Con gà được loài người thuần hóa từ 8.000 năm trước tổ tiên của gà nhà là 2 loài gà rừng đỏ (Gallus gallus) và gà rừng xám (Gallus sonneratii).
Biểu tượng gà trên thế giới
Thời Ai Cập cổ đại, trứng gà được đặt ở các ngôi đền để cầu cho nước sông dồi dào.
Gà trống Gô Loa (Gaulois) được coi là biểu tượng nước Pháp từ hàng trăm năm nay, nó tượng trưng của sự chân thành và sự tươi sáng, từng xuất hiện trên lá cờ của cánh mạng Pháp.
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cũng có 4 thành phố mang tên Chicken (Chicken bang Alaska, Chicken Bristle bang Illinois, Chicken Bristle bang Kentucky, Checken Town bang Pennslyvania).
Từ năm 1966, thế giới lấy ngay thứ sáu của tuần thứ 2 trong tháng 10 làm Ngày Quốc tế Trứng gà (World Egg Day).
Việt Nam là một trong 3 nước có nhiều giống gà nhất thế giới (Việt Nam, Anh, Hoa Kỳ). Trong hơn 20 loại gia cầm được bảo tồn gen ở Việt Nam, gà chiếm 11 loại. 15 giống gà đã được Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) công nhận (1).
Gà là vật nuôi thân thuộc với người Việt. Làng quê Việt sẽ thiếu hồn nếu thiếu tiếng gà. Trong mâm cơm cúng ngày giỗ, tết không thể thiếu thịt gà (nhiều nhà để cả con gà luộc quỳ trên đĩa, mỏ gà cắm 1 bông hoa hồng, đặt trên bàn thờ).
Thịt gà, trứng gà: nguồn đạm động vật chủ lực của con người
Trên thế giới hiện nay, gà thịt được nuôi phần lớn theo quy mô công nghiệp, chu kỳ nuôi ngắn, hiệu quả kinh tế cao. Thịt gà là nguồn đạm động vật có chất lượng cao giá rẻ. Ngoài đạm, thịt gà lại ít chất béo. Trong chất béo của gà thì hàm lượng Omega 3 lại cao và không chứa transfast (chất làm tăng LDL và giảm HDL). Thịt gà chứa nhiều vitamin A, E, C, B1, B2, PP và các muối khoáng canxi, phospho, sắt. Do đó nó có tác dụng hỗ trợ cơ thể chống ung thư và bổ dưỡng. Cần biết: khi ăn thịt gà nên bỏ: da, mỡ, cổ, mề, phao câu (mề gà và phao câu là món ăn khoái khẩu của nhiều người).
Thịt gà chiếm 87% trong các loại thịt gia cầm, nó dẫn đầu về khối lượng tiêu thụ các loại thịt (gà – lợn – bò). Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất và hàng thứ 2 về tiêu thụ thịt gà, năm 2015 là 17.961.000 tấn và 47,5 kg/người.
Việt Nam đứng hàng thứ 11 về tiêu thụ thịt gà 11,5 kg/ người.
Trứng gà là thức ăn có giá trị dinh dưỡng đặc biệt cao và an toàn
Khi ăn một quả trứng ta đã hưởng trọn vẹn hơn 60 dưỡng chất trong đó trứng gà có đầy đủ chất đạm, chất béo, chất khoáng, vitamin, các men. Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng gà tương quan với nhau rất thích hợp và cân đối: chất đạm có đầy đủ 9 axít amin thiết yếu và 2 axít amin cần; có vai trò quan trọng cho sự phát triển của cơ thể cả về cân nặng và chiều cao. Chất béo có: lecithin là chất béo quý (trong lòng đỏ trứng gà có 8 – 10% lecithin, các thực phẩm khác có rất ít) nó là thành phần các tế bào và dịch thể các tổ chức, đặc biệt là não, giúp phát triển thần kinh cho trẻ, cải thiện trí nhớ và chống lú lẫn tuổi già. Nó điều hòa lượng cholesterol trong cơ thể và bài xuất các thành phần thu được ra khỏi cơ thể, giảm mỡ máu, khôi phục tế bào gan tổn thương. Cholesterol trong trứng gà tuy hàm lượng cao, nhưng là loại cholesterol tốt, lại có lecithin điều hòa và phát huy vai trò của cholesterol, ngăn ngừa vữa xơ động mạch và đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể, giảm sự tổng hợp cholesterol ở tế bào gan.
Chất khoáng có canxi, phospho, sắt, kẽm, đồng, selen, mangan, iốt.
Vitamin có các loại tan trong dầu như: A, D, E, K; các loại tan trong nước như: B1, B2, B3, B5, B6, B8, B9; các loại khoáng chất và vitamin này giúp cho cơ thể phát triển khi trẻ, chống bệnh tật, ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa khi già. (vitamin D chỉ có trong trứng gà, vịt; không có trong trứng ngỗng, trứng cút) – Lutein và Zexanthin (chất tạo màu lòng đỏ trứng) là chất chống oxy hóa mạnh giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể, chống mù lòa, chống bệnh tim mạch và ung thư
Mức tiêu thụ trứng của các nước phát triển: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bình quân đầu người 250 – 300 quả/ năm. Việt Nam mới đạt bình quân đầu người 80 quả/ năm (vì thiếu thông tin, cho rằng ăn trứng sinh bệnh mỡ máu và tim mạch…). Các nhà khoa học Mỹ thuộc viện Epit Stat phân tích tổng hợp các nghiên cứu từ năm 1982 – 2015 trên những ngưới ăn trứng, rút ra kết luận: mỗi ngày ăn một quả trứng sẽ giảm 12% nguy cơ đột quỵ và không ảnh hưởng đến mạch vành.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: người trưởng thành không nên ăn quá 10 quả trứng gà/tuần. Chỉ nên bổ sung trứng gà cho trẻ trên 12 tháng tuổi. Không ăn trứng sống, trứng nấu chưa chín. Người có tiền sử dị ứng với trứng (tuy rất hiếm) thì không được ăn trứng. Người bị tiêu chảy, sau khi khỏi bệnh mới được ăn trứng
Ghi chú: (1) 15 giống gà ở VN đã được FAO công nhận là gà ri, gà ác, gà tò, gà tè, gà mía, gà móng, gà hồ, gà H’Mông, gà nòi (gà chọi), gà tre, gà ta vàng, gà Đông Tảo, gà Tiên Yên, gà Văn Phú, gà Phù Lưu Tế.
DS. TRẦN XUÂN THUYẾT