Kinh túc thiếu dương đởm: đường đi, biểu hiện bệnh lý

KINH TÚC THIẾU DƯƠNG ĐỞM

(mỗi bên có 44 huyệt)

A. Đường đi:

Bắt đầu từ đuôi mắt, lên góc trán, vòng xuống sau tai, vòng qua đầu sang trán, vòng trở lại gáy đi dọc cổ (trước kinh Tam tiêu) xuống vai, bắt chéo ra sau kinh Thiếu dương ở tay vào hố trên đòn xuống nách, dọc ngực sườn (Chương môn), đến mấu chuyển lớn rồi đi ở mặt ngoài đùi, ra bờ dưới khớp gối, xuống cẳng chân trước ngoài qua xương mác và trước mắt cá ngoài mu chân đến góc ngoài ngón chân thứ 4.

Phân nhánh:

– Từ sau tai vào trong tai, đi ra trước tai đến phía sau đuôi mắt.

– Từ đuôi mắt xuống huyệt Đại nghênh giao hội với kinh Thiếu dương ở tay, lên dưới hố mắt rồi lại vòng xuống dưới góc hàm để xuống cổ, giao hội với kinh chính ở phía trên đòn (Khuyết bồn) rồi vào trong ngực, qua cơ hoành, liên lạc với Can (thuộc) về Đởm. Đi trong sườn, xuống vùng ống bẹn (Khí xung) vòng quanh lông mu tiến ngang vào mấu chuyển lớn.

– Từ mu chân ra, đi giữa xương bàn chân 1,2 đến đầu ngón chân cái rồi vòng lại đến chùm lông ở gần móng chân cái và tiếp nối với kinh Quyết âm Can ở chân.

B. Biểu hiện bệnh lý:

     *Kinh bị bệnh: Sốt rét, điếc, đau đầu, hàm đau, mắt đau, hố trên đòn sưng đau, nách sưng, lao hạch, khớp háng và mặt ngoài chi dưới đau, phía ngoài bàn chân nóng, ngón chân thứ tư vận động khó.

     *Phủ bị bệnh: Cạnh sườn đau, ngực đau, mồm đắng, nôn.

C. Trị các chứng bệnh:

Ở đầu, mặt, tai, mũi, họng, ngực, sườn, sốt.

D. Các huyệt

ĐỔNG TỬ LIÊU

(Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và Thái dương ở tay)

Vị trí: – Ở cách đuôi mắt 5 phân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở ngang đuôi mắt chỗ lõm sát ngoài đường khớp của mỏm ngoài ổ mắt xương gò má và xương trán.

Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài và các bó phụ của cơ vòng mi, cơ thái dương, chỗ tiếp khớp của xương gò má, xương trán và xương thái dương.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ: Đau đầu, đau mắt đỏ, chảy nước mắt.

     – Theo kinh: Đau đầu, thiên đầu thống.

Cách châm cứu: Châm luồn kim dưới da, mũi kim hướng ra ngoài, sâu 0,2-0,3 tấc. Cứu 3-5 phút, không được gây bỏng.

Chú ý: Kết hợp với Tinh minh, Dưỡng lão, Túc tam lý chữa quáng gà. 

THÍNH HỘI

Vị trí: – Ở chỗ lõm trước tai, dưới huyệt Thượng quan 1 tấc ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở ngang phía trước rãnh bình tai, chỗ đầu dưới của chân bình tai, chỗ lõm phía sau ngành lên xương hàm dưới (há miệng thì lõm rộng ra)

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau tuyến mang tai, bờ dưới mỏm tiếp xương thái dương, sau lồi cầu xương hàm dưới. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ: ù tai, điếc tai, đau răng, đau khớp hàm.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1,2 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ, hoặc căng tức sâu vào trong tai làm ê ẩm 1/2 đầu.Khi cứu không được gây bỏng.

THƯỢNG QUAN

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Dương minh ở tay)

Vị trí: – Ở mé trên đầu xương trước tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở chỗ lõm ở bờ sau chân tóc mai, sát bờ trên mỏm tiếp xương thái dương thẳng xuống huyệt Hạ quan, phía trước huyệt Hòa liêu của kinh Tam tiêu.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trước, cơ thái dương, xương thái dương chỗ bờ trên mỏm tiếp. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     -Tại chỗ: Đau đầu, ù tai, điếc tai, đau răng, liệt mặt.

Cách châm cứu: Châm 0,3 tấc. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

HÀM YẾN

(Hội của kinh Thái dương ở tay, chân và kinh Dương minh ở chân)

Vị trí: – Ở dưới góc trán và bờ trên tóc mai (Giáp ất, Đại thành)

– Lấy ở góc trán, chỗ nối 1/4 trên và 3/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, hoặc lấy huyệt ở góc trán vào tóc mai 3 phân, dưới huyệt Đầu duy 5 phân.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ và theo kinh: Đau nửa đầu, hoa mắt, đau khóe mắt ngoài, ù tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

HUYỀN LƯ

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân, tay và Dương minh ở chân)

Vị trí: – Ở chỗ có động mạch trong thái dương (Giáp ất)

– Lấy ở dưới huyệt Hàm yến chỗ nối 2/4 trên với 2/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của đây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ và theo kinh: Đau nhức đầu, đau khóe mắt ngoài.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

 

 

HUYỀN LY

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân, tay và Dương minh ở chân)

Vị trí: – Ở chỗ có động mạch dưới thái dương (Giáp ất)

– Lấy ở dưới huyệt Huyền lư chỗ nối 3/4 trên với 1/4 dưới của đoạn nối huyệt Đầu duy với huyệt Khúc tân, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của đây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ và theo kinh: Đau nhức nửa đầu, đau khóe mắt ngoài.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

KHÚC TÂN

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở chỗ lõm của đường chân tóc cong trên tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên chân tóc phía trên tai, ở chính giữa đường cong nối huyệt Giác tôn và huyệt Hòa liêu của kinh Tam tiêu, sát động mạch thái dương nông.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, nhánh của dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
     – Tại chỗ và theo kinh: Đau vùng thái dương, sưng má và hàm răng cắn chặt.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi châm cứu không được gây bỏng.

SUẤT CỐC

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở trên tai, lấn vào chân tóc 1.5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành)

– Gấp vành tai về phía trước và áp vành tai vào đầu để lấy huyệt Giác tôn đo thẳng lên 1,5 tấc để lấy huyệt Suất cốc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, cơ thái dương, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt, dây thần kinh sọ não số V. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
-Tại chỗ và theo kinh: Đau đầu, đau nửa đầu, bệnh ở mắt.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

THIÊN XUNG

( Hội của kinh Thiếu dương và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở sau tai vào chân tóc 2 tấc ( Đồng nhân, Đại thành)

– Lấy ở điểm gặp nhau của đường cong theo chân tóc trên tai và ở trên chân tóc 2 tấc, với đường thẳng đứng sau huyệt Suất cốc 1/2 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai trên, xương thái dương. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
     – Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Sưng lợi răng.

     – Toàn thân: Điên.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Không cứu.

PHÙ BẠCH

( Hội của kinh Thiếu dương và Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở sau tai vào chân tóc 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở chỗ nối 1/3 trên với 2/3 dưới của đọan nối huyệt Thiên xung với huyệt Hoàn cốt.

Giải phẫu: Dưới da là xương thái dương. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: ù tai, điếc tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

KHIẾU ÂM

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và kinh Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở trên huyệt Hoàn cốt (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở chỗ nối 2/3 trên với 1/3 dưới của đoạn nối huyệt Thiên xung với huyệt Hoàn cốt.

Giải phẫu: Dưới da là cơ tai sau, cơ chẩm, đường khớp xương thái dương-chẩm. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt và nhánh của dây thần kinh chẩm lớn. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau đầu và gáy.

     – Theo kinh: Nhức tai, ù tai, điếc tai.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

HOÀN CỐT

( Hội của kinh Thiếu dương và Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở tai vào chân tóc 4 phân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở chỗ lõm sau mỏm trâm-chũm phía sau tai, sát bờ sau cơ ức đòn chũm.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ức-đòn-chũm, cơ gối đầu, cơ đầu dài, cơ trâm móng, cơ trâm lưỡi, cơ trâm-hầu và cơ hai thân. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh cổ 2, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn, nhánh dây thần kinh dưới chẩm, các nhánh của dây thần kinh sọ não số XII, số IX và số VII. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu, đau cứng cổ gáy.

     – Theo kinh: Sưng má, đau răng, liệt mặt, đau họng.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da.

BẢN THẦN

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở vào trong chân tóc 4 phân phía ngoài huyệt Khúc sai 1,5 tấc (Đồng nhân)

– Lấy ở ngang huyệt Thần đình và ở ngoài huyệt Thần đình 3 tấc, ở trong huyệt Đầu duy 1,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán dính vào cân sọ, xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Hoa mắt.

     – Toàn thân: Điên, kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

DƯƠNG BẠCH

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với kinh Dương minh ở chân, tay và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở trên lông mày 1 tấc, thẳng với con ngươi (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đường thẳng qua chính giữa mắt và ở phía trên lông mày 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán , xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu, đau mắt, mắt nhiều dử, mắt mờ, sụp mi, mắt không nhắm được, quáng gà, loạn thị.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da, mũi kim hướng xuống dưới.

Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

LÂM KHẤP

( Hội của kinh Thiếu dương, Thái dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở thẳng con ngươi lên, chỗ lõm trên chân tóc 0,5 tấc ( Đồng nhân, Phát huy, Đại thành )

– Lấy ở trên đường thẳng qua chính giữa huyệt Thần đình và huyệt Đầu duy, trên chân tóc trán 0,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ trán dính vào cân sọ, xương trán. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mặt. Da vùng huyệt chi phối bởi thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Hoa mắt, chảy nước mắt, đau khóe mắt ngoài.

     – Toàn thân: Kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

MỤC SONG

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Đầu lâm khấp 1,5 tấc (Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở trên đường nối huyệt Lâm khấp với huyệt Phong trì (cùng chiều với mạch Đốc) ở sau huyệt Lâm khấp 1,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cân sọ, đường khớp trán-đỉnh. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Hoa mắt, đau mắt đỏ, sợ lạnh, tắc mũi.

     – Toàn thân: Kinh phong.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

CHÍNH DINH

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Mục song 1,5 tấc (Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở trên đường nối huyệt Lâm khấp với huyệt Phong trì (cùng chiều với mạch Đốc) ở sau huyệt Lâm khấp 3 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cân sọ, xương đỉnh sọ. Da vùng huyệt chi phối bởi dây thần kinh sọ não số V.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau nửa đầu.

     – Theo kinh: Đau mắt, đau răng.

     – Toàn thân: Váng đầu có nôn.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

THỪA LINH

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân với mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Chính dinh 1,5 tấc (Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở trên đường nối huyệt Lâm khấp với huyệt Phong trì (cùng chiều với mạch Đốc) ở sau huyệt Lâm khấp 4,5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là cân sọ, xương đỉnh sọ. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Chảy nước mũi, chảy máu mũi.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

NÃO KHÔNG

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở phía sau huyệt Thừa linh 1,5 tấc ( Đại thành, Tuần kinh)

– Lấy ở trên đường nối huyệt Lâm khấp với huyệt Phong trì ( cùng chiều với mạch Đốc) ở phía sau huyệt Lâm khấp 6 tấc, ngang với ụ chẩm.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ cơ chẩm, cơ gối đầu và cơ thang bám vào đường cong chẩm trên của xương chẩm. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của dây thần kinh cổ 2, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn và nhánh của dây thần kinh dưới chẩm. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau đầu.

     – Theo kinh: Cổ gáy cứng đau.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, luồn kim dưới da. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Khi cứu không được gây bỏng.

PHONG TRÌ

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở sau tai (xương chũm) chỗ lõm ở chân tóc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Sờ xác định đáy hộp sọ, cơ thang và cơ ức-đòn-chũm, huyệt ở trong góc lõm do bờ ngoài cơ thang và cơ ức-đòn-chũm bám vào đáy hộp sọ tạo nên.

Giải phẫu: Dưới da là góc tạo nên bởi cơ thang và cơ ức-đòn-chũm, đáy là cơ gối đầu và cơ đầu dài đáy hộp sọ. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cổ 2, nhánh của dây thần kinh chẩm lớn và nhánh của dây thần kinh dưới chẩm. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cứng cổ gáy.

     – Theo kinh: Đau nửa đầu, đau mắt đỏ, hoa mắt, ù tai, đau vai.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc, hướng kim về mắt bên kia. Cứu 10-15 phút.

KIÊN TỈNH

( Hội của kinh Thiếu dương ở tay, chân với kinh Dương minh ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở chỗ lõm trên vai. Trên Khuyết bồn, trước xương to 1,5 tấc. Lấy 3 ngón tay ấn vào thì huyệt ở vào chỗ lõm dưới ngón giữa (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở điểm gặp nhau của đường thẳng ngang qua núm vú với đường ngang nối huyệt Đại chùy với điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn, ấn vào có cảm giác ê tức.

Giải phẫu: Dưới da là cơ thang, cơ trên sông và cơ góc. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, nhánh dây thần kinh cổ 2, nhánh của dây thần kinh trên vai. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cứng cổ gáy, đau vai lưng trên.

     – Theo kinh: Đau đầu, đau tay không giơ lên được, thiếu sữa, tắc tia sữa, đau vú.

     – Toàn thân: Trúng phong.

Cách châm cứu: Châm 0,4-0,6 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể làm tổn thương phổi.

UYỂN DỊCH

Vị trí: – Ở dưới nách 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đường nách giữa, trên bờ xương sườn 5.

Giải phẫu: Dưới da là bờ trước cơ lưng to, cơ răng cưa to, các cơ gian sườn 4, phổi. Thần kinh vận động cơ là nhánh của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 4.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau sườn, sưng dưới nách.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Không cứu.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể làm tổn thương phổi.

TRIẾP CÂN

(Hội của kinh Thái dương và kinh Thiếu dương ở chân)

Vị trí: – Ở dưới nách 3 tấc, đi ra phía trước 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân)

– Lấy ở trên bờ trên xương sườn 5, phía trước đường nách giữa 1 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ bám của cơ răng cưa to, bờ dưới cơ ngực to, các cơ gian sườn 4, phổi. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của đám rối thần kinh nách và dây thần kinh gian sườn 4. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D4.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Ngực đầy tức, hen suyễn.

     – Toàn thân: Nôn, ợ chua.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 3-5 phút.

Chú ý: Không châm sâu vì có thể làm tổn thương phổi.

NHẬT NGUYỆT

( Huyệt Mộ của Đởm, Hội của kinh Thiếu dương với Thái âm ở chân và mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở dưới huyệt Kỳ môn 1,5 tấc (Giáp ất)

– Lấy ở trên đường thẳng qua núm vú, ở khoảng gian sườn 7, sát bờ trên xương sườn 8.

Giải phẫu: Dưới da là chỗ tiếp nối giữa phần thịt và phần cân của cơ chéo to của bụng, các cơ gian sườn 7, bên phải là gan, bên trái là lách hay dạ dày. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh gian sườn 7. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D7 hay D8.

Tác dụng:
– Tại chỗ hay toàn thân: Đau cạnh sườn, đau vùng gan mật, nôn.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,6 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu, có thể gây tổn thương gan hay lách.

KINH MÔN

( Huyệt Mộ của Thận)

Vị trí: – Ở đầu xương sườn cụt 12 ( Đồng nhân, Đại thành)

– Lấy ở dưới đầu tự do của xương sườn cụt 12.

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ ngang bụng, đầu cụt xương sườn 12, mạc ngang, phúc mạc, thận. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D9.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau mạng mỡ, đau cạnh sườn.

     – Toàn thân: Đầy bụng, ỉa chảy.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Không châm sâu, vì có thể làm tổn thương thận nhất là khi hướng mũi kim vào phía trong.

ĐỚI MẠCH

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Đới)

Vị trí: – Ở dưới bờ sườn cụt 1,8 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Kẻ 1 đường thẳng đứng qua đầu xương sườn cụt 11 và đường ngang qua rốn. Huyệt ở điểm gặp nhau của hai đường này.

Giải phẫu: Dưới da là cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.

Tác dụng:
– Tại chỗ và toàn thân: Đau thắt lưng và háng, đau bụng dưới, khí hư.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-15 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan tới chỗ đau.

NGŨ KHU

(Hội kinh thiếu dương ở chân và mạch đới)

Vị trí: – Ở dưới huyệt Ðái mạch 3 tấc (Giáp ất , Ðồng nhân, Ðại thành).

 – Lấy ở phía trước gai chậu trước trên, dưới đường ngang nối rốn với huyệt Ðới mạch 3 tấc.

Giải phẫu : Dưới da là cơ chéo to  của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng.

Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng – sinh dục.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.

Tác dụng : tại chỗ và toàn thân: Ðau thắt lưng và háng, đau bụng dưới, khí hư.

DUY ĐẠO

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Đới)

Vị trí: – Ở dưới huyệt Chương môn 5,8 tấc (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở dưới và trước gai chậu trước trên, dưới và trước huyệt Ngũ khu 0,5 tấc, dưới huyệt Chương môn 5,3 tấc.

Giải phẫu: dưới da là bờ dưới các cơ chéo to của bụng, cơ chéo bé của bụng, cơ ngang bụng, mạc ngang, phúc mạc, đại tràng. Thần kinh vận động cơ là 6 dây thần kinh gian sườn dưới và dây thần kinh bụng-sinh dục. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D12.

Tác dụng:
– Tại chỗ và toàn thân: Đau thắt lưng và háng, đau bụng dưới, khí hư.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc lan rộng tới chỗ đau.

CỰ LIÊU

( Hội của kinh Thiếu dương ở chân và mạch Dương kiểu)

Vị trí: – Ở dưới huyệt Chương môn 8,3 tấc, trong chỗ lõm phía trên mấu chuyển lớn (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Nối gai chậu trước-trên với điểm cao nhất của mấu chuyển lớn của xương đùi, huyệt ở điểm giữa đường này.

Giải phẫu: Dưới da là cơ mông nhỡ, cơ mông bé. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mông trên. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L1 hay L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau háng, đau thắt lưng lan vào bụng dưới.

    – Theo kinh: Liệt chân, yếu chân, đau chân.

Cách châm cứu: Châm 0,5-1 tấc. Cứu 10-20 phút.

HOÀN KHIÊU

( Hội của các kinh Thiếu dương và Thái dương ở chân)

Vị trí: – Ở trong vùng hông (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Nối mấu chuyển lớn xương đùi với mỏm gai đốt sống cùng 4, lấy huyệt ở chỗ lõm điểm nối 1/3 ngoài với 2/3 trong của đường này.

Giải phẫu: Dưới da là cơ mông to, bờ dưới cơ tháp, bờ trên cơ sinh đôi trên.Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh mông trên, dây thần kinh mông dưới và các nhánh của đám rối thần kinh cùng. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau khớp háng.

     – Theo kinh: Đau dây thần kinh hông, liệt nửa người.

Cách châm cứu: Châm 1,5-2,5 tấc. Cứu 20-40 phút.

PHONG THỊ

Vị trí: – Ở trên gối chỗ khe 2 gân phía ngoài đùi, tay áp bên đùi, chỗ lõm đúng đầu ngón tay giữa là huyệt (Đại thành)

– Chân ruỗi thẳng, tay xuôi áp ngón tay giữa vào bờ sau cơ căng cân đùi, lấy huyệt ở chỗ đầu ngón tay giữa chấm vào đùi, thường ở trên khớp gối độ 7 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cân đùi và cơ rộng ngoài , bờ trước cơ hai đầu đùi, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh mông trên, các nhánh dây thần kinh đùi và nhánh dây thần kinh hông. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L2.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Trúng phong, liệt nửa người, liệt chân, yếu chân, đau mỏi chân.

     – Toàn thân: Ngứa mẩn.

Cách châm cứu: Châm 0,8-1 tấc. Cứu 10-15 phút.

Chú ý: Kết hợp với Âm thị, Dương lăng tuyền chữa yếu liệt chân hoặc đau đầu gối.

TRUNG ĐỘC

Vị trí: – Ở ngoài xương đùi, trên gối 5 tất, chỗ khe thịt lõm (Gíap ất, Đồng nhân, Đại thành)

– Lấy ở phía ngoài đùi, trong khe của cân đùi và cơ hai đầu đùi, trên khớp gối 5 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là bờ sau cân đùi và cơ rộng ngoài , bờ trước cơ hai đầu đùi, cơ rộng giữa, xương đùi. Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh mông trên, các nhánh dây thần kinh đùi và nhánh dây thần kinh hông. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Trúng phong, liệt nửa người, liệt chi dưới.

     – Toàn thân: Ngứa nửa người.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

DƯƠNG QUAN

Vị trí: – Ở trên huyệt Dương lăng tuyền 3 tấc, chỗ lõm mé ngoài huyệt Độc tỵ (Giáp ất, Đồng nhân Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở phía ngoài đùi, trong khe của cân đùi và gân cơ hai đầu đùi, trên huyệt Dương lăng tuyền 3 tấc, trong chỗ lõm phía sau ngoài lồi cầu ngoài xương đùi. Hơi co gối cho nổi rõ gân cơ hai đầu đùi và chỗ lõm để lấy huyệt.

Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài cân đùi và cơ rộng ngoài bờ trước gân cơ hai đầu đùi, cơ rộng giữa, đầu dưới xương đùi. Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh mông trên, các nhánh dây thần kinh đùi và nhánh dây thần kinh hông. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L3.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Gối sưng đau, không co ruỗi được.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,7 tấc. Cứu 5-10 phút (có sách ghi không cứu).

DƯƠNG LĂNG TUYỀN

( Huyệt Hợp thuộc Thổ, huyệt Hội của Cân)

Vị trí: – Ở dưới đầu gối 1 tấc, chỗ lõm phía ngoài ống chân (Giáp ất, Đại thành)

– Xác định đầu trên xương mác, lấy huyệt ở chỗ lõm phía trước chỗ thân nối với đầu trên xương mác.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ mác bên dài và cơ ruỗi chung các ngón chân, phía trước và trong đầu trên xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Khớp gối sưng-nóng-đỏ-đau không co ruỗi được.

     – Theo kinh: Liệt thần kinh hông kheo ngoài, tê phía ngoài chân, đau cạnh sườn, liệt nửa người.

     – Toàn thân: Chân tay co rút, khó co duỗi.

Cách châm cứu: Châm 0,8-1 tấc. Cứu 5-15 phút.

DƯƠNG GIAO

( Huyệt Khích của mạch Dương duy)

Vị trí: – Ở trên mắt cá ngoài chân 7 tấc, chéo lên quãng khe thịt giữa 3 kinh dương (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở phía trên mắt cá ngoài chân 7 tấc, gần bờ sau xương mác trong khe cơ mác bên dài và cơ mác bên ngắn.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ mác bên dài và cơ mác bên ngắn, xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh thần kinh cơ-da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
-Tại chỗ và theo kinh: Liệt chân, đau đầu gối, ngực sườn đầy tức, mồm đắng.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-15 phút.

NGOẠI KHÂU

( Huyệt Khích)

Vị trí: – Ở trên mắt cá ngoài chân 7 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên mắt cá ngoài chân 7 tấc, sau bờ sau xương mác trong khe cơ mác bên dài và cơ dép.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa các cơ mác bên dài và cơ dép, xương mác. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tíết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ: Đau cẳng chân.

     – Theo kinh: Đau tức ngực, đau túi mật.

     – Toàn thân: Điên.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,8 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Châm đắc khí thấy căng, tức tại chỗ hoặc chạy theo đường kinh.

QUANG MINH

( Huyệt Lạc nối với kinh Quyết âm can)

Vị trí: – Ở trên mắt cá ngoài chân 5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên mắt cá ngoài chân 5 tấc, sát bờ trước xương mác trong khe của cơ ruỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ ruỗi chung các ngón chân và cơ mác bên ngắn, bờ trước xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh cơ da cẳng chân. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh : Đau, tê, nóng cẳng chân và gối, bệnh ở mắt.

     – Toàn thân: Sốt không có mồ hôi.

Cách châm cứu: Châm 0,5-0,6 tấc. Cứu 5-10 phút.

Chú ý: Kết hợp với Tinh minh, Phong trì để chữa viêm thần kinh thị và đục nhân mắt mới phát.

DƯƠNG PHỤ

( Huyệt Kinh thuộc Hỏa)

Vị trí: – Ở trên mắt cá ngoài chân 4 tấc, phía trước xương mác (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên mắt cá ngoài chân 4 tấc, sát bờ trước xương mác.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ mác bên ngắn với bờ trước xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cơ-da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Đau cẳng chân, đau gối, đau hông, chuột rút chân, tràng nhạc, đau vùng hố trên đòn, đau họng, đau mắt, đau đầu.

     – Toàn thân: Đau các khớp toàn thân.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

HUYỀN CHUNG

( Huyệt Hội của Tủy, huyệt Lạc của 3 kinh Dương ở chân)

Vị trí: – Ở trên mắt cá ngoài chân 3 tấc, chỗ động mạch (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên mắt cá ngoài chân sát bờ trước xương mác, ấn vào thấy ê tức.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa cơ mác bên ngắn với bờ trước xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cơ-da. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng:
-Tại chỗ: Đau cẳng chân.

     – Theo kinh: Đau khớp gối, đau lưng, liệt nửa người, vẹo cổ, đau họng, chảy máu mũi.

     – Toàn thân: Nóng bụng, không muốn ăn, nhức trong xương.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

KHÂU KHƯ

( Huyệt Nguyên)

Vị trí: – Ở dưới mắt cá ngoài chân chỗ lõm ở khe xương phía trước mắt cá, cách huyệt Lâm khấp 3 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Bảo người bệnh nghiêng bàn chân vào trong, phía trước mắt cá ngoài hiện ra một chỗ lõm giữa hai huyệt Giải khê và Thân mạch, ấn vào ê tức.

Giải phẫu: Dưới da là cơ ruỗi ngắn các ngón chân, bờ sau ngoài cơ mác trước, khe khớp xương hộp-thuyền-chêm-3. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng:
– Tại chỗ và theo kinh: Sưng đau khớp cổ chân, đau cẳng chân, đau gối, đau hông, đau sườn ngực, vẹo cổ, mắt có màng.

     – Toàn thân: Chuột rút.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc, lách mũi kim vào khe khớp. Cứu 5-10 phút.

TÚC LÂM KHẤP

( Huyệt Du thuộc Mộc, huyệt giao hội với mạch Đới)

Vị trí: – Ở chỗ lõm sau đốt thứ nhất của ngón thứ 4 về phía ngón út, cách huyệt Hiệp khê 1,5 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trong khoảng gian đốt bàn chân 4 và 5, chỗ lõm sâu gân ruỗi ngón chân út của cơ ruỗi chung các ngón chân.

Giải phẫu: Dưới da là bờ ngoài gân ruỗi ngón 5 của cơ ruỗi chung các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đầu sau của các xương bàn chân 4 và 5. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: sưng đau bàn chân.

     – Theo kinh: Đau tức cạnh sườn, sưng vú, ổ gà ở nách, hoa mắt, đau mắt, đau đầu.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,5 tấc. Cứu 5-10 phút.

ĐỊA NGŨ HỘI

Vị trí: – Ở chỗ lõm sau đốt thứ nhất của ngón thứ 4 về phía ngón út cách huyệt Hiệp khê 1 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trong đoạn gian cốt xương bàn chân 4 và 5, chỗ lõm trước gân ruỗi ngón chân út của cơ ruỗi chung các ngón chân.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân ruỗi ngón 4 vàngón 5 của cơ ruỗi dài các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đầu trước của các xương bàn chân 4 và 5. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: sưng đau mu bàn chân.

     – Theo kinh: Đau sưng vú, sưng nách, đau mắt đỏ.

Cách châm cứu: Châm 0,3-0,4 tấc. Cứu 5-10 phút.

HIỆP KHÊ

( Huyệt Huỳnh thuộc Thủy)

Vị trí: – Ở khe xương của ngón chân út và ngón thứ 4, chỗ lõm trước khớp bàn chân (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Ép hai đầu ngón chân 4 và 5 vào nhau, huyệt ở đầu kẽ giữa 2 ngón chân phía mu chân.

Giải phẫu: Dưới da là khe giữa gân ruỗi ngón 4 và ngón 5 của cơ ruỗi dài các ngón chân, gân ruỗi ngón 4 của cơ ruỗi ngắn các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đốt một của các xương ngón chân 4 và 5. Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chày trước và nhánh của dây thần kinh chày sau. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng:
– Tại chỗ: sưng đau mu bàn chân.

     – Theo kinh: Đau ngực không quay trở được, sườn ngực đầy tức, đau hàm, đau mắt, hoa mắt, ù tai, điếc tai.

     – Toàn thân: Sốt không ra mồ hôi.

Cách châm cứu: Châm 0,2-0,3 tấc. Cứu 3-5 phút.

TÚC KHIẾU ÂM

( Huyệt Tỉnh thuộc Kim)

Vị trí: – Ở đầu ngón chân thứ 4 mé ngón út, cách góc móng chân bằng lá hẹ (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

– Lấy ở trên đường tiếp giáp da gan chân- mu chân phía ngoài ngón chân thứ 4, ngang với gốc của móng chân. Ngoài góc ngoài gốc móng chân thứ tư độ 0,2 tấc.

Giải phẫu: Dưới da là xương. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.

Tác dụng:
– Theo kinh: Đau sườn ngực, đau họng, đau đầu, đau mắt, tai điếc.

     – Toàn thân: Mất tiếng đột ngột, hay thấy ác mộng, sốt không có mồ hôi, chuột rút.

Cách châm cứu: Châm 0,1 tấc. Cứu 3-5 phút.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận