HUYỆT: Trung Cực
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Huyệt ở giữa (trung) rốn và xương mu, được coi như là 2 cực, vì vậy gọi là Trung Cực.
TÊN KHÁC
Khí Nguyên, Ngọc Tuyền, Trung Trụ.
XUẤT XỨ
Thiên ‘Cốt Không Luận’ (Tố Vấn 60).
VỊ TRÍ
Thẳng dưới rốn 4 thốn hoặc trên bờ xương mu 1 thốn.
ĐẶC TÍNH
• Huyệt thứ 3 của mạch Nhâm.
• Huyệt Hội của mạch Nhâm với 3 kinh âm ở chân.
• Huyệt Mộ (chẩn đoán) của Bàng quang.
• Là nơi tiếp thu khí của một nhánh Bàng Quang.
• Huyệt hội của các kinh cân – cơ của Tỳ, Thận và Can.
TÁC DỤNG
Điều huyết thất bào cung, ôn tinh cung, lợi bàng quang, trợ khí hóa, lý hạ tiêu, lợi thấp nhiệt.
CHỦ TRỊ
Trị kinh không đều, thống kinh, di tinh, tiểu dầm, tiểu bí, liệt dương, xuất tinh sớm, bạch đới, hố khung chậu viêm, đường tiểu viêm nhiễm, sinh dục viêm nhiễm, phù thũng, thần kinh tọa đau, thận viêm.
CHÂM CỨU
Châm thẳng 0,3 – 2 thốn. Cứu 15 – 20 phút.
GIẢI PHẪU
• Huyệt ở trên đường trắng, sau đường trắng là mạc ngang và phúc mạc. Vào sâu có ruột non khi bàng quang rỗng và không có thai; có bàng quang khi căng nước tiểu; có tử cung khi có thai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1 hoặc D12.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối Kiên Tỉnh (Đ.21) trị đẻ khó (Châm Cứu Đại Thành).
2.Phối Tam Âm Giao (Ty.6) trị đẻ khó, kinh nguyệt bế (Châm Cứu Đại Thành).
3.Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thận Du (Bq.23) trị kinh bế (Châm Cứu Đại Thành).
4.Phối Chí Âm (Bq.67) + Lãi Câu (C.5) + Lậu Cốc (Ty.7) + Thừa Phù (Bq.36) trị tiểu không thông (Tư Sinh Kinh).
5.Phối bổ Trung Cực (Nh.3) + cứu Quan Nguyên (Nh.4) trị chứng thi quyết (Ngọc Long Kinh).
6.Phối Kiên Tỉnh (Đ.21) trị nhau thai không ra (Châm Cứu Tụ Anh).
7.Phối Âm Giao (Nh.6) + Thạch Môn (Nh.5) trị sinh xong máu dơ ra không cầm (Châm Cứu Tập Thành).
8.Phối Tam Âm Giao (Ty.6) + Ủy Dương (Bq.39) trị bí tiểu (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
9.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Hoành Cốt (Th.11) trị di tinh, liệt dương, tảo tinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).
10.Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị tiểu dầm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
10.Phối Tam Âm Giao (Ty.6) + Tử Cung trị kinh nguyệt không đều (Châm Cứu Học Thượng Hải).
12.Châm Trung Cực (Nh.3) thấu Khúc Cốt (Nh.2) + Phục Lưu (Th.7) + Tam Âm Giao (Ty.6) thấu Tuyệt Cốt (Đ.39) + Thủy Phân (Nh.9) + Thủy Tuyền (Th.5) trị bệnh tim do phong thấp sinh ra phù bụng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
13.Phối Địa Cơ (Ty.8) + Thứ Liêu (Bq.32) trị hành kinh bụng đau loại thực chứng (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
GHI CHÚ
• Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy xuống bộ sinh dục ngoài.
THAM KHẢO
• Trước khi châm bảo người bệnh đi tiểu để tránh châm vào bàng quang. Khi bí tiểu không châm sâu. Có thai không châm sâu. “Thường kết hợp 4 huyệt Trung Cực + Khí Hải (Nh.6) + Quan Nguyên (Nh.4) + Tử Cung vì 4 huyệt này đều thuộc mạch Nhâm. Dưới huyệt Trung Cực là tử cung, 3 mạch Xung, Nhâm, Đốc đều bắt nguồn từ tử cung và đi ra hội âm. Nhâm mạch đi từ hội âm rồi vận hành ở bụng, Đốc mạch đi từ hội âm rồi vận hành ở lưng, Xung mạch đi từ hội âm rồi vận hành theo kinh Thận, do đó được gọi là ‘một nguồn 3 nhánh’. Khí Hải là biển của khí, nơi giữ nguyên khí. Quan Nguyên là nơi tàng tinh của phái nam. Trung Cực là nơi chứa huyết của phụ nữ. Trung Cực là nơi hội của Nhâm mạch và 3 kinh âm ở chân, cũng là cửa của tử cung, tử cung là nơi chứa huyết của phụ nữ. Vì vậy, chọn huyệt Khí Hải để ích khí ở hạ tiêu, Quan Nguyên để bổ sung tinh huyết, Trung Cực để điều kinh, khai thông bế tắc. Chọn huyệt Tử Cung là dùng phép trị trực tiếp vào phần ngọn (tiêu), kết hợp với các huyệt trên để dưỡng huyết, điều kinh, bổ nguyên khí, ấm tử cung” (Phối Huyệt Khái Luận Giảng Nghĩa). “Huyệt Trung Cực, Âm Lăng Tuyền (Ty.9), Quan Nguyên (Nh.4), Thận Du (Bq.23) đều có tác dụng lợi tiểu tiện, tuy nhiên có 1 số điểm khác nhau: Trung Cực: tăng khí hóa, khai thủy đạo, lợi tiểu tiện. Âm Lăng Tuyền (Ty.9): trợ vận hóa, hành thủy thấp, lợi tiểu tiện. Quan Nguyên (Nh.4): bổ nguyên dương, trợ khí hóa, lợi tiểu tiện. Thận Du (Bq.23): bổ Thận khí, ích khí hóa, lợi tiểu tiện” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Trung Cực và Thủy Phân (Nh.9) là 2 huyệt chủ yếu chữa thủy (nước) nhưng có điểm khác nhau: Huyệt Trung Cực: có tác dụng khai thông niệu khiếu, thúc ước bàng quang, thông lợi thủy đạo. Thiên về trị thủy ở hạ tiêu. Huyệt Thủy Phân: có tác dụng tuyên thông thủy khí, phân lợi thủy thấp, ôn vận thủy thấp. Thiên về trị thủy ở trung tiêu” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Trung Cực và Âm Lăng Tuyền đều có tác dụng lợi thấp nhưng có điểm khác nhau: Trung Cực: có tác dụng tả mà thanh tuyên bàng quang, khai thông thủy đạo, bổ mà thúc ước bàng quang, vận khí hóa mà lợi tiểu tiện. Chủ yếu lợi thủy thấp ở hạtiêu và trung tiêu. Âm Lăng Tuyền: có tác dụng tả mà sơ lý Tỳ khí, hành thấp, lợi thủy, khứ thấp, ích Tỳ, bổ mà kiện Tỳ thổ, khứ thấp tà. Chủ về điều lý thủy thấp ở trung tiêu và hạ tiêu” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Phối dùng Trung Cực và Bàng Quang Du là phép phối hợp huyệt Mộ và Bối Du Huyệt. Châm tả hoặc cứu tả hoặc cứu bổ huyệt Trung Cực có tác dụng ôn dương, hóa khí, hành thủy, ước thúc bàng quang và thông lợi tiểu tiện. Châm tả, cứu tả hoặc cứu bổ Bàng Quang Du đều có công hiệu tốt đối với các bệnh rối loạn khí hóa của bàng quang” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Châm Trung Cực + Âm Lăng Tuyền (Ty.9), dùng phép Thấu Thiên Lương có tác dụng giống như bài Bát Chính Tán trong sách Cục Phương” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Tả Trung Cực + tả Thông Lý (Tm.5) có tác dụng giống như bài Đạo Xích Tán của sách Tiểu Nhi Dược Chứng Trực Quyết” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Tả Trung Cực + bổ Quan Nguyên (Nh.4), Thận Du (Bq.23) hoặc Thái Khê (Th.3) có tác dụng giống như bài Tế Sinh Thận Khí Hoàn trong sách Tế Sinh Phương” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy). “Châm tả Trung Cực + cứu Thần Khuyết (Nh.8) + Thủy Phân (Nh.9) + Quan Nguyên (Nh.4) có tác dụng giống bài Thực Tỳ Ẩm của sách Tế Sinh Phương” (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).