HUYỆT: Khúc Trì
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Huyệt ở chỗ lõm (giống cái ao = trì) khi tay cong (khúc) lại, vì vậy gọi là Khúc Trì.
TÊN KHÁC
Dương Trạch, Quỷ Cự.
XUẤT XỨ
Thiên ‘Bản Du’ (Linh Khu 2).
VỊ TRÍ
Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
ĐẶC TÍNH
• Huyệt thứ 11 của kinh Đại Trường.
• Huyệt Hợp, thuộc hành Thổ.
• Huyệt Bổ của kinh Đại Trường.
• Huyệt này với các loại bệnh chứng đều có thể phối hợp trị liệu có tính cách toàn thể.
• Yếu huyệt trị bệnh ngoài da, bệnh mắt, dự phòng hóa mủ (Châm Cứu Chân Tủy).
TÁC DỤNG
Sơ tà nhiệt, giải biểu, khu phong, trừ thấp, thanh nhiệt, tiêu độc, hòa vinh, dưỡng huyết.
CHỦ TRỊ
Trị khuỷu tay đau, cánh tay đau, chi trên liệt, vai đau, sốt, cảm cúm, dị ứng, ngứa, da viêm, huyết áp cao.
CHÂM CỨU
Châm thẳng 1 – 1,5 thốn hoặc xuyên tới huyệt Thiếu Hải, sâu 2 – 2,5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng. Ôn cứu 5 – 10 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là chỗ bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khủy.
• Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối Thiên Liêu (Ttu 15) trị vai đau không giơ lên được (Thiên Kim Phương)
2.Phối Dương Lăng Tuyền (Đ 34) trị bán thân bất toại (Châm Cứu Tụ Anh).
3.Phối Phục Lưu (Th 7) + Tam Lý (Vi 36) trị thương hàn sốt cao (Châm Cứu Đại Thành).
4.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) trị họng sưng nghẹt (Châm Cứu Đại Thành).
5.Phối Ngư Tế (P 10) + Thần Môn (Tm 7) trị nôn ra máu (Châm Cứu Đại Thành).
6.Phối Xích Trạch (P 5) trị khớp khuỷu tay đau (Ngọc Long Ca).
7.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Kiên Ngung (Đtr 15) trị cánh tay đau nhức (Thắng Ngọc Ca). 8. Phối Thiếu Xung (Tm 9) trị sốt (Bách Chứng Phú).
9.Phối Xích Trạch (P 5) trị khuỷu tay đau (Bách Chứng Phú).
10.Phối Gian Sử (Tb 5) + Hậu Khê (Ttr 3) trị sốt không hạ (Loại Kinh Đồ Dực).
10.Phối Bá Hội (Đc 20) + Khúc Trì (Đtr 11) + Kiên Ngung (Đtr 15) + Phát Tế + Phong Trì (Đ 20) + Túc Tam Lý (Vi 36) + Tuyệt Cốt (Đ 39) có tác dụng phòng ngừa trúng phong (Vệ Sinh Bảo Giám).
12.Phối Khổng Tối (P 6) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Đại Lăng (Tb 7) trị tay yếu mỏi (Trung Quốc Châm Cứu Học)
13.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Ngoại Quan (Ttu 5) + Thiên Tỉnh (Ttu 10) + Xích Trạch (P 5) trị cánh tay đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu)
14.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trạch (Tb 3) + ủy Trung (Bq 40) trị đơn độc, phong ngứa (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu). 15. Phối Huyết Hải (Ty 10) + ủy Trung (Bq 40) trị lưng có nhọt (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
16.Phối Dương Trì (Ttu 4) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Thủ Tam Lý (Vi 36) + Uyển Cốt (Ttr 4) trị tay và ngón tay co rút (Châm Cứu Học Thủ Sách)
17.Phối Hạ Liêm (Đtr 9) + ủy Trung (Bq 40) trị bệnh tê do phong, hàn, thấp (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa).
18.Phối Can Du (Bq 18) + Uyển Cốt (Ttr 4) trị mắt chảy nước (Châm Cứu Học Thượng Hải). 19. Phối Đại Chùy (Đ 14) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị phong ngứa, mề đay, dị ứng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
20.Phối Huyết Hải (Ty 10) + Thái Xung (C 3) trị dị ứng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
21.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) trị bụng đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
22.Phối Ấn Đường + Đại Chùy (Đc 14) + Thiếu Thương (P 11) trị ban chẩn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
23.Phối Đại Chùy (Đc 14) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Thập Tuyên trị sốt cao (Châm Cứu Học Thượng Hải).
24.Phối Nhân Nghênh (Vi 9) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị huyết áp cao (Châm Cứu Học Thượng Hải).
25.Phối Đại Chùy (Đc 14) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Thái Xung (C 3) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị tím tái do tiểu cầu giảm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
26.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty 9) + Đại Chùy (Đc 14) + Huyết Hải (Ty 10) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ban sởi (Châm Cứu Học Thượng Hải).
GHI CHÚ
• Trong trường hợp châm chữa chi trên liệt, châm mũi kim hơi hướng xuống mặt cong của khớp khuỷu (Có cảm giác như điện giật xuống ngón tay).
THAM KHẢO
• “Khúc Trì + Kiên Ngung (Đtr 15) là 2 huyệt bí pháp trị loa lịch [lao hạch] (Loại Kinh Đồ Dực). “Phối 2 huyệt Khúc Trì và Dương Lăng Tuyền (Đ 34) vì huyệt Khúc Trì ở khuỷu tay, Dương Lăng Tuyền ở bên dưới khuỷu chân. Khuỷu tay và khuỷu chân đều là chỗ quan tiết trọng yếu trong cơ thể. Khúc Trì có tác dụng hành huyết, thông kinh lạc, Dương Lăng Tuyền có tác dụng sơ kinh, lợi tiết; cả 2 huyệt đều có tác dụng tuyên thông, giáng hạ, vì vậy, phối hợp 2 huyệt lại hỗ trợ cho nhau làm cho công hiệu rõ hơn. Bách Chứng Phú ghi rằng Khúc Trì + Dương Lăng Tuyền trị được bán thân bất toại, đó là nói đến công dụng chính. Suy rộng ra, có thể hiểu là phối huyệt này còn trị được các chứng như run giật, toàn thân đau nhức và các chứng phong thấp. Ngoài ra, 2 huyệt này còn có tác dụng giáng trọc, tả hoả. Khúc Trì có tác dụng thanh Phế và chạy ra phần Biểu. Dương Lăng Tuyền có tác dụng tả Can Đởm, làm cho bên trong được yên. Suy rộng ra thì hễ Can, Phế bị uất kết, gây ra đau trong ngực, sườn hoặc nhiệt khí kết ở trường vị, bụng đầy, nước tiểu đục… Nếu dùng sức thanh lợi, sơ tiết của phối huyệt này thì không có chứng nào mà không công hiệu” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Phối huyệt Khúc Trì + Tam Âm Giao (Ty 36) là cách phối hợp một âm và một dương. Khúc Trì tính hay chạy, thông suốt chỗ này đến chỗ khác, vì vậy thanh được nhiệt, trừ được phong. Tam Âm Giao là nơi hội của tam âm, là chỗ đóng mở của 3 kinh Can, Thận, Tỳ. Tam Âm Giao cũng là huyệt chủ của huyết. Hai huyệt này phối hợp với nhau thì Khúc Trì nhập vào phần của tam âm, thanh được nhiệt trong huyết, trừ được phong trong huyết, làm cho ứ huyết phải tan, huyết vận hành không bị ngăn trở nữa. Vì vậy, gặp các chứng sưng đau mà dùng phối huyệt này có hiệu quả. Chứng lở loét vì độc giang mai, dùng phương huyệt này độc bị tiêu trừ mà lở loét cũng khỏi. Ngoài ra, các chứng tê vì phong ôn, lưng đau, chân sưng do cước khí, run giật, cho đến các chứng băng huyết, bạch đới, trưng hà, tích tụ, bế kinh… dùng phối huyệt này đều có kết quả” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Châm trị huyết áp không ổn định do mạch máu não gây nên: Châm Khúc Trì và Túc Tam Lý thường thấy huyết áp hạ xuống” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Khúc Trì phối Tam Âm Giao (Ty 6) thường dùng trị bệnh ngoài da có kết qủa tốt. Vì Khúc Trì chủ yếu để khứ phong, thanh nhiệt, còn Tam Âm Giao là huyệt chủ yếu trị bệnh về huyết, có tác dụng hành thấp. Bệnh ngoài da đa số do phong, thấp, nhiệt và huyết, do đó, nếu tả 2 huyệt này có tác dụng khứ phong, hành huyết, trừ thấp, giảm ngứa. Tả Khúc Trì + bổ Tam Âm Giao (Ty 6) có tác dụng khứ phong, dưỡng huyết” (Du Huyệt Công Năng Giám Biệt). “Tả huyệt Khúc Trì + tả Tam Âm Giao (Ty 6) + Nội Đình (Vi 44), có tác dụng giống như bài Việt Tỳ Thang của sách Kim Quỹ Yếu Lược (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Huyệt Khúc Trì, Liệt Khuyết, Hợp Cốc, Phong Trì đều có tác dụng giải biểu nhưng có điểm khác nhau: Khúc Trì: trị phong nhiệt biểu tà ở toàn thân” Phong Trì: thiên về trị phong nhiệt biểu tà ở vùng đầu mặt. Liệt Khuyết: thiên về giải Phế vệ, phong hàn biểu tà. Hợp Cốc: trị biểu tà ở đầu mặt và toàn thân. (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).