Cửa sổ vàng cho phát triển chiều cao của trẻ là 1.000 ngày đầu đời, một tuổi phải cao gấp rưỡi chiều dài khi sinh, đến tuổi dậy thì tăng trưởng chậm lại và cơ thể ngừng lớn ở tuổi 23 (nữ) và 25 (nam).
Tạp chí Lancet xác định cửa sổ vàng cho phát triển chiều cao trong tương lai của một trẻ là 1.000 ngày đầu đời, nên tập trung chăm sóc bà mẹ ngay từ khi mang thai và 24 tháng đầu tiên với các can thiệp bằng chứng. Dinh dưỡng 1.000 ngày vàng đầu đời, tức là từ khi thụ thai cho đến 2 tuổi gồm: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ 2. Đây là giai đoạn cần can thiệp tích cực để sau này người trưởng thành đạt chiều cao theo tiềm năng di truyền. Nếu bỏ lỡ không chăm sóc tốt cho giai đoạn này thì không gì có thể bù đắp được.
Cụ thể, sự phát triển chiều dài của thai nhi rất sớm ngay từ những tuần đầu của bào thai. Chiều dài đạt cao nhất vào giai đoạn trước tuần thứ 15 của thai kỳ, trong khi đó cân nặng của bào thai đạt cao nhất vào tuần thứ 32 đến tuần thứ 34. Chiều dài của thai nhi có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với chiều cao đỉnh điểm có thể đạt tới lúc trưởng thành.
Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh. Chiều cao trẻ một tuổi gấp rưỡi chiều cao lúc mới đẻ. Ví dụ lúc mới sinh chiều dài của trẻ là 50 cm, đến một tuổi chiều dài 75 cm. Từ một đến 10 tuổi, mỗi năm trẻ tăng trung bình khoảng 5 cm. Đến thời kỳ tiền dậy thì, trẻ lớn rất nhanh. Tuổi tiền dậy thì của trẻ Việt Nam là 9-11 tuổi đối với nữ và 12-14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6 cm và trẻ nam là 7 cm.
Khi đến tuổi dậy thì (12-13 đối với nữ và 15-16 đối với nam) thì sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2 cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi, sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2 cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.
Theo phó giáo sư Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trẻ em ở bất cứ nơi đâu trên thế giới đều có khả năng phát triển toàn diện cả về tinh thần và đạt chiều cao nếu được nuôi dưỡng tối ưu. Các nhà khoa học đều cho rằng cải thiện các thực hành nuôi dưỡng trẻ trong 2 năm đầu đời phải là ưu tiên hàng đầu. Mục đích nhằm giảm tử vong trẻ em, bệnh tật và tăng cường phát triển thể lực và trí lực.
Trong đó, tất cả trẻ em cần được cho bú mẹ sớm (trong vòng một giờ đầu sau sinh) và cho bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Không cần cho trẻ ăn/uống thêm các loại đồ ăn/thức uống khác, kể cả nước trắng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và là văcxin tự nhiên đầu đời bảo vệ sự sống hiệu quả nhất. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng sữa bò (sữa công thức) là thủ phạm của nhiễm trùng, tiêu chảy và làm tăng tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ dưới một tuổi (IMR cao hơn 12 lần so với nhóm nuôi con bằng sữa mẹ).
Bắt đầu từ tháng thứ bảy, trẻ cần được ăn thêm đủ các thức ăn sệt và đặc đảm bảo chất lượng và tiếp tục cho bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để tiếp tục phát triển khỏe mạnh. Ở Việt Nam, trẻ thường được ăn dặm quá sớm và thường không đủ chất. Điều đó có nghĩa là trẻ không được ăn đúng và đủ các loại thực phẩm cần thiết (giàu sắt, đạm động vật, rau củ quả, sữa, ngũ cốc và dầu thực vật). Chỉ khoảng 52% trẻ dưới 2 tuổi được ăn bổ sung đúng cách. Luyện tập thể thao là cần thiết nhưng đó không phải là chìa khóa để nâng cao chiều cao.
Trước đó, cần giảm thiểu tình trạng thiếu năng lượng trường diễn ở các bà mẹ. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai cần ăn uống đa dạng, uống đủ các vi chất cần thiết và nghỉ ngơi hợp lý.
Theo VnExpress.net
Nguồn: giadinh.net.vn