Suốt 1 tháng nay, chị Nguyễn Linh T. (27 tuổi; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) khá mệt mỏi vì liên tục bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang… “Khu nhà tôi ở hay bị triều cường nên rất ẩm ướt nhưng tính tôi kỹ, lúc nào cũng mang khẩu trang, khăn choàng khi ra ngoài, mặc ấm lúc trời mưa, chỉ có hai bàn chân là phải mang dép để còn… lội nước. Bảo vệ vùng cổ, mũi họng như thế vẫn chưa đủ chăng?” – chị T. đặt câu hỏi trên một diễn đàn sức khỏe.
Tại trời và cả tại mình
Chị Nguyễn Mỹ V. – một giáo viên tiểu học tại quận Bình Thạnh, TP HCM – bắt đầu kế hoạch tập thể dục vào sáng sớm khá nghiêm túc từ 3 tháng nay. “Tôi vừa bước sang tuổi 30, hiện làm một công việc ít cần đến vận động và đang dần cảm thấy cơ thể trì trệ hơn, không còn nhẹ nhàng như tuổi đôi mươi” – chị băn khoăn.
Mỗi sáng sớm, chị V. chạy bộ ra công viên nhỏ cách nhà 1 km, tập khoảng nửa giờ rồi lại chạy bộ về tắm rửa, chuẩn bị đi làm. Thế nhưng, xuất hiện song song với thói quen này là tình trạng nhức mỏi, nhức đầu thường xuyên. Chị có cảm giác sức đề kháng yếu đi, dễ bệnh vặt. Đến phòng khám, chị V. kể mỗi sáng chạy bộ về, người mướt mồ hôi là lao vào nhà tắm ngay. Chưa kể những hôm mưa, chị dầm mưa luôn cho mát vì nghĩ vừa tập thể dục xong coi như khởi động rồi, không sợ nhiễm lạnh. Nghe qua, vị bác sĩ (BS) liền bảo: “Hèn chi chị bệnh!”.
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, cho biết các trường hợp trên bị nhiễm nước, dẫn đến nhiều bệnh khác nhau. Nếu nhiễm nước nặng dẫn đến ngất xỉu, đột quỵ… thì người ta hay gọi là “trúng nước”. Trúng nước hay nhiễm nước thường gặp ở người đang đi ngoài nắng, đang đổ mồ hôi vì làm việc hay tập thể thao… khiến lỗ chân lông nở ra. Nếu bất ngờ gặp nước, như nước mưa hoặc trường hợp chị V. tập thể dục đang đổ mồ hôi đã vội vàng tắm, thấp khí của nước sẽ thấm vào cơ thể, gây ra các triệu chứng như ớn lạnh, nhức đầu, nhức mỏi cơ thể, tay chân nặng nề… Nếu để nhiễm nước thường xuyên, lâu ngày như giữ thói quen tắm ngay sau khi tập thể dục, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn và hệ miễn dịch suy yếu. Khi đó, họ lại càng dễ bị nhiễm nước, trúng nước và đổ bệnh nhanh hơn.
Phong hàn làm yếu “vệ khí”
BS Trần Phan Tiệp – Phòng Đông Y, Khoa Phục hồi chức năng, BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM – khuyên đừng nên để cơ thể rơi vào tình huống không bắt kịp sự thay đổi của môi trường. Ví dụ, nếu đang đi ngoài nắng, trời bất chợt mưa to thì nên tìm nơi tạm trú. Đang làm việc nặng hay tập thể thao, hãy tạm nghỉ ngơi một lúc rồi hãy tắm…
Ông Tiệp đặc biệt lưu ý các trường hợp nhiễm nước do mưa gió rất dễ bị cảm phong hàn. Phong hàn là một loại khí không tốt cho cơ thể, làm suy yếu “vệ khí”, tức chức năng phòng vệ của cơ thể, khiến cơ thể dễ bị nhiễm những vi khuẩn, virus, mầm bệnh từ bên ngoài.
BS Trần Thị Mỹ Hiệp – Khoa Đông y, Khối Phòng khám của BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM – lưu ý người lớn tuổi, người đang mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch… dễ gặp nguy hiểm hơn khi dầm mưa, lội nước ngập. Do đó, khi trời bất chợt đổ mưa thì nên tùy tình hình mà xử lý. Ví dụ, nếu đang ở trong nhà, BV, cơ quan… thì nên tạm ở lại để chờ trời tạnh. Nếu đang ở ngoài đường, có thể tìm chỗ trú mưa với điều kiện áo quần không quá ướt vì mặc quần áo ướt trong thời gian dài cũng nguy hiểm không kém. Trong trường hợp gặp lạnh mà đang ở ngoài đường, không có phương tiện để giữ ấm thì nên xoa mạnh 2 bàn tay vào nhau và áp lên 2 màng tang (vùng gần hai tai), sẽ có tác dụng làm toàn thân ấm lên đáng kể.
Để phòng những bệnh do nhiễm nước, trúng nước gây ra, BS Hiệp khuyên cách tốt nhất là sau khi đi mưa về nên thay ngay quần áo ướt, lau khô người, đừng vội tắm. Tắm nước lạnh tất nhiên là không hay mà tắm nước nóng ngay sau khi dầm nước lạnh sẽ gây ra tình trạng co mạch – giãn mạch nhanh, rất nguy hiểm với người đang có bệnh tim mạch. Cũng nên tránh bước vào phòng máy lạnh khi người đang thấm nước.
Bàn tay, bàn chân chứa nhiều huyệt đạo
Theo lương y Đinh Công Bảy, nhiều người khi đi mưa cố gắng mặc ấm, trùm áo mưa kỹ, chỉ có 2 bàn tay và 2 chân là phải “tắm mưa”, lội nước nhưng về nhà vẫn bệnh. Bởi lẽ, bàn tay, bàn chân là những vùng cơ thể quan trọng, có nhiều huyệt đạo. Tay, chân ướt lạnh lâu có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên cơ thể. Vì vậy, sau khi về đến nhà, nên cố gắng lau khô, giữ ấm các vùng cơ thể này càng nhanh càng tốt.
Trên thế giới từng có thí nghiệm với 2 chú gà, một bị ngâm chân trong nước qua đêm và một ở nơi khô ráo. Chú gà bị ngâm chân trong nước nhanh chóng nhiễm cúm sau đó bởi hệ miễn dịch bị suy yếu.
Nguồn Người lao động