[Phác đồ] Châm cứu chữa Hội chứng cổ vai cánh tay

Châm cứu chữa Hội chứng cổ vai cánh tay

Đại cương

Y học hiện đại:

Hội chứng cổ – vai – cánh tay là hội chứng đau do chèn ép của đĩa đệm cột sống cổ từ C5 – C7, có đặc điểm là đau và rối loạn cảm giác, khởi phát từ cột sống cổ lan tới chi trên mang tính chất phân bố thần kinh theo dải, có kèm theo các triệu chứng của hội chứng cổ cục bộ. Trường hợp có chèn ép nhiều thì bị giảm cảm giác nông (cảm giác tê bì) theo dải da, còn phần lớn khi các nhánh, rễ thần kinh bị kích thích lại thấy biểu hiện vùng dải da tăng cảm giác nông, bệnh nhân có cảm giác căng và sưng bàn tay, thường kèm theo tím tái đầu chi và lạnh bàn tay do có tổn thương thần kinh giao cảm. Có hạn chế vận động vai nhưng không phải là do viêm quanh khớp bả vai – cánh tay. Teo cơ thường phát hiện thấy ở khu vực trên vai, cơ delta, các cơ thuộc khu vực cẳng tay, cánh tay, có khi ở cả bàn tay, tuỳ theo phạm vi và mức độ tổn thương.

Y học cổ truyền:

Hội chứng cổ vai tay là 1 hội chứng thường gặp trên lâm sàng, cần chẩn đoán và tìm nguyên nhân để điều trị sớm. Kết hợp châm cứu và các biện pháp Y học cổ truyền với YHHĐ để có kết quả cao.

Hội chứng cổ vai cánh tay thuộc phạm vi chứng tý của Y học cổ truyền.

Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh

Do chức năng can thận suy, do tuổi tác, do lao động cực nhọc, do ăn uống không đầy đủ, sinh hoạt không điều độ làm cho chức năng can thận suy yếu. Thận chủ cốt tủy, thận suy yếu làm cho cốt tủy không được nuôi dưỡng tốt.

Lục dâm: phong hàn thấp thừa lúc cơ thể suy yếu xâm nhập vào các kinh Bàng quang, Đởm, Tam tiêu, Tiểu trường….làm cho khí huyết không lưu thông tốt gây ra đau mỏi kèm theo tê.

Do mang vác nặng, sai tư thế, vận động đột ngột quá mức của cột sống cổ gây huyết ứ khí trệ sinh đau.

Các thể lâm sàng và phương pháp điều trị bằng châm cứu:

Thể phong hàn: (Do lạnh)

Triệu chứng:

Đau vùng cổ, gáy lan lên vùng chẩm và xuống vai và cánh tay. Đau tăng về đêm, khi gặp lạnh, đau có tính chất cơ học, đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ; đau giảm khi nghỉ ngơi, khi kéo giãn cột sống cổ…. Tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay. Toàn thân sợ gió, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Chẩn đoán: Biểu thực hàn

Pháp điều trị : Khu phong, tán hàn, thông kinh hoạt lạc

Phương châm cứu:

Châm tả: A thị huyệt, Phong trì, Phong môn, Kiên ngung, Kiên tỉnh, Thiên tông, Khúc trì, Hợp cốc…

Cứu: phong trì, Phong môn

Liệu trình: 25-30 phút/lần/ngày.

Thể phong hàn thấp + Can thận hư: (do thoái hóa cột sống)

Triệu chứng:

Đau vùng gáy âm ỉ tăng từng cơn nhất là về đêm, lan lên vùng chẩm và xuống vai và cánh tay. Đau có tính chất cơ học, đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ; đau giảm khi nghỉ ngơi, khi kéo giãn cột sống cổ, đau nhiều khi trời lạnh, chườm nóng dễ chịu, cơ vùng cổ vai gáy co cứng ít, vận động cổ hạn chế. Có thể kèm theo tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay.

Nếu can thận âm hư: đau lưng, mỏi gối, ù tai, đau đầu, chóng mặt, tiểu vàng, đại tiện táo, lưỡi khô, rêu vàng, mạch trầm tế.

Nếu thận dương hư: Đau lưng, mỏi gối, ù tai, đái đêm, ngủ ít, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu tráng mỏng, mạch trầm nhược.

Chẩn đoán: Biểu thực/ Lý hư

Pháp điều trị:

Khu phong, tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc, bổ can thận (nếu can thận âm hư)

Khu phong tán hàn, thông kinh lạc, ôn bổ thận dương

Phương châm cứu:

Châm tả: A thị huyệt, Phong trì, Giáp tích cổ, Phong môn, Kiên ngung, Kiên tỉnh, Thiên tông, Khúc trì, Hợp cốc.

Châm bổ: Can du, Tam âm giao (can thận âm hư).

Thận du, Mệnh môn (Thận dương hư)

Liệu trình: 25-30 phút/lần/ngày.

Huyết ứ, khí trệ ở kinh lạc: (do chấn thương)

Triệu chứng:

Sau khi ngủ gối đầu cao dậy hoặc sau khi lao động, sau bị đánh, bị ngã, sau xách nặng, sau 1 động tác vận đông cổ mạnh đột ngột thấy vai gáy đau, vận động cổ khó, cơ vùng cổ co cứng lan lên vùng chẩm và xuống vai và cánh tay. Đau có tính chất cơ học, đau tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, khi ho, hắt hơi, khi vận động cột sống cổ; đau giảm khi nghỉ ngơi, khi kéo giãn cột sống cổ, Có thể kèm theo tê một vùng ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay.

Chẩn đoán bát cương: Biểu thực

Pháp điều trị: Hoạt huyết, hành khí thông kinh lạc

Phương châm cứu:

+ Châm tả: A thị huyệt, Phong trì, Phong môn, Kiên ngung, Kiên tỉnh, Thiên tông, Khúc trì, Hợp cốc, Cách du, Huyết hải.

Liệu trình: 25-30 phút/lần/ngày.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận