Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết

Với Sốt xuất huyết cũng như với mọi bệnh truyền nhiễm, chẩn đoán chính xác kịp thời, và thu dung điều trị hợp lý là những yếu tố góp phần hạ thấp tỷ lệ tử vong.

  • Mọi bệnh nhân phải được người thầy thuốc phát hiện và điều trị từ sớm; cần mở rộng thu dung điều trị những trường hợp nhẹ tại cơ sở, những bệnh nhân nhẹ điều trị tại gia đình cũng cần được quản lý theo dõi.
  • Trong quá trình điều trị phải bám sát diễn biến của mọi bệnh nhân dù chỉ là Sốt xuất huyết độ 1 cũng không được xem nhẹ, cần phát hiện sớm những yếu tố đe dọa sốc, những dấu hiệu tiền sốc để kịp thời xử lý khi bệnh nhân chuyển độ; bám sát và quản lý bệnh nhân cho tới ít nhất 24-48 giờ sau khi hết sốt, hoặc sau khi ra khỏi sốc, trọng điểm là thời kỳ từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.
  • Phải coi trọng điều trị cơ chế triệu chứng và tăng sức đề kháng của bệnh nhân, trọng tâm phải bổ sung dịch thể bằng uống, truyền cho mọi bệnh nhân từ ngày đầu, dù bệnh nhân nặng hay nhẹ, có sốc hay không sốc, nhằm mục đích ngăn ngừa sốc từ khi chưa xuất hiện, hoặc xử lý sốc từ khi mới chớm nhẹ.
  • Hạn chế vận chuyển bệnh nhân Sốt xuất huyết; điều trị tại chỗ Sốt xuất huyết độ 1 nhất là khi có nhiều bệnh nhân trong vụ dịch lớn; điều trị Sốt xuất huyết độ 2 tại các bệnh xá , bệnh viện; điều trị sốc dengue (sốt xuất huyết độ 3-4) và các thể nặng khác (sốt xuất huyết thể não…) tại bệnh viện; khi cần chuyển bệnh nhân phải chuyển sớm, không chuyển đường xa, cần kết hợp cấp cứu dọc đường, khi khẩn cấp không chuyển tuần tự theo tuyến mà phải chuyển vượt tuyến đến thẳng ngay cơ sở được phân công.

Kinh nghiệm một số vụ dịch vừa qua cho thấy tỷ lệ bị sốc và tỷ lệ tử vong ở một số nơi tương đối cao là vì:

  • Nhiều bệnh nhân lúc đầu diễn biến nhẹ, chỉ là Sốt xuất huyết độ 1-2, nhưng không được thu dung điều trị bổ sung dịch sớm tại tuyến cơ sở ban đầu, lại chuyển ngay về tuyến sau, nên đã vào sốc dọc đường, vì dọc đường chuyển vận việc bổ sung dịch thể cũng như các biện pháp điều trị khác thường không đầy đủ.
  • Không ít trường hợp có chỉ định chuyển về bệnh viện tuyến sau, nhưng đã máy móc chuyển qua nhiều tuyến trung gian không có khả năng, khi về tới tuyến có khả năng thì bệnh đã quá nặng.

Tổ chức thu dung điều trị Sốt xuất huyết

  • Bậc thang thu dung điều trị:

a – Thể nhẹ bao gồm Sốt xuất huyết độ 1 và những trường hợp Sốt xuất huyết độ 2a chỉ có xuất huyết dưới da, không có xuất huyết phủ tạng:

+ Thu dung tại chỗ, hoặc tại bệnh xá cơ sở (đại đội, tiểu đoàn, cơ quan, xí nghiệp, công nông trường, xã, thôn, bản);

+ Trong vụ dịch: khi có nhiều bệnh nhân thì thu dung một phần tại chỗ (đơn vị hoặc gia đình), một phần tại bệnh xá cơ sở, và tuỳ theo dịch lớn nhỏ mà mở rộng bệnh xá (dùng thêm hội trường, trường học v.v…).

  • Trong vụ dịch, có thể phân loại chi tiết thêm:
  • Trường hợp Sốt xuất huyết độ 1 và Sốt xuất huyết độ 2a (chỉ có xuất huyết dưới da) mới sốt 1-2 ngày, sốt dưới 3sp: thu dung tại chỗ (tại đơn vị hoặc tại gia đình).

+ Sốt đã kéo dài 3-4 ngày, sốt từ 39° trở lên: thu dung tại bệnh xá.

b – Thể trung bình (bao gồm những trường hợp Sốt xuất huyết độ 2b có xuất huyết phủ tạng nhẹ); thu dung tại các bệnh xá, đội điều trị, hoặc bệnh viện, tuỳ theo vị trí gần nhất của cơ sở điều trị, và tuỳ theo vụ dịch có nhiều hay ít bệnh nhân.

c – Thể nặng và rất nặng bao gồm Sốt xuất huyết độ 3-4 (sốc dengue), Sốt xuất huyết 2b có xuất huyết phủ tạng nặng; Sốt xuất huyết thể não, Sốt xuất huyết thể suy gan cấp: thu dung tại bệnh viện; trường hợp đường chuyển vận quá xa và tình trạng bệnh nhân không cho phép thì chuyển ngay tới một cơ sở điều trị gần nhất, để cấp cứu được sớm, rồi sau sẽ quyết định mời tuyến sau tới tăng cường; hoặc chuyển thẳng về tuyến có khả năng không qua các tuyến trung gian, nhưng dọc đường phải xử trí.

Với Sốt xuất huyết độ 3 (sốc nông): hạn chế chuyển, không chuyển đi xa đường dài.

Với Sốt xuất huyết độ 4 (sốc sâu): không chuyển, và mời tuyến sau tới.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận