HUYỆT: Phong Long
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Huyệt ở chỗ cơ nhục đầy đủ (Phong Long), vì vậy gọi là Phong Long (Trung Y Cương Mục).
XUẤT XỨ
Thiên ‘Kinh Mạch’ (Linh Khu 10).
VỊ TRÍ
Đỉnh mắt cá chân ngoài lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài.
ĐẶC TÍNH
• Huyệt thứ 40 của kinh Vị.
• Huyệt Lạc của kinh Vị.
TÁC DỤNG
Hòa Vị khí, hóa đờm thấp.
CHỦ TRỊ
Trị ho đờm, chóng mặt, suyễn, khó thở, ngực trướng, chi dưới tê liệt, cước khí, đầu đau.
CHÂM CỨU
Châm thẳng, mũi kim hướng về phía trong, sâu 1 – 1,5 thốn. Cứu 5 – 7 tráng. Ôn cứu 5 – 15 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là khe giữa cơ duỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn, ở sâu là cơ duỗi dài riêng ngón chân cái, xương mác.
• Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chầy trước và nhánh của dây thần kinh cơ–da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối Phục Lưu (Th.7) trị tay chân phù (Giáp Ất Kinh).
2.Phối Dương Giao (Đ.35) + Thừa Tương (Nh.24) trị mặt sưng phù (Giáp Ất Kinh).
3.Phối Xung Dương (Vi.42) trị cuồng, chạy bậy, trèo cao ca hát, cởi quần áo ra mà chạy (Thiên Kim Phương).
4.Phối Đại Đô (Ty.2) + Phục Lưu (Th.7) trị phong nghịch, tay chân phù (Thiên Kim Phương).
5.Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Hợp Cốc (Đtr.4) (Đtr.4) + Thiên Đột (Nh.22) trị họng đau (Châm Cứu Tụ Anh).
6.Phối Phế Du (Bq.13) trị ho đờm (Châm Cứu Tụ Anh).
7.Phối Công Tôn (Ty.4) + Đản Trung (Nh.17) + Trung Khôi trị nôn ra nước dãi, chóng mặt (Châm Cứu Đại Toàn).
8.Phối Giải Khê (Vi.41) trị đau đầu phong, chóng mặt (Châm Cứu Đại Thành).
9.Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Quan Nguyên (Nh.4) trị ho lao (Bách Chứng Phú).
10.Phối Cường Gian (Đc.18) trị đầu đau (Ngọc Long Kinh).
10.Phối Trung Quản (Nh.12) trị đờm ẩm (Y Học Cương Mục).
12.Phối Ẩn Bạch (Ty.1) + Dũng Tuyền (Th.1) + Quan Xung (Ttu.1) + Thiếu Thương (P.11) + Thiếu Xung (Tm.9) trị họng đau (Y Học Cương Mục).
13.Phối Liệt Khuyết (P.7) + Phục Lưu (Th.7) trị tay chân phù (Thần Ứng Kinh).
14.Phối An Miên + Thần Môn (Tm.7) trị mất ngủ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
15.Phối Hành Gian (C.3) + Nội Quan (Tb.7) + Thiên Trụ (Bq.10) trị chóng mặt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
THAM KHẢO
• Thiên Nhiệt Bệnh ghi: “Bệnh nhiệt làm cho chân tay nặng nề, đó là Trường Vị bị nhiệt, dùng kim số 4 châm các huyệt Du (của kinh Tỳ + Vị) và các huyệt ở ngón chân dưới, tìm quan hệ khí ở các lạc của kinh Vị [huyệt Phong Long] (Linh Khu 23, 28). “Hen suyễn phát bệnh không ngủ được, Phong Long châm vào khỏi 3 phần” (Trửu Hậu Ca). “Đầu đau, tay chân lạnh, mặt sưng phù, Tâm phiền cuồng như gặp ma, cười liên tục, họng đau không nói được: dùng huyệt Phong Long để trị” (Giáp Ất Kinh). “Phong Long chủ trị bệnh cuồng, chạy bậy, trèo cao múa hát, cởi áo mà chạy” (Thiên Kim Phương). “Đờm nhiều nên hướng Phong Long tìm” (Ngọc Long Ca). “Huyệt Phong Long, Thiên Đột và Túc Tam Lý có công dụng khác nhau. Cả 3 huyệt đều có tác dụng trừ đờm. Tuy nhiên có điểm khác biệt: Phong Long có tác dụng giáng đờm, trừ đờm ở toàn thân. Túc Tam Lý có tác dụng trừ đờm ở Vị. Thiên Đột có tác dụng khai đờm, lợi khí, trừ đờm ở Phế” (Thường Dụng Du Huyệt
Lâm Sàng Phát Huy). Châm tả Phong Long + Nội Đình có tác dụng thanh giáng đờm nhiệt. Phàm dùng phép thanh giáng đờm nhiệt, có thể phối dùng 2 huyệt này gia giảm phối thêm Du huyệt. Châm tả Phong Long + tả Âm Lăng Tuyền (Ty.9) có tác dụng giống như bài NhịTrần Thang của sách Hòa Tễ Cục Phương. Châm tả Phong Long + tả Bá Hội (Đc.20) + bổ Âm Lăng Tuyền (Ty.9) có tác dụng giống như bài Bán Hạ Bạch Truật Thiên Ma Thang của sách Y Học Tâm Ngộ. Phối tả Thiên Đột (Nh.22), cứu tả huyệt Phong Môn (Bq.20) + Phế Du (Bq.23) có tác dụng giống bài Lãnh Háo Hoàn của sách Trương Thị Y Thông. Phối tả Thần Môn (Tm.7) + Thái Xung (C.3) hoặc Hành Gian (C.2) có tác dụng giống bài Định Giản Hoàn của sách Y Học Tâm Ngộ (Du Huyệt Thường Dụng Lâm Sàng Phát Huy).