Điều trị đau dây thần kinh hông bằng đông y

ĐIỀU TRỊ ĐAU DÂY THẦN KINH HÔNG

I/ Đại cương:

Đau dây thần kinh hông là một hội chứng đau rễ thần kinh thắt lưng V và cùng I, đau lan từ thắt lưng xuống hông dọc theo mặt sau đùi xuống cẳng chân, lan ra ngón cái hoặc út (tuỳ theo rễ bị đau). Nguyên nhân do thoát vị đĩa đệm là hay gặp nhất, ngoài ra còn do cùng hoá thắt lưng V hay cùng I, gai đôi cột sống, thoái hoá cột sống hoặc do chấn thương cột sống, viêm cột sống dính khớp,…

Theo Y học cổ truyền đau dây thần kinh hông còn gọi là “yêu cước thống”, “toạ cốt phong”, “toạ điền phong”, thuộc phạm vi “chứng tý”. Nguyên nhân do phong hàn, phong thấp, phong nhiệt thừa cơ tấu lý sơ hở xâm lấn vào kinh túc Thái dương Bàng quang và túc Thiếu dương đởm, hoặc do chính khí hư yếu, rối loạn chức năng tạng phủ nhất là tạng can, thận hoặc do lao động quá sức, trọng thương gây huyết ứ, khí ứ làm bế tắc kinh khí của kinh Bàng quang, kinh Đởm gây đau.

II/ Chỉ định:

Đau dây thần kinh hông:

– Đau dọc theo đường đi của dây thần kinh hông

– Có điểm đau cạnh sống

– Dấu hiệu lasegue (+) ≤ 700

– Dấu hiệu valleix (+).

– Nghiệm pháp Bonnet (+).

– Rối loạn cảm giác có hoặc không.

– Teo cơ có hoặc không.

III/ Chống chỉ định:

– Đau dây thần kinh hông do thoát vị đĩa đệm có chỉ định điều trị ngoại khoa.

– Đau dây thần kinh hông do bệnh cột sống khác: Lao, ung thư có chèn ép tuỷ, bệnh ống tuỷ, đang tăng huyết áp có chấn thương cột sống, gãy xương và biến dạng.

– Đau dây thần kinh hông kèm theo: Xơ gan, suy tim, hen suyễn, ung thư, tâm thần, suy thận, HIV/AIDS.

IV/ Chuẩn bị:

1/ Cán bộ y tế:

– Mặc y phục.

– Sát trùng tay.

– Đứng bên đau bệnh nhân, giải thích sơ qua tình hình bệnh tật, phương pháp điều trị sẽ áp dụng, giúp người bệnh yên tâm, tin tưởng.

2/ Người bệnh:

– Nằm sấp bộc lộ bên đau, có thể co nhẹ khớp gối hoặc kê cổ chân bằng gối mềm nếu bệnh nhân đau nhiều không nằm thẳng chân được.

3/ Phương tiện:

– Khay inox đựng: Hộp bông cồn, panh, kim châm cắm riêng từng người.

– Kim châm cứu: Dài 5-6 cm và 10cm.

– Máy điện châm.

– Điếu ngải hoặc đèn hồng ngoại.

V/ Quy trình điều trị các thể theo YHCT:

1/ Thể phong hàn (đau thần kinh hông do lạnh).

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn

– Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc.

– Điều trị:

+ Châm cứu: Ôn điện châm (dùng mồi ngải hay đèn hồng ngoại).

+ Đau theo kinh Bàng quang: Huyệt dùng: Giáp tích từ L4- S1, Thận du, Đại tràng du, Trật biên, Ân môn, Uỷ trung, Thừa sơn, Côn lôn, Túc lâm khấp.

+ Đau theo hai kinh: Châm kết hợp các huyệt trên.

+ Xoa bóp: Day, lăn, phát, bóp bấm huyệt, vận động cột sống, vận động chân.

– Bài thuốc: Theo đối pháp lập phương hoặc bài “Can khương, Thương truật, Phụ linh thang” gia quế chi, Xuyên khung.

2/ Thể phong hàn thấp:

(Thoái hoá cột sống, cùng hoá L5-S1 gai đôi L5-S1).

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực hàn hoặc biểu lý tương kiêm.

– Pháp điều trị: Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc hay khu phong, kiện tỳ, trừ thấp, bổ can thận.

– Điều trị:

+ Châm cứu: Ôn điện châm, châm các huyệt theo kinh bị bệnh giống thể phong hàn. Nếu ảnh hưởng đến can tỳ thận thì thêm huyệt Can du, Tỳ du, Thận du (châm bổ).

+ Xoa bóp giống thể phong hàn.

– Bài thuốc: Dùng đối pháp lập phương hay “Độc hoạt tang ký sinh thang”.

3/ Thể phong thấp nhiệt (viêm cột sống, viêm khớp cùng chậu,…).

– Chẩn đoán bát cương: Biểu thực nhiệt.

– Pháp điều trị: Khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt giải độc, thông kinh hoạt lạc.

– Điều trị:

+ Châm cứu: Điện châm như thể phong hàn thêm: Phong trì, Hợp cốc.

+ Xoa bóp: Như thể phong hàn.

– Bài thuốc: Đối pháp lập phương hoặc “ý dĩ thang” với “Nhị diệu thang”.

4/ Thể huyết ứ (thoát vị đĩa đệm, chấn thương).

– Chẩn đoán bát cương: Thực chứng.

– Pháp điều trị: Hành khí, hoạt huyết, thông ứ.

– Điều trị:

+ Châm cứu: Điện châm các huyệt như thể phong hàn thêm: Huyết hải, Cách du.

+ Xoa bóp: Giống thể phong hàn thấp thêm động tác kéo giãn cột sống, xoa bóp xong nằm bất động trên giường cứng.

– Bài thuốc: Đối pháp lập phương hoặc “Tứ vật đào hồng”.

VI/ Phương pháp kết hợp YHHĐ-YHCT:

* Chỉ định:

– Các trường hợp đã điều trị Y học cổ truyền đỡ ít.

– Các trường hợp đau cấp, hạn chế vận động nhiều.

* Y học hiện đại:

– Giai đoạn kháng viêm (NSAID): Diclofenac, Voltaren, Felden…dạng uống hoặc tiêm (không dùng trong các truờng hợp có tiền sử loét dạ dày hành tá tràng) chú ý tiêm bắp sâu, không nên thuỷ châm các huyệt vùng cẳng chân, tiêm dùng từ 1-3 ống (ngày 1 ống).

– Thuốc giãn cơ: Mydocalm, Alaxan…

– Hoặc Vitamin B liều cao, thuỷ châm các huyệt theo kinh bị bệnh.

– Vật lý trị liệu: Chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, kéo giãn cột sống nhất là trường hợp đau do thoát vị đĩa đệm.

* Y học cổ truyền:

– Điện châm, ôn điện châm, xoa bóp bấm huyệt.

VII/ Tiêu chuẩn đánh giá kết quả điều trị:

– Tốt: Hết đau, đi lại bình thường.

– Khá: Còn đau khi vận động, nghỉ ngơi đỡ.

– Trung bình: Còn đau cả khi vận động, nghỉ ngơi.

– Kém: Không đỡ hoặc đau tăng lên.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận