HUYỆT: Bát Phong
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Bát = số 8. Phong = 1 trong nguyên nhân gây ra bệnh (phong tà). Hai chân có 8 (bát) huyệt, có tác dụng chống lại bệnh tật do phong tà gây ra, vì vậy gọi là Bát Phong (Trung Y Cương Mục).
TÊN KHÁC
Bát Xung
XUẤT XỨ
Kỳ Hiệu Lương Phương.
VỊ TRÍ
Ép sát các ngón chân lại với nhau, huyệt ở đầu 4 kẽ chân, giữa các ngón, chỗ tiếp da mu chân và da gan chân.
ĐẶC TÍNH
Kỳ Huyệt.
CHỦ TRỊ
Trị mu bàn chân sưng đỏ, đau, mu bàn chân tê, thấp chẩn, đầu đau, răng đau, dạ dầy đau, kinh nguyệt không đều, sốt rét, rắn cắn.
CHÂM CỨU
Châm thẳng, sâu 0,1–0,2 thốn. Nếu chân sưng, khi rút kim có thể nặn cho ra 1 giọt máu.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là khe giữa các gân duỗi ngón chân, cơ gian cốt mu chân.
• Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh chầy trước và dây thần kinh chầy sau.
• Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5 và S1.
PHỐI HỢP HUYỆT
Phối Lăng Hậu + Túc Tam Lý (Vi 36) trị chân và ngón chân mất cảm giác (Châm cứu Học Thượng Hải).
GHI CHÚ
• Châm đắc khí thấy tại chỗ có cảm giác tê, căng, tức hoặc tê rần xuống ngón chân.
THAM KHẢO
• “Thích bệnh ngược… Nếu ống chân đau nhức trước, thích 10 ngón chân thuộc túc Dương Minh cho ra máu” (Tố Vấn 36, 23).
• “Sách Thiên Kim Phương cho rằng đó là kẽ 10 ngón chân đo lên 0,1 thốn, gồm 8 huyệt, gọi là Bát Xung, nhưng mãi đến sách Kỳ Hiệu Lương Phương mới thấy tên Bát Phong” (Châm cứu Học Từ Điển).
• “Phàm chứng cước khí mới phát làm cho chân yếu, cứu huyệt ở cách khe ngón chân 1 phân (0,1 thốn), 2 chân có 8 huyệt, gọi là Bát Xung” (Thiên Kim Phương).
• “Bát Phong có 8 huyệt, ở tại khe 5 ngón chân, 2 chân có 8 huyệt, gọi là Bát Phong” (Kỳ Hiệu Lương Phương).