2 – 4 tháng tuổi chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ 3 mũi như quy định. Các trường hợp còn lại rơi vào một số trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm) và một số nhỏ là trẻ 2- 3 tuổi.
Các chuyên gia khuyến cáo, tiêm phòng vaccine đầy đủ là biện pháp hiệu quả giúp giảm số trường hợp mắc bệnh ho gà. Ảnh: N.Mai
Theo các chuyên gia, ho gà là bệnh rất dễ lây lan, thậm chí lây thành dịch. Bệnh lây qua đường hô hấp, truyền từ người sang người qua những hạt nước bọt nhỏ văng ra khi bệnh nhân ho hoặc qua dịch mũi.
Do vậy, khi thấy trẻ bị ho lâu ngày, cần cách ly trẻ với những trẻ khác (kể cả trẻ đã được tiêm phòng) và đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ khám và điều trị ngay. Được điều trị càng sớm, trẻ càng ít có nguy cơ bị biến chứng.
Để phòng bệnh ho gà và các bệnh lây nhiễm cho trẻ, chuyên gia khuyến cáo, tiêm phòng vaccine đầy đủ là biện pháp hiệu quả giúp giảm số trường hợp mắc bệnh ho gà. Ngoài ra, cần tránh cho trẻ tiếp xúc với những đối tượng nghi ngờ mắc bệnh. Khi chăm sóc, tiếp xúc gần với trẻ, người lớn cần thường xuyên rửa tay xà phòng, vệ sinh răng miệng, mũi họng để phòng nguy cơ lây truyền bệnh cho trẻ.
Phân biệt ho gà với ho thông thường
Ho gà là bệnh do vi khuẩn ho gà (tên khoa học là Bordetella pertussis) gây nên, vi khuẩn này lây theo đường hô hấp. Bệnh biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài.
Giai đoạn đầu, trẻ có thể sốt nhẹ và xuất hiện ho, hắt hơi, chảy nước mắt, nước mũi. Ở giai đoạn này, để nhận diện rất khó do triệu chứng của ho gà khá giống với những biểu hiện của cảm cúm, viêm đường hô hấp.
Tiếp đó, xuất hiện những cơn ho nhiều hơn cả ngày và đêm. Trong cơn ho có tiếng thở rít, nôn dãi trắng và rất dính. Lúc này, trẻ sẽ ho 15-20 tiếng ho liên tiếp không ngừng, lưỡi đẩy ra ngoài, chảy nước mắt, người tím tái (có thể tắt thở trong khi ho). Sau cơn ho trẻ vã mồ hôi, mệt mỏi, nôn, thở nhanh, mặt phù nề…
Đặc biệt trẻ sơ sinh bị ho gà thường rất nặng nề. Nhiều bệnh nhi ho đến mức chảy cả máu mắt. Phần lớn trẻ ho gà tử vong là do suy hô hấp, không đủ ôxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu ôxy não, biến chứng viêm não… nếu không được điều trị kịp thời.
Do đó, phụ huynh không nên chủ quan, khi thấy trẻ bị chảy nước mũi, ho nhẹ (thường ho về đêm), sau đó trẻ ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa, mệt mỏi, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Mai Thùy
Nguồn: giadinh.net.vn