“Xì hơi” là một phản ứng sinh lý bình thường, tuy nhiên trong một số trường hợp, đây lại là dấu hiệu cảnh báo nhiều loại bệnh tật. Chúng ta hoàn toàn không nên coi thường những dấu hiệu này mà cần chú ý để có thể phòng tránh và chữa trị kịp thời.
Lý do của việc “xì hơi”
“Xì hơi” là hành động thải khí ra khỏi đường ruột qua hậu môn. Nó xảy ra khi nguồn thức ăn chưa tiêu hóa hết ở dạ dày, khi xuống đến đại tràng sẽ được các vi khuẩn phân hủy, dẫn đến việc bài tiết khí thải. Lượng khí cơ thể “xì hơi” tạo ra gồm có nitơ, CO2, hidro, oxy, metan… những khí này được quyết định do loại cũng như số lượng thức ăn chúng ta nạp vào cơ thể hàng ngày.
Ý nghĩa của từng dạng “xì hơi”
Xì hơi không mùi
Trung bình, mỗi ngày một người bình thường “xì hơi” tới mười tám, hai mươi lần và hầu hết hơi thoát ra không có mùi, chúng ta thậm chí còn không tự nhận thức được hành động của mình. Đây là một dấu hiệu tốt chứng tỏ hệ tiêu hóa đang làm việc rất hiệu quả và các loại vi khuẩn trong đường ruột đang giúp cơ thể hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất. Lúc này, phần lớn hơi thoát ra là khí CO2 và chúng ta vô tình đang giúp cây cối sinh trưởng thông qua việc “xì hơi” đấy.
Xì hơi có mùi nhẹ
Trong hầu hết các trường hợp chúng ta sẽ ngửi thấy mùi nhẹ khi mình xì hơi. Bản chất của mùi này là do khí hydrogen sulfide được tạo ra khi một số loại thực phẩm nhất định được phân hủy trong dạ dày. Thông thường đây là những loại thực phẩm có chứa lượng lưu huỳnh lớn trong thành phần, có thể kể đến như bông cải xanh, súp lơ, sữa, đậu… Đôi khi thịt đỏ cũng góp phần tạo ra loại mùi này nhưng thông thường sẽ là sau bữa ăn một thời gian nhất định.
Xì hơi nặng mùi
Theo phân tích của các chuyên gia, “xì hơi” nặng mùi sau các bữa ăn là do bạn đã nạp vào cơ thể quá nhiều chất xơ cùng các loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng vượt mức khả năng hấp thu của đường ruột, kết quả là khi tới đại tràng thức ăn sẽ bị lên men, làm tăng thêm các amin gây mùi. Ngoài ra đây cũng là dấu hiệu ban đầu cảnh báo một loạt bệnh như rối loạn đường ruột, đau dạ dày, nguy cơ rò hậu môn hoặc dấu hiệu của ung thư.
Các cách để cải thiện tình trạng “xì hơi”
– Hạn chế các chất có chứa caffeine: caffeine có tác dụng làm giãn cơ vòng khiến cho việc xì hơi của chúng ta dễ có tiếng động lớn. Giảm thiểu caffeine không giúp hạn chế lượng khí gas sản sinh ra trong cơ thể nhưng sẽ giúp việc xì hơi trở nên lịch sự hơn và tránh cho bạn những tình huống xấu hổ nơi công cộng đấy.
– Giảm thiểu thực phẩm làm từ sữa: Sữa là loại thực phẩm chậm tiêu hóa, quá trình sữa lên men trong dạ dày là nguyên nhân chính sản xuất ra khí cũng như gây mùi. Cắt giảm các thực phẩm từ sữa trong bữa ăn hàng ngày sẽ giúp bạn giảm đi tần suất xì hơi đáng kể đó.
– Ăn chậm: Ăn quá nhanh khiến chúng ta sẽ nuốt luôn một lượng khí lớn trong quá trình nhai thức ăn. Bên cạnh đó ăn nhanh sẽ dẫn đến việc nhai không kỹ, từ đó khiến cho thức ăn trở nên khó tiêu hóa và lưu lại lâu hơn trong dạ dày. Dần dần, thức ăn này sẽ sản sinh ra khí dẫn đến hiện tượng xì hơi thường xuyên.
Nguồn: kenh14.vn