[Chứng trạng] Phân tích và điều trị Chứng thai hàn

Chứng thai hàn là tên gọi chung cho những chứng hậu ở người có thai thể trạng vốn dương khí bất túc, âm hàn thịnh ở trong, sau khi mang thai không được nuôi dưỡng ấm áp gây nên thai động không yên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là nuốt nước chua, mửa ra nước chua hoặc buồn nôn, trướng bụng ỉa chảy, thai động không yên, lưng bụng lạnh đau rêu lưỡi trắng mỏng, mạch tượng Trầm Trì.

Chứng thai hàn thường gặp trong các bệnh Thai động không yên, Nhâm thần thai bất trưởng, Tiểu sản, Bán sản, Hoạt thai…

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận khí hư, chứng Nhâm thần hàn trúng Thiếu âm chứng.

Phân tích

– Chứng Thai hàn là một chứng hậu chỉ gặp trong thời kỳ mang thai. Chứng này nếu xuất hiện lúc thai động không yên, biểu hiện lâm sàng như mục Phụ nhân qui sách Cảnh Nhạc toàn thư viết: “Thai khí bị hàn mà không được yên, chứng trạng hoặc là nuốt nước chua mửa nước chua, hoặc là nôn mửa trướng đầy, hoặc là ưa nóng sợ mát, hoặc là bên dưới bị lạnh đi ỉa lỏng, mạch phần nhiều Trầm Tế, hoặc là chứng không có hỏa mà thai động không yên”, đó là do thể trạng vốn dương hư, hàn từ trong sinh ra, sau khi có thai mất sự nuôi dưỡng ấm áp gây nên; Điều trị nên ôn dương tán hàn an thai, cho dùng bài Lý âm tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư).

– Chứng Thai hàn xuất hiện trong thời điểm mang thai phát triển không tốt, đặc trưng lâm sàng là mang thai được vài tháng, tử cung to lên rõ rệt hoặc nhỏ hơn với số tháng thụ thai, sự lớn nhỏ của thai nhi không phù hợp với tháng thụ thai, mặt khác còn kiêm các chứng trạng cơ thể lạnh, tay chân lạnh, bụng dưới và vùng lưng lạnh đau, gặp ấm thì đỡ, đầu các ngón tay chân không ấm, hoặc nôn mửa ra rãi trong, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mà trơn, mạch Trầm Trì; Đây là do hạ nguyên bất túc, mạch Xung Nhâm bị hư hàn, hoặc ăn quá nhiều đồ sống lạnh khắc phạt dương khí, dương suy âm thịnh, huyết lạnh, bào cung lạnh đến nỗi “Một mình âm thì không lớn được” (độc âm bất trưởng),điều trị nên ôn dương tán hàn, dưỡng huyết trợ thai, cho uống bài Trưởng thai bạch truật tán (Diệp thị nữ khoa chứng trị).

– Chứng thai hàn xuất hiện trong các trường hợp đọa thai, tiểu sản, bán sản, hoạt thai, lâm sàng thường thấy biểu hiện thai động không yên trước tiên, tiếp sau đó mới đọa thai; mục Phụ nhân khoa sách Minh y chỉ trưởng viết: cho dù thụ thai, nhưng bào môn Tử hộ bị hư hàn thì thụ thai không chắc chắn… nhẹ thì thai động không yên, nặng thì ba – năm – bẩy tháng bị đọa”. Đọa thai, Tiểu sản, Bán sản đều thuộc loại có thai ngày tháng tuổi bất túc, thai đọa tụt ra,nguyên nhân thời gian đọa thai không giống nhau, cho nên tên bệnh cũng khác nhau. Mục An thai sách Diệp thị nữ khoa – chứng trị viết: “Thụ thai 3 tháng, chưa hình thành mà thai đã ra là đọa thai – có thai 5 tháng mà bị đọa thai là Tiểu sản. Bẩy tháng mà bị đọa thai là Bán sản”. Nếu có thai nhiều lần cũng bị đọa nhiều lần, nghĩa là quá ba lần trở lên gọi là Hoạt thai. Đặc điểm lâm sàng thường là “Đúng kỳ mà đọa”, điều trị nên ôn dương làm bền từ gốc, cho uống bài Bổ Thận cố xung hoàn (Trung y học tân biên).

Chứng thai hàn thường do dương hư hàn từ bên trong ảnh hưởng tới sự vận hành của khí huyết hoặc có kiêm các chứng đình ẩm, tích ẩm làm nghẽn trệ khí cơ. Nếu Hàn với khí cùng chọi nhau mà nghịch lên thì là chứng hậu thai hàn khí nghịch có thể dẫn đến chứng Tử huyền; Sánh Nữ khoa chỉ trưởng viết: Chứng Tử huyền… do vốn có hàn khí đến nỗi làm cho đình ẩm bị hàn tác động tranh dành với khí, cho nên chứng trạng Tâm phúc trướng đầy”, chủ yếu có thể gặp các chứng trạng ngực bụng trướng đầy, bụng dưới lạnh đau, sợ lạnh ưa ấm, chân tay không ấm v.v…

Chẩn đoán phân biệt

– Chứng Thận khí hư với chứng Thai hàn: gốc bệnh của chứng là ở Thận; Khí thuộc Dương, vì thế chứng Thận dương hư thường do chứng Thận khí hư phát triển nên, do đó biểu hiện lâm sàng của hai loại này gần giống nhau. Nhưng chứng Thai hàn ngoài những chứng trạng có thể gặp của chứng Thận khí hư như váng đầu ù tai, lưng gối yếu mỏi, thai động không yên, bụng dưới sa trệ, tiểu tiện vặt nhất là đêm đi tiểu nhiều lần, nên có cả đặc trưng âm hàn nội thịnh như bụng lạnh đau, ỉa chảy trướng bụng mạch Trầm Trì. Điểm phân biệt chủ yếu là: Chứng Thai hàn tất phải có hiện tượng Hàn, chứng Thận khí hư thì hiện tượng hàn không rõ lắm. Chứng Thận khí hư điều trị nên ích Thận bổ hư, thường dùng bài Thọ thai hoàn (Y học trung trung tham tây lục). Chứng Thai hàn điều trị nên ôn dương tán hàn, phần nhiều dùng Lý âm tiễn.

– Chứng có thai hàn trúng Thiếu âm với chứng Thai hàn: Cả hai đều ở trong thời kỳ đang mang thai, vì Bào cung bị hàn lạnh dẫn đến thai nguyên không yên; Nhưng loại trên là phong hàn từ ngoài mà vào xâm nhập Thiếu âm Thận kinh, đặc điểm lâm sàng như mục An thai sách Diệp thị nữ khoa chứng trị viết: “Đang tháng có thai, đột ngột cảm phong tà của Thiếu âm, sợ lạnh nằm co, chân tay quyết lạnh”. Loại sau là do Thận dương bất túc hoặc dùng thức sống lạnh khắc phạt dương khí, hàn từ trong sinh ra, cũng không có bệnh sử về cảm mạo phong hàn, biểu hiện lâm sàng là bụng dưới và vùng lưng lạnh đau, đầu ngón tay chân không ấm, đồng thời có kiêm chứng nuốt chua, nôn ọe trướng bụng, ỉa chảy v.v.. có thể phân biệt.

Trích dẫn y văn

– Thai khí bị lạnh mà không yên… cũng nên xem xét tới bình thường Tạng khí vốn như thế nào (Phụ nhân qui – Cảnh Nhạc toàn thư).

– Câu hỏi thứ năm: Thai lạnh bụng trướng hai bên sườn có tiếng sôi nhẹ. Dưới rốn lạnh đau muốn đi lỏng, tiểu tiện nhiều lần, đại tiện hư hoạt là tại sao ? Trả lời: Thai khí đã hình thành, đã ra hình dáng đứa trẻ, hoặc là ăn dưa quả ngọt bùi, có lúc lại uống lạnh, hóng gió lấy mát, nhiễm cái khí không bình thường làm cho cái thai, đứa trẻ không yên nơi chốn, đầu lông tóc, co cứng gân xương, chân tay giật, đến nỗi người mẹ bị chứng nguy hiểm, phải uống ngay An thai hòa khí tán (Phụ nhân môn – Trùng đính Nghiêm thị Tế sinh phương).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận