Rau muống là loại rau thông dụng được ưa thích trong bữa ăn hàng ngày của hầu hết gia đình Việt. Tuy nhiên, với các loại rau bị phun chất kích thích, thuốc trừ sâu, hay trồng ở những nơi ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Cần có kiến thức để phòng tránh điều này…
Nguy hại khi ăn sống
Gần đây, thông tin rau muống chẻ (rau muống bào) được một cơ sở chế biến tại TP HCM “nhuộm” phẩm màu dùng trong công nghiệp trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ khiến người tiêu dùng hoang mang. Bởi lẽ, rau muống là loại thực phẩm quen thuộc được nhiều người ưa thích trong bữa cơm hàng ngày. Trong khi đó, bằng mắt thường, người tiêu dùng rất khó có thể phân biệt đâu là rau muống sạch, đâu là rau muống đã “ngậm” hóa chất.
Bên cạnh nỗi lo về mức độ độc hại của rau bị ngâm hóa chất, nhiều người còn tỏ ra lo lắng về khả năng nhiễm giun sán gây hại từ món rau này khi ăn sống. Chị Trần Thị Thanh Trang (trú tại phố Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Ghé ăn bát bún riêu cua trước khi đến cơ quan mỗi sáng là thói quen nhiều năm nay của tôi. Để cho món ăn thêm ngon, tôi thường ăn kèm rất nhiều rau sống, trong đó có một ít rau muống được chẻ nhỏ. Thế nhưng, hai hôm nay, tôi không dám ăn nữa. Một vài chị bạn tôi còn nói, ăn nhiều rau muống chưa chín còn có nguy cơ nhiễm giun sán, nặng hơn là bị xơ gan. Nghe cũng thấy sợ…”.
Trao đổi với PV về vấn đề này, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, việc ăn rau muống chẻ hay bất cứ loại rau sống nào, nếu không được rửa thật sạch, nguy cơ nhiễm các loại ký sinh trùng là khá cao, nhất là đối với các loại rau thủy sinh, trồng ở trong môi trường nước ô nhiễm, không đảm bảo an toàn.
Theo đó, có những loại rau dễ bị nhiễm ký sinh trùng lên đến 100% như rau xà lách, cải xoong và tỷ lệ này ở rau muống là trên 92%. Trong đó, các ấu trùng giun như giun đũa, giun móc, giun kim có mặt ở hầu hết các loại rau với tỷ lệ khác nhau, nhiều nhất là trên cải xoong, xấp xỉ 100% và trên rau muống là khoảng 46%.
Ngoài ra, trong rau muống còn chứa một loại kí sinh trùng sán lá ruột lớn có tên khoa học là Fasciolopsis Buski. Đây là loại ký sinh trùng thường sống trên các loại rau thủy sinh. Khi xâm nhập vào cơ thể người thông qua con đường ăn uống, chúng có thể gây đau bụng, tiêu chảy hoặc mẩn ngứa, dị ứng đối với người dùng.
Các loại ký sinh trùng này thường “bám” rất sâu trong rau, nếu chỉ rửa rau bằng nước, nguy cơ sót lại là rất lớn. Chúng chỉ thực sự bị tiêu diệt khi được nấu chín dưới nhiệt độ cao. Do vậy, việc ăn rau muống chẻ hoặc rau chưa chín kỹ, khả năng nhiễm giun sán sẽ tăng lên rất nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Còn thông tin cho rằng, ăn nhiều rau muống chẻ nhiều sẽ có nguy cơ dẫn đến xơ gan, PGS.TS Lê Bạch Mai khẳng định: Hiện nay, Viện dinh dưỡng Quốc gia chưa có nghiên cứu nào chứng minh thông tin trên.
Lưu ý khi chọn rau muống
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, rau muống là loại rau thông dụng được ưa thích trong bữa ăn hàng ngày của hầu hết gia đình Việt với nhiều cách chế biến khác nhau như luộc, xào, nấu, nộm hoặc ăn ghém. Rau muống chứa nhiều vitamin, chất khoáng và chất xơ cung cấp cho cơ thể. Theo nghiên cứu, trong 100g rau muống có 1,9-3,2g protein; 100mg canxi; 7-28mg vitamin C; 37mg phôtpho, 1,4mg sắt… Chất lignin trong xơ rau muống có tác dụng nâng cao chức năng của các đại thực bào, do đó có thể phòng ngừa được ung thư trực tràng.
Theo các chuyên gia, rau muống ngon nhất là khi được trồng đúng vụ, tức là từ tháng 4 đến tháng 6. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo, nên chọn mua rau tại những cửa hàng rau uy tín, đảm bảo chất lượng.
Trong quá trình chế biến, cần rửa và ngâm rau thật kỹ để hạn chế nhiễm giun sán và tồn dư hóa chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Có thể rửa bằng nước muối hoặc dụng cụ khử độc thực phẩm chuyên dụng. Nên luộc chín trước khi ăn. Khi luộc rau, nếu thấy nước luộc có màu xanh đậm bất thường, rau ăn có vị chát cần lưu ý vì rau đó có khả năng nhiễm độc chì, người dùng nên cân nhắc trong việc có nên sử dụng nguồn rau đó tiếp hay không.
Những ai không nên ăn rau muống
Trong Đông y, rau muống có tính mát, vị ngọt, có tác dụng giải độc, sinh da thịt, nhuận tràng, lợi tiểu, hỗ trợ chữa khỏi chứng táo bón. Tuy nhiên, rau muống lại là món đặc biệt cần kiêng đối với những ai đang bị vết thương hở trên da bởi chúng kích thích sản sinh tế bào gây sẹo lồi trên da; những người bị đau, nhức khớp, bệnh gout, huyết áp cao hay những người bị suy nhược cơ thể, đang điều trị bệnh nội khoa, ngoại khoa cũng được khuyến cáo kiêng ăn rau muống.
Trong thực tế, bằng cảm quan không thể xác định được dư lượng thuốc BVTV trong nông sản, trừ khi loại hóa chất có đặc trưng hoặc tồn lưu ở mức cao. Tuy nhiên, bằng cảm quan có thể nhận biết một số điểm do phản ứng cây trồng với hóa chất để nhận biết sản phẩm được sản xuất theo quy trình không an toàn, lạm dụng hóa chất: Dựa vào màu sắc (sản phẩm có màu sắc đậm hơn so với thông thường); dựa vào hình dạng (sản phẩm to lớn bất thường hoặc có biểu hiện nhăn nhúm, dị dạng, bóng…); dựa vào mùi vị (không giống mùi đặc trưng của sản phẩm). Tuy nhiên, đây chỉ là kinh nghiệm, không phải là thước đo kết luận sản phẩm có dư lượng thuốc BVTV, hóa chất vượt mức cho phép hay không. Hiện nay, phương pháp test nhanh được các cơ quan quản lý sử dụng phổ biến để kiểm tra là bộ Testkit Thái Lan. Tuy nhiên, thời gian xét nghiệm còn dài (vài tiếng đồng hồ một mẫu sản phẩm) và chỉ dùng ở cơ quan quản lý hoặc những cơ sở sản xuất lớn, chưa thể phổ biến trong dân, vì giá thành thử mẫu cao và quy trình mất nhiều thời gian.
Việc ngâm rau quả trong nước muối, rửa dưới vòi nước nhiều lần là biện pháp bổ trợ rất tốt để thực phẩm an toàn hơn. Nếu ngâm rau, quả trong nước sạch, nước muối loãng hoặc dung dịch thuốc tím 1% hoặc nước rửa rau quả trong 25- 30 phút, sau đó rửa lại nhiều lần bằng nước sạch (nên để nước chảy liên tục) sẽ loại bỏ một phần các vi khuẩn gây bệnh, nấm mốc và thuốc BVTV bám trên bề mặt rau, quả. Chú ý, không nên ngâm rau, quả quá lâu vì các chất vitamin, dinh dưỡng có thể thẩm thấu qua màng tế bào tan trong nước. Khi nấu nên mở nắp nồi cho các loại hóa chất BVTV bay bớt vì đa số loại thuốc BVTV bị phân hủy một phần ở nhiệt độ cao. Đối với người tiêu dùng cũng có nhiều biện pháp để chọn rau quả an toàn như: Chọn mua sản phẩm ở các cửa hàng có công bố nguồn gốc sản phẩm, nơi sản xuất theo quy trình có kiểm soát; không mua những sản phẩm có hình dạng, màu sắc dị thường, khác thường; rửa rau, quả kỹ lưỡng trước khi dùng.
H.Hoa
Mai Thùy
Nguồn: giadinh.net.vn