Lẩu thủy hải sản là món khoái khẩu, dễ ăn, không bị tăng cân… nhưng không cẩn thận là dễ bị đau bụng, thậm chí bị ngộ độc.
Ngày lạnh, với những buổi tiệc liên hoan bạn bè, gia đình… thì món lẩu hải sản vừa ngon, vừa nhẹ bụng, dễ tiêu, không bị béo, rất bổ dưỡng nên luôn được xếp đầu danh sách. Theo các chuyên gia ẩm thực, món này càng lạnh ăn càng ngon.
Tuy nhiên, vẫn có những rủi ro và kiêng kị nhất định. Một số người không nên ăn lẩu thủy, hải sản như:
– Phụ nữ mang thai ăn lẩu dễ làm tổn thương dạ dày và đường ruột. Ăn phải món nhúng chưa kỹ có thể dẫn đến các bệnh về ký sinh trùng như sán lá…
– Người bị bệnh gút, tiểu đường, cao huyết áp không nên ăn vì món nấm, hải sản… giàu dinh dưỡng, nhưng nhiều chất purine, cholesterol cao làm bệnh phát tác.
– Người bị đau dạ dày, tiêu hóa kém không nên ăn lẩu quá cay vì có thể dẫn đến tổn thương hệ tiêu hóa, dạ dày bị kích thích gây đau… Món lẩu luôn phải ăn sau khi nhúng nóng, cộng với gia vị cay, dễ dẫn tới viêm, loét, đau bụng lâm sàng, viêm tụy cấp tính thậm chí chảy máu dạ dày, thủng dạ dày…
– Người tỳ vị hư hàn, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng nát không nên ăn ngao (vì ngao mặn, tính lạnh)
Ngược lại người thể âm hư (gầy, hay hoa mắt chóng mặt, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và bàn chân nóng, miệng khô họng khát…) ăn lại rất tốt.
Với món hàu, sứa thì người sau khi bị bệnh phong, các bệnh da liễu cấp hoặc mạn tính, tỳ vị hư hàn cũng không nên ăn, nhưng lại rất tốt cho người bị hen suyễn, táo bón, viêm khớp, viêm loét đường tiêu hóa…
Ảnh minh họa.
Ăn thế nào để không sinh bệnh
Ăn lẩu thường hay có các loại thịt sống, cá sống, rau sống. Trong quá trình ăn uống dễ bị vi sinh vật gây bệnh và nhiễm trứng ký sinh trùng. Do đó, cần phải nấu sôi trong khi ăn để đạt được hiệu quả khử trùng.
– Không ăn khi thức ăn quá nóng để không bị tổn thương miệng và niêm mạc thực quản, dẫn đến loét miệng và thực quản, hoặc gây hại cho răng, nướu và gây ra đau răng dị ứng.
– Không nên ăn lẩu trong thời gian dài bởi sẽ làm cho dịch dạ dày, mật, dịch tụy và các tuyến tiêu hóa khác giữ tiết không bình thường dẫn đến rối loạn tiêu hóa, đau bụng và tiêu chảy.
– Nước dùng lẩu tốt nhất là vừa được chế biến xong. Nước lẩu không nên được sử dụng nhiều lần, càng không nên tái sử dụng nước lẩu để qua đêm.
– Không nên cho cùng lúc nhiều nguyên liệu vào nổi lẩu khi ăn và không để thực phẩm quá chín. Nếu bạn cho hải sản tươi vào nồi cùng các loại thịt sống, nội tạng động vật và các củ khoai có chứa tinh bột, nồi lẩu của bạn sẽ trở thành một món ăn hỗn tạp lẫn mùi vị. Hơn thế, bạn còn có nguy cơ mắc ký sinh trùng gây hại cho hệ tiêu hóa.
Kiêng kị dân gian
– Không ăn hải sản với hoa quả vì làm giảm đạm, calcium. Còn làm axít kết hợp với protein hải sản tạo thành chất lắng đọng khó tiêu, kích thích hệ tiêu hoá, dẫn đến tình trạng đau bụng, buồn nôn hoặc nôn mửa… Cũng không nên dùng vitamin C khi ăn các loại động vật giáp xác vì nó sẽ chuyển hoá thành chất khác có hại cho cơ thể. Muốn ăn hoa quả, nên ăn sau khi ăn hải sản 2 giờ.
– Không ăn tôm biển cùng với thịt dê. Sau khi ăn tôm không nên uống vitamin C.
– Không ăn nghêu, sò ốc, hến mà uống bia vì bia sẽ làm tồn đạm thừa trong cơ thể làm khớp cơ đau và sưng đỏ, người bị gout sẽ bị đau đột ngột.
– Bơi xong không nên uống bia với hải sản vì dễ thúc đẩy bệnh thống phong (bệnh gút) phát tác.
Và nhiều kiêng kị khác nữa trong dân gian, có cái đúng, có cái chưa có cơ sở để tin cậy. Nhưng thủy hải sản có nhiều chất đạm, ăn xong không nên ăn ngay hoa quả vì tiêu hoá chậm hơn so bình thường. Cũng không nên ăn nhiều hải sản cùng lúc, hay trong một ngày rất dễ bị đau bụng, tiêu chảy.
Ăn lẩu thủy, hải sản xong mà thấy đau bụng, chóng mặt thì nên gây nôn hoặc đến bệnh viện ngay mới có đủ giải pháp, phương tiện, thuốc men cấp cứu.
Ngọc Hà (th)
Nguồn: giadinh.net.vn