HUYỆT: Bát Tà
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
• Bát = số 8.
• Tà = tác nhân gây ra bệnh.
• Hai tay gồm 8 huyệt, có tác dụng tăng cường chính khí chống với tà khí, vì vậy gọi là Bát Tà.
TÊN KHÁC
Bát Quan.
XUẤT XỨ
Y Kinh Tiểu Học.
VỊ TRÍ
Ở kẽ 5 ngón tay, trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay, ngang với khe khớp xương bàn tay – ngón tay. Tên của từng vị trí huyệt theo sách Châm cứu Đại Thành là:
• Ở hổ khẩu, giữa ngón 1 và ngón 2, chỗ tiếp giáp da gan tay – mu tay là huyệt Đại Đô.
• Kẽ ngón 2 và ngón 3 là huyệt Thượng Đô (nắm tay lại để lấy huyệt).
• Kẽ ngón 3 và ngón 4 là huyệt Trung Đô.
• Kẽ ngón 4 và 5 là huyệt Hạ Đô.
ĐẶC TÍNH
Kỳ Huyệt.
CHỦ TRỊ
• Trị bàn tay sưng, tê, ngón tay liệt do trúng phong.
• Đầu đau, răng đau (Đại Đô).
• Cánh tay sưng đau (Thượng Đô, Trung Đô, Hạ Đô).
CHÂM CỨU
Hơi nắm tay lại, châm thẳng dọc theo phía xương lòng bàn tay sâu chừng 1 thốn. Có thể châm nặn máu. Cứu 5 – 10 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da huyệt Đại Đô là các cơ liên cốt, cơ khép ngón cái. Các huyệt khác là cơ gian cốt và cơ giun.
Thần kinh vận động cơ ở huyệt Thượng Đô do 1 nhánh dây thần kinh giữa 2 nhánh dây thần kinh trụ. Các huyệt khác do các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C7 (Đại Đô), C6 (Thượng Đô, Trung Đô), C8 hoặc D1 (Hạ Đô).
PHỐI HỢP HUYỆT
Phối Ngoại Quan trị các ngón tay tê (Châm cứu Học Thượng Hải).
GHI CHÚ
• Châm đắc khí thấy có cảm giác căng tức, có khi có cảm giác như điện giật hướng ra ngón tay.