Khi trẻ đã được chẩn đoán mắc tay chân miệng, nếu có biểu hiện sốt cao liên tục không giảm, giật mình, bứt rứt khó ngủ, chới với, run và yếu hay liệt các chi hay hôn mê thì phụ huynh cần đưa đi bệnh viện ngay.
Tháng 3-5 là đợt “đỉnh dịch” tay chân miệng (TCM) thứ nhất trong năm (“đỉnh dịch” thứ hai khoảng tháng 9-11) và hiện số ca bệnh đang có xu hướng tăng. Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh TCM gia tăng mạnh trong tháng 4/2017 vừa qua với 4.515 ca mắc, trong khi tổng 3 tháng đầu năm chỉ ghi nhận hơn 6.200 ca mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân mắc bệnh TCM trong cả nước cũng đã tăng hơn 26%.
Trẻ bị tay chân miệng: Khi nào nên nhập viện?
Bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính Enterovirus 71 và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa nên các yếu tố sinh hoạt tập thể khiến bệnh dễ lây lan mạnh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết: “Bệnh TCM giai đoạn đầu dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm họng, viêm màng não hay sốt siêu vi do có cùng triệu chứng sốt. Vì vậy, người nhà cần lưu ý chăm sóc, quan sát trẻ với các dấu hiệu khác như nổi bóng nước, quấy khóc… thì dễ nhận biết là bệnh TCM.
Các bóng nước này có kích thước từ 2-10mm, hình bầu dục, xuất hiện ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay/chân, mông, gối, ấn thường không đau. Ngoài ra, trong miệng trẻ có những vết đỏ, vết lở miệng ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi gây đau, chảy nhiều nước miếng, từ đó dẫn đến quấy khóc, bỏ ăn”.
Bệnh TCM đa phần là lành tính và tự khỏi sau 3-5 ngày mà không cần điều trị đặc hiệu nhưng nếu bệnh do tác nhân Enterovirus 71, một số trẻ có thể gặp biến chứng tim mạch hô hấp, thần kinh rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não.
Theo BS Trương Hữu Khanh, thường các trường hợp nặng do người nhà lơ là, chủ quan cho trẻ đến khám và nhập viện trễ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu lở miệng, sốt nhẹ, người nhà đã bỏ qua, cho tới khi bệnh chuyển biến nặng hơn và diễn tiến quá nhanh thì mới nhập viện trong tình trạng nặng.
“Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý với trường hợp trẻ sốt cao liên tục ≥ 39ºC kéo dài trên 2 ngày, khó hạ sốt, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều, thở mệt, thở yếu. Với trẻ có tình trạng giật mình, bứt rứt khó ngủ, chới với, run và yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê… nhất là ở trẻ đã được chẩn đoán mắc TCM, nếu trong 30 phút mà bị giật mình tới 2-3 lần thì cần đưa đi bệnh viện ngay. Đây là những triệu chứng nhận biết nguy cơ biến chứng của bệnh TCM và nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ” – BS Khanh khuyến cáo.
Chế độ dinh dưỡng, vệ sinh cho trẻ bị tay chân miệng
Một số phụ huynh hay có suy nghĩ không đúng là trẻ mắc TCM phải kiêng rất nhiều thứ, kể cả tắm rửa. Thật ra, nếu kiêng như vậy sẽ làm cho trẻ khó chịu hơn vì bị ngứa và có thể gây nên nhiễm trùng da. Do đó khi trẻ mắc bệnh, cần phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ, mặc thoáng mát.
Ngoài ra, cha mẹ nên tắm rửa cho trẻ với nước ấm và xà phòng, khi tắm phải nhẹ nhàng để tránh những tổn thương. Trong thực tế thì ít khi bóng nước bị vỡ khi chúng ta chăm sóc đúng cách.
Trong trường hợp bóng nước bị vỡ thì phải vệ sinh bằng nước sạch với xà bông hoặc nước muối sinh lý. Sau đó thoa dung dịch sát khuẩn như Milian để tránh nhiễm trùng. Những nốt hồng ban, bóng nước thường không gây ngứa, sau một thời gian sẽ khô đi, thâm lại và không để lại sẹo.
Riêng chế độ dinh dưỡng, cũng không cần quá kiêng khem. Do những vết loét trong miệng thường làm trẻ đau, dẫn đến bỏ ăn, bỏ bú nên thời gian này chúng ta nên cho bé ăn các thức ăn mịn, mềm, lỏng và dễ tiêu.
Nên chọn các thức ăn mà ngày thường trẻ thích. Tránh các thức ăn nóng, mặn, cay, chứa nhiều gia vị, không nên dùng thức ăn khi còn quá nóng sẽ gây đau cho trẻ. Bên cạnh đó, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nhất là nước trái cây có chứa nhiều vitamin giúp tăng sức đề kháng.
Ngoài ra, vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ giúp trẻ ăn uống, sinh hoạt tốt hơn. Cha mẹ có thể cho trẻ súc miệng hoặc rơ miệng bằng nước muối sinh lý. Tốt nhất, không sử dụng các thuốc rơ miệng không rõ nguồn gốc để tránh làm tổn hại cho trẻ. Khi trẻ sốt cao, đau đớn có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt, giảm đau.
Bệnh tay chân miệng có tái phát?
Ngoài hai chủng virus gây bệnh TCM phổ biến ở trẻ em Việt Nam hiện nay là EV71 và Coxsackie A16 còn có hơn 10 chủng khác thuộc nhóm virus đường ruột (còn gọi là Enterovirus) có thể gây bệnh TCM cho trẻ. Do đó, bệnh có có thể tái phát nhiều lần. Trẻ vẫn có miễn dịch với loại virus đã mắc trước đó, nhưng loại virus mới mắc có thể chưa có miễn dịch. Vì vậy, vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh liên tục cho trẻ, không nên lơ là.