GiadinhNet – Bệnh thủy đậu xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em là đối tượng bị tấn công mạnh mẽ nhất vì sức đề kháng yếu. Vậy cách phòng tránh như nào?
Theo tài liệu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh thủy đậu do một loại siêu virus mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, rất dễ lây truyền. Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi nhảy mũi hoặc ho… thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi.
Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. Bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh được gọi là thời gian nung bệnh, khoảng 2-3 tuần.
Triệu chứng nổi mụn nước, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 – 24 giờ có thể nổi toàn thân. Chúng có kích thước từ l – 3 mm đường kính, chứa dịch trong.
Mùa hè, trẻ em tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh thủy đậu. Ảnh minh họa
Bên cạnh mụn nước trẻ nhỏ thường kèm sốt nhẹ, biếng ăn nhưng ở người lớn hay trẻ lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Bệnh sẽ kéo dài từ 7 – 10 ngày nếu không có biến chứng, các nốt rạ sẽ khô dần, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, nhưng nếu bị nhiễm thêm vi trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước, nặng hơn vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây nhiễm trùng huyết. Các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não… có thể nguy hiểm đến tính mạng, hay để lại di chứng sau này.
Viêm phổi nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi… và nguy hiểm tính mạng. Riêng trường hợp bị viêm não, tỉ lệ tử vong chiếm 5 – 20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại. Chính vì vậy, việc phòng tránh bệnh cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Thực phẩm giàu vitamin giúp đề kháng của trẻ tốt hơn. Ảnh minh họa
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Nguyễn Thị Lâm – Viện phó Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho rằng dinh dưỡng cũng rất quan trọng đến việc phòng bệnh cho trẻ: “Để phòng bệnh, phụ huynh cần tăng cường sức đề kháng cho bé bằng việc bổ sung nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết, ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin C”.
Bác sỹ Nguyễn Nhàn – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết thêm: “Bên cạnh việc chú trọng ăn uống, mùa hè phụ huynh cần chú ý tắm rửa, vệ sinh thật kỹ toàn bộ cơ thể của bé bằng xà bông diệt khuẩn. Đây là một trong những cách phòng chống các bệnh ngoài da vào mùa hè”.
Vệ sinh sạch sẽ là một trong những cách phòng bệnh ở trẻ. Ảnh minh họa
Bà khuyến cáo, nhiều người chọn biện pháp cách ly bé khỏi nguồn bệnh, nhưng hành động này không tối ưu vì thủy đậu ủ bệnh lâu, chưa nổi mụn nước vẫn có thể lây cho người lành. Thậm chí khả năng lây này còn kéo dài nhiều ngày sau khi mụn nước đã lành hẳn.
Một sai lầm thường gặp ở phụ huynh là đưa bé đi tiêm vaccine khi xung quanh có nhiều trẻ mắc bệnh. Tuy nhiên, tiêm càng muộn hiệu quả càng ít, bởi có thể trẻ đã tiếp xúc với siêu vi trùng gây bệnh rồi. Thời điểm tiêm vaccine tốt nhất là khi bé bắt đầu đi nhà trẻ, hay từ 12 đến 18 tháng tuổi.
Ngọc Thi/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: giadinh.net.vn