Một bài thuốc dù là từ xưa hay ngày nay mới tạo nên đều có nguyên tắc và phạm vi nhất định vì vậy không thể dập khuôn cứng nhắc, lúc chẩn đoán xem bệnh cần căn cứ vào thể chất khỏe yếu của bệnh nhân, tuổi nhiều hay ít, xem xét chất lượng vị thuốc mà vận dụng gia giảm thích đáng và linh hoạt.
Gia giảm biến hóa vị thuốc
Một bài thuốc do vị thuốc gia giảm mà biến đổi công dụng và phạm vi thích ứng. Ví như bài Quế chi thang vốn là bài giải cơ, điều hòa dinh vệ thích hợp chữa biểu chứng ngoại cảm, đổ mồ hôi sợ gió mà sốt không rõ rệt, giả sử mắc bệnh ấy lại thêm thở khò khè thì thêm Hạnh nhân, Hậu phác sẽ chữa khó thở, nếu như sốt nóng biểu hiện rõ thì thêm Hoàng cầm sẽ có tác dụng thoái nhiệt. Đó là trường hợp chủ chứng không biến mà có thêm chứng phụ thì gia giảm biến hóa như vậy. Lại ví như Ma hoàng thang vốn là bài tân ôn phát hãn nếu như biểu hàn không nặng mà ho nhiều bỏ Quế chi đi, trở thành bài chỉ khái bình suyễn. Tuy chỉ giảm đi một vị nhưng tác dụng chữa bệnh đã khác nhau.
Thay đổi cách ghép vị thuốc
Sau khi thay đổi cách ghép các vị thuốc chủ yếu thì trực tiếp ảnh hưởng ngay đến tác dụng của bài thuốc. Lấy vị Hoàng kỳ làm ví dụ nếu ghép với Nhân sâm, Bạch truật, Thăng ma, Sài hồ trở thành bài Bổ trung ích khí thang, có tác dụng thăng đề bổ khí, nếu ghép với Đương quy thì trở thành bài Đương quy bổ huyết thang có tác dụng bổ huyết, nếu ghép với Bạch truật, Phòng kỷ thì trở thành Phòng kỷ hoàng kỳ thang có tác dụng lợi thủy, nếu ghép với Bạch truật, Phòng phong thì trở thành bài Ngọc bình phong tán, có tác dụng cố biểu chỉ hãn, nếu ghép với Xuyên sơn giáp, Gai tạo giác thì thành bài Thấu nông tán có tác dụng nung mủ; nếu ghép với Quế chi, Thược dược thì thành bài Hoàng kỳ kiến trung thang có tác dụng ôn trung bổ hư; nếu ghép với Đương quy, Xuyên khung, Đào nhân, Hồng hoa thì thành bài Bổ dương hoàn ngũ thang có tác dụng tiêu ứ thông lạc; Nếu ghép với Miết giáp, Địa cốt bì thì thành Hoàng kỳ miết giáp tán có tác dụng thanh hư nhiệt. Qua đó ta có thể thấy việc ghép các vị thuốc trong một bài thuốc có liên quan mật thiết đến tác dụng chủ trị nhất là thay đổi các vị thuốc chủ yếu thì tác dụng chữa bệnh của bài thuốc ấy cũng biến đổi.
Thay đổi định lượng vị thuốc
Nếu định lượng vị thuốc trong bài thuốc biến đổi lớn thì tác dụng chính cũng biến đổi theo. Ví như bài Chỉ truật thang và Chỉ truật hoàn cùng gồm 2 vị Chỉ thực và Bạch truật ghép nên. Nhưng Chỉ thực ở bài trước định lượng gấp đôi Bạch truật nên lấy tiêu tích đạo trệ làm chủ; bài sau thì Bạch truật gấp đôi Chỉ thực nên lấy kiện tỳ hòa trung làm chủ. Bài trước nguyên chữa đầy dưới vùng tim có thủy ẩm, bây giờ có người dùng để chữa sa dạ dầy cho rằng tất phải dùng nhiều Chỉ thực mới hiệu quả; bài sau thường dùng để kiện tỳ hòa trung, trợ tiêu hóa. Qua đó ta thấy, vị thuốc giống nhau nhưng liều lượng khác nhau thì tác dụng chủ thứ của bài thuốc cũng đổi khác, phạm vi thích ứng cũng khác nhau.
Thay thế vị thuốc
Nắm vững nguyên tắc thay đổi cách ghép các vị thuốc trong bài thuốc thì khi lâm sàng chữa bệnh có thể theo phép chữa và ý nghĩa bài thuốc mà không dùng tất thảy các vị thuốc nhất là những vị thuốc quý hiếm, có thể dùng vị thuốc có dược tính tương tự thay thế mà không ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh. Ví dụ 3 vị Hoàng liên, Hoàng cầm, Hoàng bá tác dụng của nó có khác nhau nhưng đều là vị khổ hàn, đều dùng thanh nhiệt tả hỏa, táo thấp, cho nên có thể dùng vị này thay thế vị kia. Chỉ thực và Chỉ xác, tác dụng của nó nhanh chậm khác nhau, Nhân sâm và Đảng sâm tuy mạnh yếu khác nhau nhưng có thể dùng thay thế nhau khi chữa bệnh. Hiện nay khi chữa bệnh thường dùng sừng trâu thay Tê giác, sơn dương giác thay Linh dương giác, Trân châu mẫu thay Thạch quyết minh v.v… không ảnh hưởng mấy đến hiệu quả trị bệnh. Nhưng cần chú ý khi dùng vị khác thay thế thì định lượng cần thay đổi, vị nào nhẹ thì tăng, vị nào trọng thì giảm như dùng Đảng sâm thay Nhân sâm thì định lượng cần tăng thêrn, dùng Chỉ thực thay Chỉ xác, định lượng nên giảm bớt.
Ngoài ra, còn có thể căn cứ vào tác dụng riêng của từng vị thuốc mà chọn vị thuốc khác thay thế để đạt một mặt tác dụng nào đó. Ví như Sơn thù có tác dụng bổ ích can thận, thì khi muốn bổ ích can thận có thể dùng Nữ trinh tử, Câu kỹ tử, Thỏ ti tử v.v… thay thế.