XỬ TRÍ SẨY THAI ĐANG TIẾN TRIỂN
I. Định nghĩa
Sẩy thai đang tiến triển là một tình trạng thai dưới 20 tuần, cổ tử cung dãn rộng, ra huyết nhiều, phần thai hoặc nhau đang tống xuất qua cổ tử cung.
II. Chẩn đoán
1. Triệu chứng cơ năng
Trễ kinh, đau bụng, ra huyết âm đạo.
2. Triệu chứng thực thể
– Đánh giá tổng trạng, suy hiệu, lượng máu mất.
– Xác định tư thế tử cung. Xác định tuổi thai.
– Đánh giá tình trạng sẩy thai: độ mở CTC, huyết âm đạo, gò TC.
3. Cận lâm sàng
– Xét nghiệm nước tiểu: QS (+). Siêu âm nếu cần.
III. Xử trí
1. Tư vấn
– Tư vấn trước và sau hút thai.
– Tư vấn các biện pháp tránh thai sau hút thai.
– Tư vấn khả năng sinh sản sau thủ thuật.
+ Thời gian có thể mang thai lại là 10 – 14 ngày sau hút thai.
+ Nên có thai lại ít nhất 3-6 tháng sau sẩy thai.
+ Khách hàng được giải thích rõ ràng các nguy cơ của hút thai và tự nguyện ký tên vào tờ cam kết hút thai theo yêu cầu.
+ Uống thuốc giảm đau trước khi làm thủ thuật đối với những trường hợp vô cảm bằng tê cạnh cổ TC (Paracetamol 1g hoặc Ibuprofen 400mg uống 30 phút trước khi làm thủ thuật).
2. Quy trình kỹ thuật
– Sát trùng âm hộ (kềm I).
– Sát trùng âm đạo, CTC (Kềm II).
– Gây tê mép trước CTC (Vị trí 12g với 1ml Lidocain 1%).
– Kẹp CTC bằng kềm Pozzi.
– Gây tê cạnh CTC với 4ml Lidocain 1% ở vị trí 4 hoặc 5g và 7 hoặc 8g.
– Nong CTC bằng ống hút nhựa (nếu trường hợp khó có thể sử dụng bộ nong bằng kim loại Hégar hay Pratt). Tuy nhiên CTC thường mở và không phải nong trong những trường hợp sẩy thai đang tiến triển.
– Chọn ống hút thích hợp với tuổi thai.
– Hút thai (bằng bơm hút chân không bằng tay hay bơm điện), đánh giá hút sạch buồng tử cung
– Mở kềm Pozzi, lau sạch CTC và âm đạo.
– Kiểm tra mô và tổ chức sau hút thai.
– Chuyển khách hàng sang buồng hồi phục.
3. Theo dõi sau thủ thuật
– Theo dõi sinh hiệu, huyết âm đạo, đau bụng dưới.
– Hướng dẫn sử dụng toa thuốc và cách chăm sóc sau thủ thuật.
– Hẹn ngày tái khám và các dấu hiệu bất thường cần tái khám ngay.
– Hướng dẫn ngừa thai tránh mang thai ngoài ý muốn.