ĐIỆN CHÂM ĐIỀU TRỊ ĐAU LƯNG
- ĐẠI CƯƠNG
– Đau lưng là một chứng bệnh do nhiều nguyên nhân.
– Nguyên nhân do cảm nhiễm phải hàn thấp, bị ngã, do mang vác nặng, sai tư thế (gây đau lưng cấp) hoặc do thận hư (gây đau lưng mạn).
Mục đích của châm cứu làm cho người hết đau, trở lại sinh hoạt bình thường.
2 CHỈ ĐỊNH
Đau lưng do hàn thấp, do thận hư, do ứ huyết.
3 CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Đau lưng do lao cột sống hoặc do các khối u chèn ép.
4 CHUẨN BỊ
4.1. Cán bộ y tế
Bác sĩ, y sĩ, lương y được đào tạo về châm cứu.
4.2. Phương tiện
– Máy điện châm hai tần số bổ, tả.
– Kim châm cứu vô khuẩn loại: 6-10-15cm, dùng riêng cho từng người.
– Khay men, kìm có mấu, bông, cồn 70°.
4.3. Người bệnh
– Người bệnh được khám và làm hồ sơ bệnh án theo qui định.
– Tư thế nằm sấp.
5 CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
5.1. Phác đồ huyệt
+ Đau lưng thể hàn thấp:
– Thận du – Dương lăng tuyền
– Yêu dương quan – Côn lôn
– Thứ liêu – Ủy trung
– Hoàn khiêu
+ Nếu đau vùng bả vai:
– Giáp tích D1, D3 – Kiên ngoại du
– Kiên tỉnh – Kiên trung du
– Kiên liêu
+ Đau lưng thể thận hư:
– Thận du – Ủy trung
– Mệnh môn
– Nếu thận dương hư thêm: Chí thất, Quan nguyên.
+ Đau lưng thể ứ huyết:
– A thị huyệt – Thứ liêu
– Trật biên – Ủy trung
– Hoàn khiêu – Cách du
– Yêu dương quan – Dương lăng tuyền
5.2. Thủ thuật
Xác định và sát trùng da vùng huyệt, châm kim qua da nhanh, đẩy kim từ từ theo hướng huyệt đã định, đạt đắc khí.
+ Đau lưng thể hàn thấp, thể thận hư: Châm bổ các huyệt trên kết hợp với cứu.
Nếu đau vùng bả vai châm tả các huyệt: Giáp tích D1-D3, Kiên tỉnh, Kiên liêu, Kiên ngoại du, Kiên trung du.
+ Đau lưng thể ứ huyết: Châm tả mạnh huyệt Trật biên xuyên Hoàn khiêu, A thị huyệt, Yêu dương quan, Thứ liêu, ủy trung, Dương lăng tuyền.
Kết hợp với xoa bóp ấn, day, lăn trên vùng đau.
+ Nếu đau dọc cột sống: Châm tả mạnh với kim dài xuyên trên các huyệt Giáp tích tương ứng với vùng đau.
Kết hợp châm rồi cứu các huyệt : Đại chùy, Phong phủ, Tích trung, Yêu du, Thận du.
5.3. Kích thích bằng máy điện châm
– Tần số: + Tả: 6- 20Hz, + Bổ: 0,5- 4Hz
– Cường độ: Từ 14-150micro Ampe
– Thời gian: 20-30 phút cho một lần điện châm
5.4. Liệu trình điều trị
Điện châm ngày một lần, một liệu trình điều trị từ 10-15 lần châm, có thể tiến hành 2-3 liệu trình liên tục.
- THEO DÕI VÀ XỬ LÝ TAI BIẾN
6.1. Theo dõi: Theo dõi sự tiến triển của người bệnh, nếu sau một liệu trình mà không có chuyển biến rõ, cần phải xác định nguyên nhân do đâu, để có hướng điều trị thích hợp tiếp theo, trường hợp do thoát vị đĩa đệm cần phải kết hợp với kéo dãn cột sống hoặc phải phẫu thuật.
6.2. Xử lý tai biến
– Vựng châm: Người bệnh hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, mạch nhanh, sắc mặt nhợt nhạt. Xử lý: rút kim ngay, lau mồ hôi, ủ ấm, uống nước chè đường nóng, nằm nghỉ tại chỗ. Theo dõi mạch, huyết áp.
– Chảy máu khi rút kim: dùng bông khô vô khuẩn ấn tại chỗ, không day.