Thông tin về việc tắm nắng trước 9 giờ sáng gây ung thư da đã khiến cho không ít bậc phụ huynh có con nhỏ hoang mang lo lắng và băn khoăn không biết có nên cho con tắm nắng để chữa còi xương nữa hay không. PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, người đưa ra thông tin gây sốc trong thời gian qua.
Dựa vào cơ sở khoa học nào để biết vì sao cách tắm nắng như hiện nay là không đúng, thưa bác sĩ?
– Ánh sáng mặt trời bao gồm 1500 bước sóng. Trong đó có tia cực tím – tia UV (còn có tên: Tia tử ngoại). Tia UV không nhìn thấy, không cảm nhận được nhưng có thể gây tổn thương cho da, cho mắt vào bất kỳ mùa nào trong năm, ngay cả những ngày trời mát, nhiều mây. Khi cơ thể tiếp xúc với quá nhiều tia UV.
Tia cực tím được chia ra 3 loại UV A, UV B, UV C có các bước sóng khác nhau, có các tính chất líý sinh khác nhau.
Trong 3 loại tia cực tím này thì chỉ có tia UVB là có tác dụng tạo vitamin D nó lại chỉ chiếm một lượng cực thấp, khoảng từ 1-3% tổng số bức xạ UV mặt trời chiếu xuống trái đất. Hơn nữa, tia UVB chỉ thâm nhập vào khí quyển khi mặt trời trên một góc 50 độ so với đường chân trời, tức là vào khoảng sau 9 giờ sáng và trước 3 giờ chiều. Khi mặt trời thấp hơn 50 độ, tầng ozone cản trở gần như hoàn toàn tia cực tím UVB. UVB không xuyên được qua quần áo, không xuyên qua được cửa kính. Không những vậy, ô nhiễm không khí, mây nhiều, mùa đông cũng làm giảm lượng UVB chiếu xuống trái đất.
Trong khi đó, tia UVA có tác dụng phá hủy vitamin D, là thủ phạm chính gây ung thư da, gây sẫm màu cho da, lão hóa da… lại chiếm 97 – 99% tia UV chiếu xuống trái đất, có bước sóng dài hơn UVB, dễ dàng xuyên qua tầng ozone, qua mây, qua quần áo, qua cửa kính. Còn lại tia UVC, rất may mắn là bị tầng ozone cản lại hoàn toàn, không chiếu xuống trái đất.
Với sự thật về tia cực tím UVA gây ung thư này, phải chăng chúng ta nên ngừng việc tắm nắng để bổ sung vitamin D cho trẻ hiện nay, thưa bác sĩ?
– Hiểu như vậy là vẫn không đúng. Tắm nắng đúng cách vẫn có thể tạo được vitamin D và nhờ thế sẽ chữa được bệnh còi xương, thiếu can xi ở trẻ. Không phải là không nên tắm nắng mà phải xác định tắm nắng vào thời gian nào để bổ sung được vitamin D mà không bị gây hại cho da và mắt. Như tôi đã nói ở trên, trong ánh nắng mặt trời chiếu xuống trái đất vào buổi sáng hoặc chiều tối, chủ yếu là tia UVA chứ không phải là UVB. Mục đích của tắm nắng là để cơ thể tạo vitamin D, chống còi xương, phòng chống một số bệnh tật. Nhưng tắm trước khoảng 9 giờ sáng, sau khoảng 3 giờ chiều thì da chúng ta không thể nhận được tia UVB để tạo vitamin D mà còn phơi mình vào sự nguy hiểm dưới tia UVA.
Vậy theo bác sĩ, tắm nắng thế nào để vừa bổ sung được vitamin D mà không bị tia cực tím gây hại?
– Chỉ tắm nắng khi độ dài bóng nắng cơ thể bạn ngắn hơn chiều cao của bạn. Tức là khoảng sau 9 giờ sáng cho đến trước 3 giờ chiều. Ở châu Âu, châu Mỹ tắm nắng vào buổi trưa. Những ngày đầu tiên mới tắm nắng, chỉ tắm nắng 3 -5 phút (đặc biệt khi đang giữa mùa hè) để cơ thể làm quen với ánh nắng. Các tế bào Melanocyte sẽ sản xuất các sắc tố tránh cho làn da tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng, để bảo vệ cơ thể. Khi cơ thể đã làm quen với ánh nắng, vào mùa hè chúng ta tắm nắng 5 -10 phút, vào mùa đông 15-20 phút. Giờ tắm nắng càng gần buổi trưa càng ngắn hơn. Đeo kính có khả năng chống tia UV, đội mũ rộng vành khi tắm nắng.
Quan sát màu da, khi thấy da ửng hồng là chúng ta đã tắm nắng đủ. Tránh ánh nắng chiếu vào khu vực mặt, xung quanh mắt vì làn da mỏng nhất trong cơ thể. Có thể bôi kem dưỡng ẩm lên vùng da chiếu nắng để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ thể tạo vitamin D.
Trong suốt những ngày không có ánh nắng, hoặc mùa đông, lựa chọn tốt nhất của chúng ta là không tắm nắng mà nên bổ sung vitamin D theo đường uống. Liều bổ sung không khác biệt nhiều với các lứa tuổi: từ 400 – 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày.
Mạc Vi (thực hiện)
Nguồn: giadinh.net.vn