Nếu có ý định tẩy tóc, nên biết điều này

Tẩy tóc không chỉ khiến tóc bị mất độ ẩm, xơ, dễ gãy rụng mà còn làm tổn thương đến cấu trúc da đầu.

Chạy theo xu hướng “thời thượng” với các loại “mốt” tóc sáng màu, nhiều người, nhất là giới trẻ đã không ngần ngại chấp nhận “ướp” hóa chất lên đầu, đặc biệt là hóa chất để tẩy tóc.

Tuy nhiên, tẩy tóc là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi người thợ phải có tay nghề nhất định như việc xác định thể trạng mái tóc, tỷ lệ trộn thuốc và tẩy trong thời gian bao lâu. Nếu không đảm bảo các yếu tố trên, việc tẩy tóc cũng sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Thực tế, không ít trường hợp đã trở thành “nạn nhân” của việc tẩy tóc. Đơn cử, trường hợp của bạn nữ có nick Facebook là K.N – người đã bị đau đầu, buồn nôn trong quá trình tẩy tóc. Sau đó, K.N còn bị nổi mẩn đỏ dị ứng trên mặt.

Theo chia sẻ của nick Facebook này, nguyên nhân dẫn đến “tai nạn” với mái tóc của cô là do thợ tẩy tóc đã “ngâm” hóa chất tẩy tóc trên đầu cô đến gần 2 tiếng đồng hồ khiến cô có cảm giác “tóc đứt từng sợi khỏi da đầu”.

Nếu tẩy tóc quá nhiều sẽ khiến tóc yếu, dễ đứt gãy và ảnh hưởng đến da đầu. Ảnh TL

Trao đổi với PV về tác hại của việc tẩy tóc, ThS.BS Vũ Thái Hà (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết: Khi dùng các hóa chất để tẩy tóc, các tế bào sắc tố có trong tóc sẽ bị các hóa chất này “tấn công” gây mất màu tóc vốn có ban đầu (chủ yếu làm suy giảm melanin – sắc tố quy định màu đen của tóc).

Không những thế, việc tẩy tóc sẽ dẫn đến việc suy giảm chức năng bảo vệ của tóc trước các tác nhân bên ngoài, nhất là ánh nắng mặt trời, khiến các sợi tóc bị mất độ ẩm, xơ, yếu và rất dễ gãy rụng. Chưa kể đến việc, tẩy tóc còn gây đau rát đối với những người có da đầu nhạy cảm hoặc có nguy cơ gây nên hiện tượng viêm da dị ứng nếu lượng thuốc tẩy ngấm sâu vào da đầu. Lâu dần, chúng có thể gây ung thư da cho người dùng.

Theo BS Vũ Thái Hà, với những người đã tẩy tóc, không nên tiếp tục dùng các hóa chất khác để tránh làm tóc bị hư tổn nặng, dẫn đến hiện tượng “tóc chết” hoặc chân tóc mới mọc lên cũng không còn giữ được màu đen như vốn có mà bị yếu và nhạt màu hơn bình thường.

Ngoài ra, chế độ chăm sóc mái tóc sau khi tẩy và nhuộm màu cũng cầu kỳ hơn so với tóc đen bình thường, tức là phải lựa chọn loại dầu gội đầu phù hợp với loại tóc tẩy; hạn chế tác dụng nhiệt lớn lên tóc vì rất dễ gây đứt, gãy; thường xuyên dưỡng tóc hoặc phục hồi tóc bằng các sản phẩm từ thiên nhiên… Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp các loại vitamin tốt cho tóc như Vitamin A kích thích sản xuất bã nhờn ở da đầu, vitamin E tốt cho máu lưu thông trong da đầu và vitamin B giúp tóc duy trì màu sắc khỏe mạnh…

Trong trường hợp có ý định tẩy tóc, cần lưu ý những điều sau để tránh gây hại cho mái tóc:

Tìm địa chỉ làm tóc uy tín với đội ngũ nhân viên có tay nghề: Đây được coi là bước quan trọng trong việc “chọn mặt gửi vàng”, bởi lẽ, dù mái tóc của bạn có khỏe đến đâu nhưng người thợ không chuyên nghiệp, tính toán sai khoảng thời gian để tóc “ăn” thuốc thì nguy cơ gây hại cho tóc rất cao.

– Xác định rõ thể trạng của mái tóc có phù hợp để tẩy tóc hay không: Chẳng hạn, người có mái tóc yếu, sợi mảnh, dễ gãy rụng nên cân nhắc trước khi dùng hóa chất để tẩy tóc. Việc bị “bào mòn” mạnh và thay đổi các sắc tố trong tóc đột ngột sẽ khiến sợi tóc vốn đã yếu càng bị yếu hơn.

– Không kết hợp nhiều công đoạn trong một lần làm tóc: Nếu đã tẩy tóc, nhuộm màu tóc mới, tốt nhất không nên tiếp tục can thiệp vào mái tóc ngay lúc đó. Ví dụ, tránh vừa tẩy, nhuộm kèm theo ép, uốn hoặc dập phồng tóc. Việc “hành hạ” dồn dập lên mái tóc cả về hóa chất lẫn nhiệt độ cao khiến tóc bị “quá tải”, gây nên tình trạng tóc dễ đứt gãy hơn.

Mai Thùy

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận