Dây chằng chéo sau là một trong hai dây chằng nằm trong gối có nhiệm vụ giữ không cho mâm chày di chuyển ra sau. Trong sinh hoạt hàng ngày, khi bị chấn thương (thường là do ngã giập gối trong tư thế gối gập) có thể chỉ bị đứt một phần hoặc có thể bị đứt hết nhưng có thể tự lành lại sau một thời gian và thường rất khó phát hiện.
Vậy làm thế nào để phát hiện chính xác tổn thương, từ đó có chỉ định điều trị hiệu quả nhất, tránh biến chứng sau này?
Vai trò của dây chằng chéo sau
Dây chằng chéo sau nằm ở trung tâm khớp gối (nó là một thành phần của trục giữa “pivot central”), nằm tại khoang gian lồi cầu xương đùi, chính giữa của gối, nằm ngay phía sau của dây chằng chéo trước (LCA). Hai dây chằng này bắt chéo nhau, khi xương chày chuyển động xoay vào phía trong, chúng sẽ căng ra và cuốn vào nhau.
Dây chằng chéo sau là một dây chằng khỏe, dày hơn cả dây chằng chéo trước. Cấu trúc của nó bao gồm hai bó sợi chạy từ trước ra sau bám ở diện sau gai trên mâm chày và ở mặt sau ngoài của lồi cầu trong. Giống như tất cả các dây chằng, dây chằng chéo sau có nhiệm vụ làm vững gối. Vai trò của nó ngược lại với dây chằng chéo trước: chống lại di lệch ra sau của xương chày so với xương đùi. Ngăn cản dấu hiệu ngăn kéo sau của xương chày. Hai bó của dây chằng cho phép kiểm soát được ngăn kéo sau trong tư thế gối gấp.
Chẩn đoán tổn thương dựa vào đâu?
Đứt dây chằng chéo sau ít gặp vì thông thường bệnh nhân phải trải qua một chấn thương mạnh như: do tai nạn giao thông, do chấn thương trực tiếp đập vào mặt trước của cẳng chân hoặc tổn thương trong hoạt động thể thao. Nó có thể có các thương tổn phối hợp, đặc biệt là gãy xương ở chi dưới.
Khi bị tổn thương, có các biểu hiện lâm sàng như: Giai đoạn cấp (ngay sau khi tai nạn xảy ra) đứt dây chằng chéo sau biểu hiện bằng: đau, sưng gối, hạn chế vận động. Nếu không được phát hiện thì tiến triển thông thường sẽ giảm dần các triệu chứng này. Một thời gian sau, giai đoạn mạn tính, đứt dây chằng chéo sau có thể hoàn toàn hồi phục, trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong hoạt động thể thao, không có một chút cản trở nào đặc biệt. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, tổn thương này sẽ gây đau hoặc không vững gối.
Về chẩn đoán: Chẩn đoán dựa vào lâm sàng là chính. Thăm khám khớp gối tìm thấy dấu hiệu ngăn kéo sau là đủ để chẩn đoán đứt dây chằng chéo sau. Khám nghiệm này phải làm và so sánh trên hai gối, để đánh giá sự khác biệt. Chụp Xquang làm một cách có hệ thống, đảm bảo không bỏ sót gãy xương phối hợp. Chụp Xquang với thanh ép từ trước ra sau để tìm dấu hiệu ngăn kéo sau, khẳng định chẩn đoán, đồng thời lượng hóa được mức độ nặng của bệnh. Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho ta hình ảnh của đứt dây chằng. Nó còn cho biết thêm về tình trạng của sụn chêm, tình trạng của xương và của các dây chằng khác.
Trường hợp nào cần phẫu thuật?
Đối với những trường hợp tổn thương dây chằng chéo sau ở mức độ vừa phải không kèm theo các cấu trúc hỗ trợ, mức độ lỏng gối trên lâm sàng vừa phải, thang điểm chức năng khớp gối còn tốt thì có thể không cần can thiệp phẫu thuật mà chỉ cần luyện tập để làm khỏe các khối cơ, gân phía sau để hỗ trợ thêm cho dây chằng là có thể đạt được yêu cầu.
Tóm lại, nếu tổn thương dây chằng chéo sau mà có ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt thì có thể phải cân nhắc điều trị. Tuy nhiên, chỉ định và kỹ thuật tạo hình dây chằng chéo sau chặt chẽ và phức tạp hơn dây chằng chéo trước, do đó, bệnh nhân nên được tư vấn trực tiếp và kỹ càng bởi bác sĩ chuyên khoa xương khớp.
Khoa Xương – Viện Chấn thương và Chỉnh hình
Bệnh viện Việt Đức