Thái Bạch
Tên Huyệt Thái Bạch:
Huyệt ở vùng da trắng (bạch) nhất (thái) ở mé trong bàn chân, vì vậy gọi là Thái Bạch.
Tỳ thuộc Thổ, Thổ sinh Kim, Kim là tinh khí. Phía trên là Thái bạch tinh tức Kim tinh, đây là dựa theo thiên văn mà đặt tên cho huyệt (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ:
Thiên ‘Bản Du’ (Linh khu.2)
Đặc Tính Huyệt Thái Bạch:
Huyệt thứ 3 của kinh Tỳ.
Huyệt Du, huyệt Nguyên, thuộc hành Thổ.
Vị Trí huyệt Thái Bạch:
Ở chỗ lõm phía sau dưới đầu xương bàn chân thứ 1, nằm trên đường tiếp giáp lằn da gan chân – mu chân ở bờ trong bàn chân.
Giải Phẫu:
Dưới da là cơ dạng ngón chân cái và cơ gấp ngắn ngón cái, gân cơ gấp dài ngón chân cái, mặt dưới vùng trước xương bàn chân 1.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây chầy sau.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác Dụng Huyệt Thái Bạch:
Ích Tỳ thổ, hòa trung tiêu, điều khí cơ.
Chủ Trị Huyệt Thái Bạch:
Trị khớp chân ngón cái sưng đau, dạ dày đau, bụng trướng, táo bón, nôn mửa, tiêu chảy, phù thũng.
Phối Huyệt:
1. Phối Công Tôn (Tỳ 4) trị bụng trướng, ăn không tiêu, cổ trướng (Thiên Kim Phương).
2. Phối Đàn Trung (Nh.17) + Hạ Quản (Nh.10) + Thạch Quan (Tanh.18) + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị ế cách (Châm Cứu Đại Thành).
3. Phối Công Tôn (Tỳ 4) + Đại Trường Du (Bàng quang.25) + Tam Tiêu Du (Bàng quang.22) trị ruột sôi (Tư Sinh Kinh).
4. Phối Đại Trường Du (Bàng quang.25) + Hãm Cốc (Vị 43) trị ruột sưng đau (Châm Cứu Đại Thành).
5. Phối Phục Lưu (Th.7) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị bụng trướng (Loại Kinh Đồ Dực).
6. Phối Cự Khuyết (Nh.14) [cứu 14 tráng] + Đại Đô (Tỳ 2) + Thừa Sơn (Bàng quang.57) + Túc Tam Lý (Vị 36) trị vùng tim đau do giun để hồi trùng Tâm thống] (Loại Kinh Đồ Dực).
7. Phối Ẩn Bạch (Tỳ 1) + Hạ Liêu (Bàng quang.34) + Hội Dương (Bàng quang.35) + Lao Cung (Tâm bào.8) + Phục Lưu (Th.7) + Thái Xung (C.3) + Thừa Sơn (Bàng quang.57) + Trường Cường (Đc.1) trị tiêu ra máu (Thần Cứu Kinh Luân).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng sâu 0, 3 – 0, 5 thốn. Cứu 3 – 5 tráng – Ôn cứu 5 – 10 phút.
Tham Khảo:
“Thiên ‘Nhiệt Bệnh’ ghi: “Nhiệt bệnh mồ hôi vẫn ra mà mạch lại thuận, có thể châm cho ra mồ hôi, nên thủ huyệt Ngư Tế (Phế 10), Thái Uyên (Phế 9), Đại Đô ho nhiệt giảm bớt, châm bổ thì ra mồ hôi (Linh khu.23, 30)
“ Thiên ‘Khẩu Vấn’ ghi: “Chứng Nuy quyết, tâm bứt rứt, châm huyệt nằm trên đầu ngón chân cái 2 thốn (h.Thái Bạch – Tỳ 4) và 1 huyệt nữa ở dưới mắt cá chân ngoài (Côn Lôn – Bàng quang.60) [đều lưu kim] (Linh khu.28, 49).
“Thiên ‘Khẩu Vấn’ ghi: “Hàn khí khách tại Vị, khí quyết nghịch từ dưới lên trên, tán vào Vị rồi lại xuất ra từ Vị, vì thế gây ra chứng ợ. Châm bổ kinh túc Thái Âm (Thái Bạch – Tỳ 4) và Dương Minh [Hãm Cốc Vị 43] (Linh khu.28, 15). – “Chứng ợ: châm bổ túc Thái Âm (Thái Bạch) và Dương minh [Hãm Cốc (Vị 43)] (Linh khu. 28, 40).
“Thái Bạch, Âm Lăng Tuyền và Tam Âm Giao có công dụng khác nhau:
Thái Bạch: có tác dụng kiện Tỳ, bổ hư, trị Tỳ Hư.
Âm Lăng Tuyền: có tác dụng kiện Tỳ, khứ thấp, trị Tỳ hư.
Tam Âm Giao: có tác dụng kiện Tỳ, nhiếp huyết, trị Tỳ mất khả năng nhiếp huyết” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
Xem thêm: Các huyệt trên Kinh túc thái âm tỳ