GiadinhNet – Nhiệt độ cao khiến mồ hôi tiết ra nhiều dễ dẫn đến mất nước, gây cô đặc máu và dễ gây nên các biến chứng như tai biến mạch não, bệnh mạch vành…
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, con số huyết áp được khuyến cáo là nên đưa xuống dưới 140 mmHg với huyết áp tối đa và dưới 90 với huyết áp tối thiểu.
Cao huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong với các biến chứng thường gặp như nhồi máu cơ tim, suy tim, xuất huyết não, phù thận, suy thận…
Phần lớn các bệnh nhân có chẩn đoán cao huyết áp phải dùng thuốc suốt đời và theo dõi tại bệnh viện để duy trì huyết áp trong mức an toàn.
Các chuyên gia khuyến cáo, người bị cao huyết áp nên hạn chế làm việc dưới nhiệt độ cao. Ảnh minh họa
Theo các nghiên cứu, thời tiết nóng bức cũng ảnh hưởng tới huyết áp. Nhiệt độ cao khiến mồ hôi tiết ra nhiều dễ dẫn đến mất nước, gây cô đặc máu và dễ gây nên các biến chứng như tai biến mạch não, bệnh mạch vành…
Để hạn chế vấn đề này, TS.BS Vũ Quỳnh Nga – Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết: Khi thời tiết nắng nóng, người bị cao huyết áp không nên hoạt động nhiều ngoài trời, nhất là giữa trưa để đề phòng giãn mạch quá mức dẫn đến tụt huyết áp. Nên lao động lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn lúc đã tắt nắng. Không đột ngột từ phòng điều hòa bước ra ngoài trời nắng để tránh xảy tai biến mạch máu não.
Bên cạnh đó, nên uống nhiều nước và uống đều đặn để thúc đẩy quá trình trao đổi chất của cơ thể. Tốt nhất, nên uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày và uống rải đều trong ngày chứ không nên uống dồn vào một lúc.
Ngoài ra, hạn chế ăn muối, bột ngọt, các nước chấm mặn. Tránh thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, nhất là mỡ động vật. Tốt nhất là sử dụng thực phẩm hấp, luộc. Ăn nhiều rau quả xanh, trái cây để cung cấp chất xơ cho cơ thể.
Đồng thời, bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và tránh các chất kích thích như cà phê…
Theo TS.BS Vũ Quỳnh Nga, mùa hè nắng nóng, người bị cao huyết áp nên chọn những bài tập nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe. Có thể chọn đi bộ, đi xe đạp chậm, lên xuống cầu thang trong nhà, các bài tập dưỡng sinh, thái cực quyền… Tập đều đặn 30 phút mỗi ngày vào những lúc trời râm mát.
Để phòng, chống bị cao huyết áp, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thường xuyên đo huyết áp và thực hiện các biện pháp dự phòng như giảm cân nặng (nếu thừa cân); ăn uống hợp lý, không ăn nhiều chất béo bão hòa, không ăn mặn; tập thể dục đều đặn hằng ngày; hạn chế tối đa các chất kích thích và tránh lo âu, căng thẳng. Nếu thường xuyên có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt thì phải đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo TS.BS Vũ Quỳnh Nga, với phụ nữ mang thai, cần đặc biệt lưu ý huyết áp. Huyết áp ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ có thể hơi giảm do hiện tượng giãn mạch. Huyết áp sẽ tăng dần từ tuần thứ 24 do tăng lượng máu trong cơ thể để nuôi em bé. Vì vậy, trong 3 tháng đầu, huyết áp có thể không cao nhưng vẫn cần theo dõi huyết áp trong những lần khám thai sau. Nếu phát hiện tăng huyết áp phải cần điều trị sớm để tránh các biến chứng nặng như tiền sản giật, sản giật. Để hạn chế bị tăng huyết áp, thai phụ cần có chế độ sinh hoạt điều độc và ăn uống hợp lý như ăn nhạt muối, ít bột ngọt đồng thời đảm bảo ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng, xúc động.
Những thực phẩm làm giảm huyết áp cao
– Sữa chua: Theo nghiên cứu, những người thường xuyên ăn sữa chua có xu hướng giảm nguy cơ bị những bệnh nghiêm trọng như đột quỵ, đau tim, suy tim sung huyết, bệnh thận hoặc mù lòa.
– Nước dừa: giàu kali, chất điện giải và các dưỡng chất quan trọng khác. Đây là thực phẩm được biết đến là giảm đáng kể chỉ số huyết áp ở phần lớn những người uống.
– Trái cây giàu vitamin C
– Các axít béo omega-3 như có trong dầu cá có tác động đáng kể lên huyết áp. Ngoài ra, chúng cũng làm giảm hàm lượng chất béo trong máu.
– Tỏi: chứa allicin, một chất có thuộc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, làm giảm lipid và chống huyết áp cao.
– Hành: chứa quercetin, flavonol chống oxy hóa có tác dụng dự phòng bệnh tim và đột quỵ.
Mai Thùy/Báo Gia đình & Xã hội
Nguồn: giadinh.net.vn