[Bệnh học] Hít phải khói (chẩn đoán và điều trị)

Thở hít các sản phẩm của sự đốt cháy có thể gây những biến chứng nghiêm trọng. Chừng 1/3 người vào viện điều trị bỏng bị tổn thương phổi do hít khói. Số người mắc bệnh và chết vì hít khói còn hơn cả vi bỏng. Mọi bệnh nhân nghi hít khói đã có biểu hiện nên cho vào viện để theo dõi và điều trị.

Điều quan trọng là phải tìm hiểu và nhận biết ba hậu qủa của hít khói: sự oxy hóa của mô bị suy giảm, tổn thương đường hô hấp trên và dưới do nhiệt, tổn thương phổi do hóa chất có trong khói. Quá trình oxy hóa của mô suy giảm do hít phải carbonmonoxid hoặc cyanid là mối đe dọa tức khắc đến tính mạng. Xử trí bệnh nhân bị ngộ độc carbon monoxid và ngộ độc cyanid được nêu ở chương về ngộ độc. Người thầy thuốc phải biết rằng người bệnh ngộ độc carbon monoxid có máu động mạch áp lực riêng phần oxy (PaO2) binh thường nhưng độ bão hòa oxy hemoglobin thấp (SaO2). Chủ yếu phải điều trị bằng oxy 100% và tiếp tục cho đến khi mức carboxyhemoglobin xuống dưới 10% và nhiễm toan chuyển hóa đã được giải quyết.

Tổn thương do nhiệt bề mặt niêm mạc đường hô hấp trên xảy ra khi hít phải khí nóng. Biến chứng trở nên rõ rệt 18 – 24 giờ sau. Đó là khó thải đờm, tắc nghẽn đường hô hấp, tiếng thở rít thì hít vào. Suy hô hấp có ưu thán và thiếu oxy xảy ra trong những trường hợp nặng. Xử trí sớm bằng cách cho dùng mặt nạ có độ ẩm cao, cho oxy bổ sung, hút nhẹ giải thoát đờm, nằm đầu cao 30° cho dễ ho khạc, dùng epinephrin tại chỗ để giảm phù màng nhầy miệng họng. Hỗn hợp heliumoxy có thể giảm việc thở khó nhọc. Theo dõi một cách chặt chẽ cac khí trong máu động mạch và đo oxy trong máu rất quan trọng. Soi thanh quản ống mềm hoặc soi phế quản tốt hơn khám thực thể đơn thuần. Đặt ống nội khí quản thường cần để tạo lập được sự thông suốt đường hô hấp cho các bệnh nhân bỏng mặt sâu, phù miệng họng hay thanh quản hoặc suy hô hấp. Nên tránh mở khí quản nếu có thể vì làm tăng nguy cơ viêm phổi hoặc tử vong do nhiễm khuẩn.

Tổn thương hóa chất của phổi do hít phải khí độc và các sản phẩm của sự đốt cháy gồm aldehyt và các acid hữu cơ. Vị trí tổn thương phổi tùy thuộc độ hòa tan của các khí thở hít, thời gian thở hít, kích thích các hạt thở hít chuyển tải khí độc tới các đơn vị phổi xa. Xuất tiết phế quản và co thắt phế quản được thấy rất sớm sau khi hít phải khói với khó thở, thở nhanh và nhịp tim nhanh. Sau đó có thể thở nặng nhọc, tím tái. Khám thực thể lúc này phát hiện thở khò khè lan tỏa và tiếng ran ngáy. Phù các tiểu phế quản và phù phổi do tăng thấm thành mạch (hội chứng suy hô hấp nguy kịch ở người ‘lớn – ARDS) có thể xảy ra 1 – 2 ngày sau khi hít khói.. Bong niêm mạc phế quản xảy ra trong 2 – 3 ngày dẫn đến tắc đường hô hấp, xẹp phổi và thiếu máu oxy. Sau khi hít khói 5 – 7 ngày thường nhiễm khuẩn và viêm phổi.

Điều trị biến chứng phổi do hít khói gồm cho thở oxy bổ sung, cho thuốc giãn phế quản, hút các mảnh niêm mạc và các xuất tiết nhầy mủ qua ống nội khí quản, lý liệu pháp lồng ngực để việc thanh thải các chất xuất tiết được dễ dàng và khí thở phải có đủ độ ẩm. Để điều trị phù các tiểu phế quản cần cho thở máy áp lực dương cuối thì thở ra (PEEP). Xử lý bằng truyền dịch hợp lý, theo dõi chặt chẽ nhiễm khuẩn thứ phát bằng cách hàng ngày lấy đờm nhuộm gram.

Việc dùng corticosteroid trong tổn thương phổi do hóa chất trong hít khói không có hiệu qủa thậm chí còn nguy hại. Dùng kháng sinh để phòng ngừa không cần thiết.

Các bệnh nhân còn sống phải được theo dõi viêm tiểu phế quản tắc nghẽn chậm sau này.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận