Nguy cơ bị ảo giác từ trò chơi Pokemon

Pokemon Go đang là trào lưu game “làm mưa, làm gió” tại Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia nhận định người chơi sẽ gặp nhiều nguy hiểm về an toàn cơ thể, cũng như sức khỏe sau này. Thậm chí, theo các chuyên gia y tế, người chơi có thể bị ảo giác, trầm cảm – một trong những biểu hiện ban đầu của bệnh tâm thần.
2 giờ sáng nhiều bạn trẻ vẫn lang thang ngoài đường để tìm bắt những con vật ảo.

2 giờ sáng vẫn lao ra đường bắt Pokemon

Pokemon GO mới ra mắt game thủ Việt Nam vào ngày 6/8 vừa qua nhưng đã ngay lập tức trở thành cơn sốt trong làng game với đông đảo giới trẻ tham gia.

Hà Nội những ngày này từ sáng sớm đến đêm khuya, đều có thể thấy hình ảnh của trò chơi Pokemon GO xuất hiện ở nhiều nơi. Tại các địa điểm như Hồ Gươm, Hồ Tây, Văn miếu Quốc Tử Giám… được các game thủ cho biết là những địa điểm tập trung nhiều Pokemon nhất tại Hà Nội. Dạo quanh Hồ Gươm chúng tôi bắt gặp hàng trăm bạn trẻ đi lại như người mộng du với chiếc smartphone trên tay. Mắt họ dán chặt vào màn hình, thậm chí nhiều bạn trẻ vừa điều khiển xe máy vừa tìm bắt Pokemon rất nguy hiểm. Khi PV tiếp cận họ đều xua tay: “Đang bận đi bắt Pokémon”.

Có mặt tại khu vực Văn miếu Quốc Tử Giám lúc 2 giờ sáng ngày 11/8, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh tượng nhộn nhịp như ban ngày, hàng trăm bạn trẻ đang tụ tập thành nhóm, thỉnh thoảng lại hét lên sung sướng vì tìm thấy Pokemon. Đến hỏi chuyện, một số bạn trẻ cho biết họ đã lùng bắt Pokemon suốt 3 ngày nay, có nhiều bạn đi từ trưa cho tới tận 2 -3 giờ sáng hôm sau.

Bạn Khánh Huy, 23 tuổi cho biết: “Em cùng với 3 người bạn nữa hẹn nhau bắt Pokemon từ hôm qua, đi từ đầu giờ tối hôm trước, trưa nay mới về. Bố, mẹ gọi điện mấy lần nhưng vì trò chơi hấp dẫn quá nên nói đang ở nhà bạn học thêm để không phải về, bị bố mẹ mắng cũng chấp nhận”.

Khi được hỏi tại sao lại đi bắt Pokemon giờ này? nhiều bạn cho biết giờ này đường thông hè thoáng, bắt Pokemon thoải mái mà không sợ tắc đường, tai nạn giao thông. Theo tìm hiểu, trong số hàng trăm người có mặt ở địa điểm trên đa phần là học sinh, sinh viên.

Không chỉ ngoài đời thực, ở trên các diễn đàn mạng xã hội, chủ đề về trò chơi Pokemon đang rất nóng. Ngoài những lời khen thì cũng có không ít những lời kêu ca, phàn nàn. Nhiều ông bố, bà mẹ tỏ ra ngán ngẩm vì con quá ham Pokemon. Trên Facebook của mình, chị Huyennam12… ca thán: “Con trai tôi đang học lớp 5 thôi, nhưng nó cứ suốt ngày đi bắt Pokemon khiến mình phát rầu. Từ bé, nó đã thích xem phim hoạt hình Pokemon, nên khi có game nó như là bị thôi miên vậy. Cách đây 2 hôm, nấu cơm xong không thấy con, vợ chồng tôi cuống lên đi tìm thì có số máy lạ gọi điện nói con mình bị đụng xe, phải nhờ mọi người xung quanh gọi điện thoại cho mẹ. Đến nơi, tá hỏa khi thấy con đang ngồi bẹp bên vệ đường, hỏi điện thoại đâu sao không gọi cho mẹ thì nó bảo bị giật mất rồi. Chân tay mặt mày thì xây xát do bị giật điện thoại ngã khi đang chúi đầu bắt Pokemon trên đường. Sau lần đó, cứ ngỡ là con đã “sáng mắt” ra, nhưng không ngờ con lại lén lấy điện thoại của ông bà nội chơi. Như tối hôm qua, tìm bắt Pokemon thế nào lại va đầu ngay vào cạnh tủ thờ, bị chảy máu. Pokemon mới xuất hiện mà đã mất của, loạn nhà rồi. Mình phải làm thế nào để giúp con cai Pokemon đây các mẹ? Ai có cách gì hay mách cho mình với”!!!

Nghiện Pokemon có thể bị tâm thần

Vừa chạy xe máy vừa tìm bắt Pokemon. Ảnh: Đình Việt
Vừa chạy xe máy vừa tìm bắt Pokemon. Ảnh: Đình Việt

Trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn – Hà Nội cho rằng: “Trò chơi mà phải đi ra đường mới thực hiện được thì sẽ gây ra nhiều phiền toái và rắc rối vô cùng, đó là việc mọi người tập trung vào điện thoại sẽ tạo cơ hội cho những kẻ cướp rất dễ ra tay. Ngoài ra, việc mọi người chơi trò này khi đang điều khiển xe, dừng dưới lòng đường… sẽ rất dễ gây tai nạn giao thông, điều này đối với giao thông Việt Nam thì càng dễ gặp phải. Đó là chưa kể việc xảy ra mất an ninh trật tự”.

Ngoài những vấn đề trên, ông Chất còn cho rằng, vấn đề tâm lý, sức khỏe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề: “Việc thức đến 1-2h đêm đi ở ngoài đường, dán mắt vào điện thoại sẽ gây căng thẳng, ức chế thần kinh, đó là chưa kể những ảnh hưởng đến mắt. Từ đó, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, suy nhược và làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc ngày hôm sau, còn đối với học sinh sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập”.

Bác sĩ La Đức Cương, GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cũng khuyến cáo, việc chơi và nghiện Pokemon Go cũng giống như nghiện bất cứ trò chơi trên mạng nào khác, nó sẽ mang lại ảo giác, cảm giác sống ảo và lâu dần sẽ xa rời cuộc sống đời thực, từ đó dẫn đến trầm cảm, đó là một biểu hiện của tâm thần.

Theo BS Cương, với những người nghiện game nói chung và nghiện trò chơi Pokemon Go khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt. Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.

Google kêu gọi người chơi Pokemon ngừng chỉnh bản đồ

Google Map Maker Việt Nam đã đăng lời kêu gọi người chơi Pokemon Go hãy dừng việc chỉnh sửa vị trí trên Google Maps để bảo vệ nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam mà nhiều người tâm huyết dày công gây dựng. Sau khi trò chơi Pokemon Go chính thức có mặt tại Việt Nam, đội ngũ kiểm duyệt bản đồ Google Map Maker Việt Nam đã phải làm việc với tần suất cao hơn nhiều lần bình thường. Nguyên nhân là do người chơi tự tạo nên các vị trí mới nhằm tăng số lượng PokeStop để nhận các vật phẩm miễn phí từ game Pokemon…

Đình Việt

Nguồn: giadinh.net.vn

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận