HUYỆT: Mệnh Môn
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Thận khí là gốc của cơ thể. Huyệt nằm giữa 2 huyệt Thận Du, là cửa trọng yếu của sinh mệnh, vì vậy gọi là Mệnh Môn (Trung Y Cương Mục).
TÊN KHÁC
Mạng Môn, Thuộc Lũy, Tiểu Tâm, Tinh Cung, Tinh Thất, Trúc Trượng.
XUẤT XỨ
Giáp Ất Kinh.
VỊ TRÍ
Ở chỗ lõm dưới đầu mỏm gai đốt sống thắt lưng 2.
ĐẶC TÍNH
Huyệt thứ 4 của mạch Đốc.
TÁC DỤNG
Bồi nguyên, bổ Thận, cố tinh, chỉ trệ, thư cân, hòa huyết, sơ kinh, điều khí, thông lợi vùng lưng và cột sống.
CHỦ TRỊ
Trị vùng thắt lưng đau, yếu, cứng, đầu đau, lưng đau, lạnh từ ống chân trở xuống (chân dương (hỏa) hư), di mộng tinh, liệt dương, đái hạ, sốt không ra mồ hôi, tiểu đục, trẻ nhỏ lên cơn co giật, phong đòn gánh.
CHÂM CỨU
Châm kim chếch lên, luồn dưới mỏm gai, hướng vào khoảng gian đốt sống thắt lưng 2 – 3, sâu 0,3 – 1,5 thốn. Cứu 5 – 10 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là cân ngực – thắt lưng của cơ lưng to, chỗ bám của cơ răng bé sau – dưới, cơ gian gai, cơ ngang gai, dây chằng gian gai, dây chằng trên gai, dây chằng vàng, ống sống.
• Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh sống. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D.11.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối Thận Du (Bq.23) trị tiểu nhiều, tiểu không tự chủ (Ngọc Long Ca).
2.Phối Thận Du (Bq.23) + Khí Hải (Nh 6) + Nhiên Cốc (Th 2) trị liệt dương (Loại Kinh Đồ Dực).
3.Phối Thận Du (Bq.23) trị người lớn tuổi lưng bị đau (Châm Cứu Tập Thành).
4.Phối Khí Hải (Nh 6) + Quan Nguyên (Nh 4) + Thiên Xu (Vi.25) trị Thận tả (Thần Cứu Kinh Luân).
5.Phối cứu Quan Nguyên (Nh 4) trị tiêu chảy do Tỳ, Thận bất túc (Thần Cứu Kinh Luân).
6.Phối Thần Khuyết (Nh 8) + Trung Cực (Nh 3) đều cứu 7 tráng trị bạch đới (La Di Biên).
7.Phối cứu Bá Hội (Đc.20) + Quan Nguyên (Nh 4) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Trung Liêu (Bq.33) trị di tinh, tiểu dầm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
8.Phối Bàng Quang Du (Th 28) + Thận Du (Bq.23) + Thủy Đạo (Vi.28) trị Thận viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
9.Phối Cách Du (Bq.17) + Đại Chùy (Đc.14) + Khúc Trì (Đtr.11) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị thiếu máu do thiếu chất sắt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
THAM KHẢO
• Thiên Thích Cấm Luận viết: “Châm vào giữa cột sống, trúng nhầm tủy sẽ bị còng lưng” (Tố Vấn 52, 23). “Thận bại, thắt lưng yếu tiểu gắt, ban đêm tiểu luôn khổ nhọc thần, Mệnh Môn nếu được kim vàng giúp, Thận Du cứu ngải khỏi truân chuyên” (Ngọc Long Ca). “Mệnh Môn, di tinh không tự chủ, cứu 5 tráng khỏi bệnh ngay” (Loại Kinh Đồ Dực). “Chứng tiêu ra máu, đã dùng nhiều phương pháp trị mà không có kết quả, chọn huyệt ở giữa cột sống, ngang với rốn, đè vào chỗ xương nhô cao lên có cảm giác đau, đó là huyệt (huyệt Mệnh môn), cứu 7 tráng là khỏi. Nếu tái phát, cứu thêm 7 tráng nữa, có thể khỏi hẳn… Tục truyền rằng, khi cơ thể lạnh, cứu ấm huyệt này cũng có kết quả tốt” (Loại Kinh Đồ Dực). “Sách Loại Kinh Đồ Dực viết rằng: “Châm vào quá sâu, trúng nhằm tủy sẽ làm tổn thương tinh khí ở trong cột sống lưng, vì vậy làm cho người ta bị co rút lại, không thể duỗi ra được”. Điều này cho thấy rằng châm sâu vào giữa Du huyệt ở giữa cột sống gây nên tác dụng phụ. Dựa vào thực tế lâm sàng, khi châm vào Du huyệt giữa cột sống có cảm giác như điện giật thì rút kim ra hoặc không được châm sâu thêm nữa” (Châm Cứu Học Từ Điển). “Chứng liệt dương nơi người lớn tuổi, dùng huyệt Mệnh môn rất hay nhưng nơi thanh niên hoặc trẻ nhỏ thì phải cẩn thận khi dùng, vì có thể làm cho hỏa bốc lên” (Trung Quốc Châm Cứu Học).