GiadinhNet – Nền công nghiệp hóa chất đã tạo ra xà phòng công nghiệp dưới nhiều dạng như xà phòng dưỡng ẩm, xà phòng trắng da, xà phòng diệt khuẩn… Nhưng ngoài những tính năng ưu việt, các sản phẩm này cũng chứa những chất có thể gây hại sức khỏe.
Nguồn gốc của xà phòng
Trước công nguyên khoảng 3.000 năm, những người tiền sử sống ở thung lũng sông Nile nướng những tảng thịt thú ăn được trên lửa để tế thần. Mỡ nhỏ giọt trên đống tro tàn, khi nguội vón lại tạo thành những cục mềm màu xám xịt.
Trời mưa xuống, các cục đó tan trong nước, bọt ngầu lên. Xoa lên người, những vết bẩn bị rửa trôi. Từ đó, họ chủ động làm ra những cục như vậy mang xuống sông tắm rửa.
Thế kỷ đầu tiên sau công nguyên, những bánh xà phòng tốt nhất đã được sản xuất quy mô thủ công từ mỡ cừu và tro của gỗ sồi ở Savona, Địa Trung Hải và sản phẩm lấy luôn tên này cho… tiện.
Người dân lựa chọn sữa tắm tại một siêu thị ở TP HCM. Ảnh minh họa: NLD
Đến thế kỷ 18, xà phòng được sản xuất trên quy mô lớn. Lúc này người ta đã phát minh ra xút ăn da và biết chế tạo ra chất kiềm từ muối ăn để thay thế cho tro từ gỗ. Đồng thời cũng biết ép dầu từ các loại hạt và quả. Nhiều nhà máy ép dầu ra đời, thay thế mỡ động vật. Nguyên liệu phong phú và sẵn. Bí mật công nghệ cũng bị khám phá. Chẳng còn trở ngại nào ngăn được ngành sản xuất xà phòng đi lên.
Vào năm 1928, chất tẩy rửa tổng hợp đầu tiên đã ra đời ở Đức, đơn giản hóa việc sản xuất các chất làm sạch, mở đường cho ngày càng nhiều chất tẩy rửa mới ra đời. Vì lẽ đó xà phòng ngày nay được phân ra làm 2 loại: xà phòng gốc Soap và xà phòng gốc Detergent. Xà phòng sản xuất bằng nguyên liệu tự nhiên vẫn là một chất làm sạch an toàn và thân thiện với môi trường.
Xà phòng gốc Soap và xà phòng gốc Detergent khác nhau ra sao?
Về cơ bản xà phòng gốc Soap và gốc Detergent đều là những các chất làm sạch. Như đã nói ở trên, xà phòng gốc Soap đã có mặt từ hàng ngàn năm trước. Trải qua thời gian, soap biến thể dần dần để đáp ứng nhu cầu đa dạng của đời sống, nó có thể ở dạng bánh, dạng bột, hoặc dạng lỏng, ….
Nhưng ở dạng nào chăng nữa, xà phòng gốc soap vẫn là một thành phẩm của hỗn hợp muối natri (hoặc kali) của các acid béo (từ mỡ động vật hay dầu thực vật). Chính vì thế có thể nói rằng xà phòng gốc Soap là thành phẩm được sản xuất từ các yếu tố thiên nhiên.
Còn xà phòng gốc Detergent hay còn gọi là chất tẩy rửa tổng hợp đã thay thế dầu béo từ mỡ động vật (hoặc dầu thực vật) bằng nguyên liệu gốc dầu hỏa. Chúng có khả năng tẩy rửa vượt trội so với các chất truyền thống xưa nay chỉ biết dựa vào thiên nhiên. Xà phòng gốc Detergent còn được cho thêm các chất hoạt tính bề mặt tổng hợp và chất phụ gia. Mỗi chất phụ gia mang lại cho sản phẩm một tính năng nhất định nhưng lại kèm theo những tác dụng phụ.
Một số chất hoạt động bề mặt thường gặp trong chất tẩy rửa tổng hợp (hay detergent) là: sodium lauryl sulfate (SLS), sodium laureth sulfate (SLES), ammonium lauryl sulfate (ALS), Linear Alkylbenzene Sulphonate (LAS), và các phụ gia khác như Triclosan, Paraben, Methylisothiazolinone (MIT) và Methylchloroisothiazolinone (CMIT) (chất bảo quản hay chất kháng khuẩn), hương liệu tổng hợp (chất tạo mùi), propylene glycol (chất chống đông),… Ngoài công dụng chính, các chất kể trên có thể có tác dụng phụ có thể gây độc hại đến sức khỏe người sử dụng.
Nền công nghiệp hóa chất đã tạo ra xà phòng công nghiệp dưới nhiều dạng như xà phòng dưỡng ẩm, xà phòng trắng da và xà phòng diệt khuẩn. Nhưng ngoài những tính năng ưu việt, các sản phẩm này cũng chứa những chất có thể gây hại sức khỏe.
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa – Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) thì người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm xà phòng có những thành phần nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y Tế, tránh những sản phẩm không có trong danh mục bởi sẽ gây ra những nguy hiểm đến sức khỏe.
8 hóa chất độc hại tồn tại trong các sản phẩm xà phòng gốc detergent thường có trong sữa tắm:
1. Parabens/ Paraben: có thể làm rối loạn sự cân bằng nội tiết tố, viêm biểu bì da, có khả năng gây ra ung thư vú, các triệu chứng của sự mãn kinh và cả chứng loãng xương, hay giảm khả năng sinh sản ở nam.
2. Mineral oil: có thể khiến cho da giảm khả năng đào thải độc tố, có thể làm giảm chức năng phổi, gây nên một số dạng viêm phổi.
3. Propylene Glycol (PG)/ Butylene Glycol/ Ethylene Glycol: có thể làm suy giảm chức năng của các protein cấu trúc trong cơ thể.
4. Sodium Laurel Sulfate (SLS): có thể phá vỡ độ ẩm của da, gây khô da, lão hóa sớm và kích ứng da; có thể dễ dàng thâm nhập vào bề mặt da và có thể kết hợp với hóa chất khác để trở thành nitrosamine, một chất gây ung thư.
5. Propylene Glycol (PG)/ Butylene Glycol: có thể sẽ gây kích ứng làm da trở nên khô và bị lão hoá nhanh hơn.
6. DEA (Diethanolamine)/ MEA (Monoethanolamine)/ TEA (Triethanolamine): có thể gây kích ứng mạnh ở da, mắt và các bệnh về viêm da tiếp xúc. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng khả năng ung thư gan và thận. DEA đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
7. Phenoxyethanol: có thể gây nôn mửa và ỉa chảy ở trẻ nhỏ cũng như ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh.
8. Triclosan: bị EPA xếp vào loại thuốc diệt côn trùng, có thể gây ung thư ở người.
(Theo Huffingtonpost)
A.Quỳnh
Nguồn: giadinh.net.vn