HUYỆT: Ấn Đường
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Ấn = dấu đóng; Đường = nơi rực rỡ. Ngày xưa, người ta thường dùng son (mực đỏ) đóng dấu vào giữa 2 chân mày, vì vậy gọi là Ấn Đường (Trung Y Cương Mục).
XUẤT XỨ
Ngọc Long Kinh.
VỊ TRÍ
Tại chính giữa đường nối 2 đầu lông mày và đường thẳng giữa sống mũi.
ĐẶC TÍNH
Kỳ Huyệt.
TÁC DỤNG
Định thần chí, khu phong nhiệt.
CHỦ TRỊ
Trị đầu đau, mũi nghẹt, cảm, động kinh, sốt cao co giật, chóng mặt, ói mửa, mất ngủ, xoang mũi viêm, chảy máu cam, mắt đau, xương chân mày đau,
CHÂM CỨU
Châm xiên từ trên xuống. Khi châm, bóp 2 bên huyệt Toàn Trúc lại để châm xuống hoặc hướng kim về bên phải hoặc trái hoặc xuyên thẳng xuống huyệt Tinh Minh. Hoặc châm nặn máu. Ôn cứu 3 – 5 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là chỗ bám của 2 cơ tháp, chỗ tiếp khớp của 2 xương sống mũi và xương trán.
• Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt.
• Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
THAM KHẢO
• “Thích bệnh ngược: phải thích vào giữa nơi bệnh sẽ phát. Nếu trước tiên phát nhức đầu và chân đi khó khăn thì trước hết thích trên đầu, châm ra máu huyệt ở giữa 2 lông mày, 2 bên trán” (Tố Vấn 36, 23).
• “Trẻ nhỏ bị kinh phong: Cứu huyệt Ấn Đường 7 tráng, hễ thấy khóc được thì khỏi, nếu không khóc thì khó chữa” (Ngọc Long Kinh).
• “Ấn Đường nhập vào mạch Đốc” (Châm cứu Du Huyệt Học).
• “Thiên Thích Ngược Luận (Tố Vấn 36) có nêu lên vị trí vùng huyệt nhưng không có tên, sau này, sách Biển Thước Thần Ứng Châm cứu Ngọc Long Kinh mới đặt tên là Ấn Đường” (Châm cứu Học Từ Điển).