Thượng Cự Hư
Tên Huyệt:
Huyệt ở xương ống chân, nơi có chỗ trũng (hư) lớn (cự), vì vậy gọi là Thượng Cự Hư để so sánh với Hạ Cự Hư (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Cự Hư Thượng Liêm, Túc Chi Thượng Liêm.
Xuất Xứ:
Thiên Kim Dực.
Đặc Tính:
Huyệt thứ 37 của kinh Vị.
Huyệt Hợp ở dưới của Đại Trường.
Châm trong các bệnh về Đại Trường (Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ (Linh khu. 4).
Vị Trí huyệt:
Dưới mắt gối ngoài (Độc Tỵ) 6 thốn, phía ngoài xương mác 1 khoát ngón tay, dưới huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) 3 thốn.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ ngoài cơ cẳng thân trước, bờ trong cơ duỗi chung các ngón chân, khe giữa xương chầy và xương mác.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.
Tác Dụng:
Lý trường, hòa Vị, thanh thấp nhiệt, tiêu trệ, điều khí.
Chủ Trị:
Trị bụng đau, tiêu chảy, ruột thừa viêm, liệt chi dưới.
Phối Huyệt:
1. Phối Hạ Cự Hư (Vị 39) trị chứng đổng tiết [tiêu chảy phân sống] (Châm Cứu Đại Thành).
2. Phối Thiên Xu (Vị 25) trị ruột viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Cách châm Cứu:
Châm thẳng 1 – 1, 5 thốn, Cứu 3 – 7 tráng, Ôn cứu 5 – 15 phút.
Ghi Chú: Trong bệnh ruột dư viêm, có điểm đau tương ứng ở vùng huyệt Thượng Cự Hư, ruột dư hết đau thì điểm đau này cũng hết (Châm Cứu Học Từ Điển).
Tham Khảo:
“Thiên ‘Tà Khí Tạng Phủ Bệnh Hình’ ghi: “Mùa đông trúng cảm hàn khí bị tiêu chảy, đau ngay rốn, không thể đứng lâu được, cùng 1 chứng hậu với Vị, nên châm huyệt Cự Hư Thượng Liêm [Thượng Cự Hư ]“(Linh khu 4, 109).
Thiên ‘Hải Luận’ ghi: “Thượng Cự Hư hợp với Đại Trữ và Hạ Cự Hư làm thành ‘Biển của 12 kinh – Thập nhị kinh chi Hải’ (Linh khu 33, 11).
“Thiên ‘Thủy Nhiệt Huyệt Luận’ ghi: “Cự Hư Hạ Liêm, Cự Hư Thượng Liêm, Khí Nhai [Khí Xung], [Túc] Tam Lý để tả nhiệt ở Vị” (Tố vấn 61, 19).
Xem thêm: Các huyệt trên Kinh túc dương minh vị