Huyệt Nội Quan: Vị trí, cách xác định, chủ trị, cách châm cứu

HUYỆT: Nội Quan

HÌNH ẢNH

TÊN HUYỆT

Huyệt có tác dụng trị bệnh ở ngực, Tâm, Vị… lại nằm ở khe mạch ở tay, vì vậy gọi là NộiQuan (Trung Y Cương Mục).

XUẤT XỨ

Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).

VỊ TRÍ

Trên cổ tay 2 thốn, dưới huyệt Gian Sử (Tb 6) 1 thốn, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.

ĐẶC TÍNH

• Huyệt thứ 6 của kinh Tâm Bào.

• Huyệt Lạc. Của kinh Tâm Bào

• Huyệt giao hội với Âm Duy Mạch.

• Một trong Lục Tổng Huyệt trị vùng ngực.

TÁC DỤNG

Định Tâm, an thần, lý khí, trấn thống, thanh Tâm Bào.

CHỦ TRỊ

Trị hồi hộp, vùng trước tim đau, vùng ngực và hông sườn đau, dạ dày đau, nôn, nấc, mất ngủ, động kinh, hysteria.

CHÂM CỨU

• Châm thẳng, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu 3–5 tráng. Ôn cứu 5–10 phút.

• Trị bệnh đau ở phần trên, mũi kim hướng lên.

• Trị các ngón tay tê dại, mũi kim hơi hướng xuống 1 bên tay quay.

• Trị thần kinh suy nhược + mất ngủ, có thể châm xiên qua Ngoại Quan.

GIẢI PHẪU

• Dưới da là khe giữa gân cơ gan tay lớn, gân cơ gan tay bé, gân cơ gấp dài ngón tay cái, gân cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, cơ sấp vuông, màng gian cốt quay và trụ.

• Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh giữa, các nhánh của dây thần kinh trụ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1 hoặc C6.

PHỐI HỢP HUYỆT

1.Phối Âm Khích (Tm.6) + Tâm Du (Bq 15) + Thông Lý (Tm.5) trị Tâm hư yếu, hồi hộp, lo sợ (Châm Cứu Đại Thành).

2.Phối Tâm Du (Bq 15) + Thần Môn (Tm.7) trị hồi hộp (Châm Cứu Đại Thành).

3.Phối Ngư Tế (P.10) + (Túc) Tam Lý (Vi 36) trị ăn không xuống (Châm Cứu Đại Thành).

4.Phối Cách Du (Bq 17) trị ngực đầy tức (Châm Cứu Đại Thành).

5.Phối Trung Quản (Nh 12) + (Túc) Tam Lý (Vi 36) trị bụng đau (Châm Cứu Đại Thành). 6. Phối Dũng Tuyền (Th 1) + Đại Lăng (Tb 7) + Hợp Cốc (Đtr 4) + Thập Tuyên + Tứ Hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt (Châm Cứu Đại Thành).

7.Phối Hợp Cốc (Đtr 4) + Khúc Trạch (Tb 3) + Khúc Trì (Đtr 11) + Liệt Khuyết (P.7) + Ngư Tế (P.10) + Phế Du (Bq 13) + Thần Môn (Tm.7) trị phong độc ẩn chẩn [mề đay] (Châm Cứu Đại Thành).

8.Phối Tâm Du (Bq 15) + Thần Môn (Tm.7) trị hồi hộp (Châm Cứu Đại Thành).

9.Phối Bá Hội (Đc 20) + Thần Môn (Tm.7) trị Tâm hư, kinh sợ, tâm thần không yên (Châm Cứu Đại Toàn).

10.Phối Âm Khích (Tm.6) + Tâm Du (Bq 15) + Thông Lý (Tm.5) trị các chứng hư của tim, tim hồi hộp, hay sợ (Châm Cứu Đại Toàn).

10.Phối Cách Du (Bq 17) + Can Du (Bq 18) + Thừa Sơn (Bq 57) + Trường Cường (Đc 1) trị tiêu ra máu không cầm, tạng độc (Châm Cứu Đại Toàn).

12.Phối Công Tôn (Ty 4) trị bụng đau (Tịch Hoằng Phú).

13.Phối Kiến Lý (Nh 11) trị bồn chồn trong ngực (Tịch Hoằng Phú).

14.Phối Chiếu Hải (Th 6) trị bụng đau do kết tụ (Ngọc Long Kinh).

15.Phối Ngư Tế (P.10) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ăn không xuống (Thần Cứu Kinh Luân).

16.Phối Cao Hoang (Bq 43) + Dịch Môn (Ttu 2) + Giải Khê (Vi 41) + Thần Môn (Tm.7) trị tim hồi hộp, mất ngủ, hay quên (Thần Cứu Kinh Luân).

17.Phối Túc Tam Lý (Vi 36) trị dạ dầy đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

18.Phối Công Tôn (Ty 4) trị dạ dầy đau (Châm Cứu Học Thượng Hải). 19. Phối Thiên Đột (Nh 22) trị nấc (Châm Cứu Học Thượng Hải).

20.Phối Gian Sử (Tb 5) + Thiếu Phủ (Tm.8) trị thấp tim (Châm Cứu Học Thượng Hải). 21. Phối Gian Sử (Tb 5) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị tim quặn đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).

22.
Phối Tố Liêu (Đc 25) trị huyết áp thấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).

23.Phối Dũng Tuyền (Th 1) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị hôn mê do trúng độc (Châm Cứu Học Thượng Hải).

24.Phối Nội Đình (Vi 44) + Tam Âm Giao (Ty 6) + Trung Quản (Nh 12) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị ợ hơi (Trung Hoa Châm Cứu Học).

25.Phối Phong Trì (Đ 20) trị nôn mửa (Châm Cứu Học Thủ Sách).

26.Phối Cách Du (Bq 17) + Cự Khuyết (14) + Túc Tam Lý (Vi 36) trị nấc (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

THAM KHẢO

• Thiên Kinh Mạch ghi: “Biệt của thủ Tâm chủ gọi là Nội Quan… Bệnh thực sẽ làm cho Tâm thống, bệnh hư sẽ làm cho đầu, gáy bị cứng, nên thủ huyệt ở giữa 2 đường gân” (Linh Khu 10, 39,40). “Phàm người Tâm thực chứng thì trong Tâm đau đột ngột, hư chứng thì Tâm phiền, kinh sợ mà không cử động được, mất trí, Nội Quan chủ trị” (Bị Cấp Thiên Kim Phương). "Tam Tiêu gây bệnh làm cho trong tai điếc, họng sưng đau, họng khô, mắt sưng đỏ, sau tai đau, khuỷu tay đau, ra mồ hôi, sau lưng và cột sống đau, đau từ vai lưng đến tay, táo bón, tiểu dầm, tiểu bí: châm huyệt Dương Trì + Nội Quan (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết – Châm Cứu Đại Thành). “Bệnh ở giữa ngực: Nội Quan gánh” (Lan Giang Phú). “Trị thương hàn ở kinh Thái Âm đã 4 ngày, trước hết dùng Chiếu Hải + Công Tôn, sau đó dùng Nội Quan” (Lan U Phú). “Tất cả nội thương huyệt Nội Quan, đờm hỏa tích khối lui cơn phiền” (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca). “Việc kích thích thần kinh của huyệt Nội Quan và Tâm Bào Kinh không có 1 liên hệ nào về mặt giải phẫu đối với tim. Nhưng về mặt kinh lạc và sự hiệu nghiệm của liệu pháp: nếu kích thích huyệt Nội Quan, quả thật nó có ảnh hưởng đến tạng Tâm. Do đó ta biết rằng học thức về kinh lạc của người xưa là điều mà ngành giải phẫu học hiện đại không thể chia xẻ sự hiểu nhau được” (Kinh Lạc Chi Vận Dụng). "Châm huyệt Nội Quan: Nếu nhịp tim đang nhanh thì sẽ chậm lại, nếu nhịp tim đang chậm thì nhanh lên, nếu nhịp tim bình thường thì không có thay đổi rõ rệt" (Thượng Hải Đệ II Y Học Viện Học Báo 1983, 1: 74). "Tiêm Adrenalin để làm tăng tần số tim của thỏ, sau đó, châm huyệt Nội Quan + Túc Tam Lý (Vi 36) thì tim đập chậm lại, tác dụng của Adrenalin bị ức chế rõ" (Trung Quốc Châm Cứu Tạp Chí 1981, 2: 2). "Gây rối loạn dẫn truyền nhĩ thất trên động vật thực nghiệm: nếu châm huyệt Nội Quan thì tần số tim nhanh lên và đều lại. Nếu châm huyệt Giao Tín (Th 8) thì tần số tim chậm lại và loạn nhịp hơn" (Bệnh Viện Nhân Tế thuộc Học Viện Y Học Thượng Hải II). "Châm huyệt Nội Quan cả trong điều trị và châm tê đều có thể làm cho huyết áp đang hạ được lên cao, hoặc ngược lại, huyết áp đang cao hạ xuống" (Trung Y Tạp Chí 1981, 7: 49 – 52). "Gây hạ huyết áp bằng Acetylcholin rồi châm huyệt Nội Quan thấy huyết áp tăng lên. Ngược lại, gây cao huyết áp bằng Adrenalin rồi châm huyệt Nội Quan thấy huyết áp tụt xuống" (Sở Nghiên Cứu Sinh Lý Viện Khoa Học Trung Quốc). “Nội Quan phối Đại Chùy (Đc 14). Nội Quan là lạc huyệt của kinh Tâm Bào, nối vào kinh Tam Tiêu, thông với mạch Dương Duy. Dựa theo đường vận hành của nó, có thể trị được các bệnh ở vùng ngực. Đại Chùy là huyệt Lạc của 3 kinh Dương ở tay và mạch Đốc. Châm Đại Chùy để điều hòa khí ở thái dương, khi khí được hòa thì thủy tự nhiên thông. Đại Chùy kết hợp với Nội Quan để tuyên thông dương khí của Tâm, thông lợi được Tam Tiêu, sơ thông ứng trệ. Khi Tam Tiêu được lưu thông nước sẽ đến Bàng Quang, đờm sẽ tự trừ. Cách phối huyệt này có thể so sánh với bài Đại Thanh Long Thang hoặc Tiểu Thanh Long ThangLinh Quế TruậtCam Thang của Trương Trọng Cảnh” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Nội Quan… phối hợp với Tam Âm Giao (Ty 6) có thể tư âm dưỡng huyết, kiện Tỳ, ích Vị, giao tế được thủy hỏa, quân bình âm dương. Là phương pháp chính trị đối với chứng thượng thực hạ hư gây ra các chứng xương đau nhức, thắt lưng đau, nóng trong xương, ho, mồ hôi trộm, thiếu máu, bế kinh. Chọn Nội Quan để thanh phần trên, Tam Âm Giao để tư bổ phần dưới; trước là để hòa dương, sau là cố âm. Âm dương hòa thì có thể tư sinh, hóa dục được” (Phối huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Nội Quan và Gian Sử có tác dụng khác nhau: Nội Quan thiên về thông sướng Tâm lạc, trị ứ trở ở Tâm lạc. Gian Sử thiên về hành khí, tán trệ, trị khí trệ ở lạc mạch (Du Huyệt Công Năng Lãm Biệt).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận