Ty Trúc Không
Tên Huyệt:
Ty Trúc = lông mày; Không = lỗ hổng. Huyệt ở chỗ lõm (không), ngoài đuôi lông mày (giống như sợi tơ = lông mày), vì vậy gọi là Ty Trúc Không (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác:
Cư Liêu, Mục Giao, Mục Liêu, My Sảo.
Xuất Xứ:
Giáp Ất Kinh.
Đặc Tính:
Huyệt thứ 23 của kinh Tam Tiêu.
Huyệt có những mạch phụ chạy tới huyệt Đồng Tử Liêu (Đ.1).
Vị Trí huyệt:
Tại chỗ lõm bên ngoài đuôi lông mày, ấn vào có cảm giác ê tức, bờ ngoài cơ vòng mi.
Giải Phẫu:
Dưới da là bờ ngoài cơ vòng mi và phần bám vào da cung mày của cơ trán, xương trán.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh mặt.
Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.
Tác Dụng:
Tán phong, chỉ thống, thanh hoả, tiết nhiệt, thông điều khí cơ của Tam Tiêu.
Chủ Trị:
Trị đầu đau, các bệnh về mắt.
Phối Huyệt:
1. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Phong Trì (Đ.20) trị thiên chính đầu phong, đầu đau (Châm Cứu Đại Thành).
2. Phối Toản Trúc (Bàng quang.2) trị mắt sưng đỏ (Thắng Ngọc Ca).
3. Châm Ty Trúc Không thấu Suất Cốc (Đ.8) trị nửa đầu đau (Ngọc Long Ca).
4. Phối Thái Dương + Toản Trúc (Bàng quang.2) trị mắt sưng đỏ, mắt đau (Thẩm Thị Dao Hàm).
5. Phối Phong Trì (Đ.20) + Trung Chử (Tam tiêu.3) trị nửa đầu đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
6. Phối Địa Thương (Vị 4) + Toản Trúc (Bàng quang.2) + Tứ Bạch (Vị 2) trị liệt mặt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
7. Phối Bá Hội (Đc.20) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Nhân Trung (Đc.26) trị động kinh (Châm Cứu Học Giản Biên).
8. Phối Hợp Cốc (Đại trường.4) + Phong Trì (Đ.20) + Thái Dương + Tinh Minh (Bàng quang.1) + Toản Trúc (Bàng quang.2) trị mắt sưng đỏ, đau (Châm Cứu Học Giản Biên).
Cách châm Cứu:
Châm ngang, mũi kim có thể thấu Ngư Yêu, sâu 0, 5 – 1 thốn. Không cứu.
Xem thêm: Các huyệt trên Kinh thủ thiếu dương tam tiêu