HUYỆT: Tý Nhu
HÌNH ẢNH
TÊN HUYỆT
Tên huyệt này có thể hiểu theo hai cách:a. Vì huyệt nằm ở vùng thịt mềm (nhu) của cánh tay (tý) vì vậy gọi là Tý Nhu (Trung Y Cương Mục). Bản dịch Anh và Pháp theo ý này. b. Vì huyệt có tác dụng châm trị cánh tay (tý) bị mềm yếu (nhu), không có sức (Châm Cứu Học Từ Điển), vì vậy gọi là Tý Nhu.
TÊN KHÁC
Bối Nhu, Bối Nao, Đầu Xung, Hạng Xung, Tý Nao.
XUẤT XỨ
Giáp Ất Kinh.
VỊ TRÍ
Huyệt ở đầu cuối của cơ tam giác cánh tay, trên đường nối huyệt Khúc Trì (Đtr.11) và Kiên Ngung (Đtr.15).
ĐẶC TÍNH
• Huyệt thứ 14 của kinh Đại Trường.
• Huyệt giao hội của kinh Đại Trường với mạch Dương Duy và kinh Vị.
TÁC DỤNG
Thông lạc, minh mục
CHỦ TRỊ
Trị vai đau, cánh tay đau, liệt chi trên, bệnh mắt.
CHÂM CỨU
• Châm thẳng hoặc châm vào bờ sau – trước xương cánh tay, sâu 1 – 1,5 thốn. Khi bị bệnh về mắt, hướng mũi kim xiên lên phía giữa cơ Delta.
• Cứu 3 – 5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.
GIẢI PHẪU
• Dưới da là đỉnh cơ Delta, bờ ngoài cơ 2 đầu cánh tay, chỗ bám của cơ cánh tay trên vào xương, phía sau là phần rộng ngoài của cơ 3 đầu cánh tay, xương cánh tay.
• Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mũ, các nhánh của dây thần kinh cơ da và nhánh của dây thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C5.
PHỐI HỢP HUYỆT
1.Phối cứu Đại Chùy (Đc.14) 100 tráng + cách Đại Chùy (Đc.14) mỗi bên ngang ra 1,5 thốn, xuống 1 ít, cứu 30 tráng + Nhĩ Thượng + Phát Tế + Phong Trì (Đ.20) + Tý Nhu, cứu theo tuổi trị anh lựu [bướu] (Thiên Kim Dực Phương).
2.Phối Cường Gian (Đc.18) trị cổ gáy cứng (Tư Sinh Kinh).
3.Phối Trửu Liêu (Đtr.12) trị cánh tay đau không giơ lên được (Tư Sinh Kinh).
4.Phối Kiên Ngung (Đtr.15) trị tay yếu (không có sức) không giơ lên được (Tư Sinh Kinh).
5.Phối Thừa Khấp (Vi.1) + Tinh Minh (Bq.1) trị bệnh về mắt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
6.Phối châm Tý Nhu (Đtr.14) xuyên Nhu Thượng + Khúc Trì (Đtr.11) trị cánh tay và vai đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
7.Phối Đại Nghênh (Vi.5) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) trị lao hạch (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).