Sau khi ăn cháo cóc được khoảng 1 giờ thì cả 3 mẹ con chị H. cùng ói mửa. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng do độc tố đã ngấm vào người nên cả 3 nạn nhân đều tử vong.
Lại thêm vụ tử vong do ăn thịt cóc
Mới đây nhất, tại ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc đã xảy ra một vụ ngộ độc thương tâm do ăn thịt cóc khiến cả 3 mẹ con trong cùng một gia đình tử vong.
Theo anh Trần Chơn T. – chồng của nạn nhân cho biết, vào khoảng 21 giờ ngày 7/11, khi anh đang đi làm thì nhận được điện thoại của vợ là chị Bùi Thị H. báo tin 2 đứa con ói mửa liên tục.
Anh T vội vàng thu xếp trở về nhà và thấy chị H. cùng 2 con gái là cháu N. (7 tuổi) và cháu P. (1 tuổi) ói mửa ra chất màu đen, anh nhanh chóng gọi taxi đưa cả 3 mẹ con đi bệnh viện cấp cứu. Trên đường đi, chị H. kể đã nấu cháo 4 con cóc rồi cả 3 mẹ con cùng ăn. Ăn được một lúc, cả ba người cùng ói mửa.
Anh T. cũng cho cho biết thêm, do con gái sinh thiếu tháng nên chị H. thường xuyên mua thịt cóc nấu cho con ăn. Vợ anh vẫn mua thịt cóc của người quen tên Linh tại xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc.
Tại bệnh viện, mặc dù đã được các bác sĩ súc ruột, cho uống than hoạt tính, lọc máu liên tục … nhưng do nhập viện trễ, độc tố đã ngấm vào người nên cả 3 mẹ con chị H. đều không qua khỏi.
Cơ quan chức năng đã kiểm tra nhà của người bán thịt cóc và ghi nhận vẫn còn khoảng 10 con cóc trong bao. Bà Linh kể chị H. đặt mua 20 con cóc rồi nhờ đến nhà làm giúp. Bà Linh đã dặn chị H. nên bỏ bộ lòng đi vì sẽ gây chết người nhưng chị H. vẫn giữ lại và nói để đắp bướu cho người nào đó.
Qua xác minh ban đầu, cơ quan chức năng cho biết các nạn nhân tử vong do độc tố từ cóc gây ra.
Vụ việc 3 mẹ con tử vong do ăn cháo cóc một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo cho nhiều gia đình có thói quen mua thịt cóc về làm ruốc hay chế biến cho con ăn với mong muốn chống bệnh còi xương ở trẻ nhỏ.
Đừng để mất mạng oan uổng vì ăn thịt cóc
Theo các bác sĩ khuyến cáo, cóc là một món ăn bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc ăn thịt cóc lại tiềm ẩn nguy cơ vô cùng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng con người bởi trong quá trình chế biến cóc cho dù đã bỏ trứng và mật cóc ra ngoài nhưng trong khi chế biến không thể không tránh khỏi còn sót lại.
Ngộ độc do sử dụng thịt cóc không đảm bảo, do sử dụng những phần chứa độc tố cóc như nhựa cóc (ở tuyến sau tai, tuyến trên mắt và các tuyến trên da cóc), trong gan cóc và trong buồng trứng cóc đã được cảnh báo, khuyến cáo dưới nhiều hình thức nhưng vẫn gây nhiều ca tử vong thương tâm.
Những lưu ý khi chế biến thịt cóc
Chỉ dùng những con cóc có trọng lượng trên 80g. Khi chế biến cóc cần loại bỏ hết tất cả các phủ tạng như gan, mật, trứng… và nhựa cóc, đặc biệt là trứng cóc vì rất độc, mỗi con cóc cái trưởng thành đều có hai buồng trứng rất to, trong đó chứa rất nhiều trứng.
Trứng cóc lầy nhầy, màu xám trông tựa trứng ếch hoặc trứng chão chuộc. Trứng cóc đun chín đều không có mùi gì đặc biệt, trông rất giống trứng ếch hay trứng chão chuộc nên đã có một số người lầm tưởng có thể ăn được. Sau khi ăn trứng cóc sẽ có những biểu hiện ngộ độc: nôn mửa dữ dội, đau bụng, sùi bọt mép… Nếu không cấp cứu kịp thời bằng các phương pháp thích hợp như phương pháp “thổ” (gây nôn) của Đông y, hay “rửa ruột” của YHHĐ sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Vì trứng cóc độc như vậy nên khi chế biến cóc cần phải loại bỏ một cách triệt để, nhất là những con cóc có buồng trứng bị sa xuống phía dưới, thường là một bên. Từ buồng trứng trong bụng cóc có một ống nhỏ, đường kính khoảng 2-3mm, trong suốt, kéo dài xuống phía dưới chân, nằm lách sâu trong kẽ bắp cơ đùi và cơ bắp chân của cóc. Trong ống đó có rất nhiều trứng cóc nên nhiều người không biết hoặc không để ý, đã ăn phải trứng cóc ở bộ phận này mà bị trúng độc.
Mặt khác, cho dù đã loại hết các chất độc do cóc gây ra như nhựa cóc, trứng cóc…, song khi ăn thịt cóc dưới dạng nấu canh, nấu cháo… vẫn bị ngộ độc theo kiểu viêm cấp tính đường tiết niệu, gây đái buốt, nặng hơn thì đái ra máu hoặc các lớp màng niêm mạc của đường tiết niệu… Do đó, việc chế biến cóc cần phải hết sức thận trọng.
Triệu chứng khi ngộ độc thịt cóc
Mệt mỏi, lạnh, nhức các chi, chướng bụng, buồn nôn. Đặc điểm là tim đập rất chậm: 40 lần/phút, có khi chậm hơn hoặc loạn nhịp hoàn toàn.
Cách xử lý khi ngộ độc thịt cóc
– Gây nôn, rửa dạ dày bằng dung dịch tanin 2%.
– Cho uống nước cam thảo, nước luộc đỗ xanh, lòng trắng trứng.
– Điều trị triệu chứng.
– Không được dùng Adrenalin, Ouabain.
Phạm Hậu (th)
Nguồn: giadinh.net.vn