I. CĂN NGUYÊN BỆNH ZÔNA
Do virus thuỷ đậu varicellae Zoster virus (VZV) gây nên. Thường trẻ em bị nhiễm virus thuỷ đậu và bị thuỷ đậu lúc còn bé hoặc thiếu niên và cơ thể được miễn dịch. Zôna chỉ là một nhiễm virus lần 2 hoặc một tái hoat động của virus tiềm tàng trong một cơ thể đã có miễn dịch nhưng chưa đẩy đủ và chỉ xâm nhiễm các tế bào thần kinh của các dây thần kinh cảm giác hướng tâm (viêm hạch – rễ thần kinh sau cấp), Bệnh nhân zôna có thể là nguồn lây bệnh thuỷ đậu cho trẻ em chưa bị thuỷ đậu và hiếm khi gây lây zôna cho người lớn.
Người bị các bệnh bạch cầu, ung thư, không có y – globulin, bệnh nhiễm khuẩn mạn, suy kiệt, dùng nhiều corticoiđ hoặc thuốc ức chế miễn dịch, người bị chấn thương sọ não, cột sống,-bị tổn thương các dây thần kinh, chiếu tia X cũng dễ bị zôna.
II. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ TIẾN TRIỂN BỆNH ZÔNA
Thời gian ủ bệnh từ 7 – 20 ngày.
Da ở khu vực có dây thần kinh bị nhiễm virus viêm đỏ, đau, có cảm giác rát bỏng, hạch lympho tương ứng sưng đau. Có thể có sốt mệt mỏi. Giai đoạn này có thể kéo dài trong 5-7 ngày,
Sau đó trên nền da đỏ nói trên nổi mụn nước, bọng nước, lúc đầu trong sau có thể đục nếu bị bội nhiễm, có khi có máu. Mụn nước, bọng nước mọc theo khu vực có dây thần kinh, thường thành một dải dài. Vị trí hay gặp là ở mặt, quanh mắt, vùng liên sườn, vùng chậu hông. Có khi xuống tay, chân. Thường chỉ có ở 1 bên.
Nếu không bị bội nhiễm, bệnh tự khỏi sau 2 – 3 tuần, để lại vết sẫm màu. ở người già, khu vực bị tổn thương có thể bị rát, buốt trước và sau khi khỏi, nhất là khi thay đổi thời tiết. Rát buốt thường ở sâu, còn ở bề mặt da thì lại giảm cảm giác.
Một số thể zona ở mắt, tai cần được chú ý theo dõi vì có thể gây loét giác mạc, viêm mống mắt, gây đau tai, liệt mặt, giảm thính lực và mất thăng bằng.
Chẩn đoán phân biệt với Herpes, chốc lây, viêm lợi – răng do Herpes, viêm da bọng nước do côn trùng (kiến khoang, dời leo…}
III. ĐIỀU TRỊ BỆNH ZÔNA
– Nếu mụn nước không bị dập vỡ thì bôi thuốc dịu da như hồ kẽm, rivanol 1% (không nên dùng thuốc dầu, mỡ).
– Nếu mụn, bọng nước bị dập vỡ thì chấm thuốc màu sát khuẩn, bôi hồ tetracyclin.
– Uống thuốc kháng histamin tổng hợp, vitamin B1, Analgin, Seduxen.
– Hãn hữu gặp trường hợp đau dữ dội có thể cho corticoid liều thấp.
– Nếu có aciclovir thì cũng có thể dùng được, nhất là đối với trường hợp nặng dùng kem bôi và viên uống 800mg mỗi ngày 5 lần, mỗi lần 1 viên trong 5-7 ngày. Điều trị sớm bệnh giảm dần và giảm các triệu chứng đau rát.
Chú ý: ở trẻ em, thiếu niên hoặc người già mà bị zôna thì cần loại trừ hoặc theo dõi các bệnh ác tính tiềm tàng có thể có. Zona có thể báo hiệu nhiễm HIV/AIDS, cần làm xét nghiệm để phát hiện.