Phục hồi chức năng mỏm cụt chi dưới

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG MỎM CỤT CHI DƯỚI

I.ĐẠI CƯƠNG

Việc chăm sóc và điều trị đối với người cụt chi dưới vào giai đoạn đầu rất quan trọng, được bắt đầu từ ngày đầu sau phẫu thuật cho đến khi họ hoàn toàn có thể vận động trên giường và di chuyển an toàn xung quanh phòng bệnh, khi ở nhà và môi trường xung quanh. Người cụt chi cần được luyện tập mỏm cụt để có sức mạnh tối đa ở chi dưới chuẩn bị cho việc sử dụng chân giả, khuyến khích người bệnh ấy lại sự độc lập của họ trong những hoạt động đời sống hàng ngày càng sớm càng tốt và tạo cho họ tự tin hơn qua việc sử dụng xe lăn và tự chăm sóc mình.

II.CHẨN ĐOÁN

1.Các công việc của chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh: nguyên nhân cắt đoạn chi dưới liên quan đến tuổi tác, tình trạng thể chất, tâm lý, hoàn cảnh xã hội, môi trường nơi sinh sống và nhu cầu của người bệnh.

1.2. Khám và lượng giá chức năng: Tình trạng da, hình dáng của mỏm cụt, mô mềm bao đầu xương, chiều dài và chu vi mỏm cụt trên và dưới gối, trương lực cơ, cảm giác, cảm thụ bản thể ở đầu mỏm cụt (trường hợp tháo khớp), u thần kinh (đau khu trú), tầm hoạt động các khớp, lực cơ, co rút và biến dạng (nếu có).

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:

– Đối với bệnh đái tháo đường: xét nghiệm máu, nước tiểu.

– Đối với bệnh về mạch máu: xét nghiệm hóa sinh và huyết học để đo lường cholesterol trong huyết thanh và sự biến đổi của đông máu; chụp Xquang mạch máu, đo áp lực oxy xuyên da…

2.Chẩn đoán xác định

Những trường hợp cần thiết phải bắt buộc cắt cụt chi dưới do chấn thương và bệnh lý.

3.Chẩn đoán phân biệt

– Sự thiếu mất chi bẩm sinh ở trẻ em. Có 2 loại thiếu chi chính:

+ Loại ngang: chi phát triển một cách bình thường cho tới một giới hạn nào đó thì dừng lại do sự gián đoạn cung cấp máu và hạn chế việc phát triển ở những phần chi khác của trẻ.

+ Loại dọc: thường khiếm khuyết bị ngắn một phần xương dài hay thiếu hẳn, nhưng một số xương phần xa có thể còn nguyên vẹn (do yếu tố di truyền).

4.Chẩn đoán nguyên nhân

– Những mỏm cụt bắt buộc phải cắt chi do chấn thương chi dưới như: tai nạn giao thông, sinh hoạt…

– Những mỏm cụt do bệnh lý như: u ác, nhiễm trùng máu, huyết khối tĩnh mạch và huyết khối nghẽn mạch; thường xảy ra ở bất cứ các độ tuổi và có thể tiến triển chậm chạp hay khởi phát đột ngột.

– Những mỏm cụt do bệnh Phong (bệnh Hansen) bị kèm theo tổn thương thần kinh vì vậy phải hết sức chú ý cho việc chăm sóc mỏm cụt.

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1.Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

– Giúp người bệnh ổn định, thích nghi về tâm lý.

– Duy trì chức năng hô hấp, luyện tập các hoạt động chức năng.

– Đề phòng viêm tắc tĩnh mạch, chống phù nề.

– Duy trì tầm hoạt động các khớp, ngừa co rút bíên dạng.

– Duy trì và gia tăng sức mạnh cơ thân mình và tứ chi.

– Chăm sóc và làm giảm sự nhạy cảm của mỏm cụt

2.Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

2.1. Từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 3

– Tư vấn, động viên tâm lý làm tăng sự tự tin của người bệnh và giúp họ thích nghi dần với mỏm cụt. Giải thích để người bệnh không lo lắng về cảm giác đau chi ma.

– Tập thở sâu, tập ho.

– Gồng các cơ của mỏm cụt (cơ mông lớn, 4 đầu đùi, khép đùi, 3 đầu đùi).

– Giữ tư thế đúng trong mọi tư thế. 24 giờ sau phẫu thuật tuyệt đối không được kê gối dưới khúc cụt. Nằm sấp ít nhất ngày 2 lần/ngày (từ ngày thứ 3).

– Hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc, giữ gìn vệ sinh mỏm cụt ngay từ ngày đầu sau phẫu thuật. Xoa bóp mỏm cụt thật nhẹ nhàng, sử dụng kem dưỡng ẩm ngừa khô da, làm cho da mềm mại.

– Tập mạnh chi còn lại: Vận động chủ động sớm tất cả các khớp trên mức cắt cụt bao gồm thân mình và chi trên.

– Tập dịch chuyển trên giường: động tác ưỡn người, lăn nghiêng, trồi lên xuống, ngồi lên sớm và chống dậy bằng hai tay với mỏm cụt giữ ở vị thế duỗi. Tập di chuyển từ giường sang xe lăn (và ngược lại).

2.2. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6

– Băng mỏm cụt đúng kỹ thuật, vệ sinh mỏm cụt.

– Tập chủ động mỏm cụt: tập cử động đu đưa mỏm cụt trong biên độ dễ chịu đối với người bệnh.

– Các bài tập chủ động và có kháng trở để cải thiện sức mạnh cơ các chi còn lại và thân mình.

– Tập sử dụng xe lăn một cách an toàn, bảo vệ mỏm cụt không bị va chạm.

2.3. Từ ngày thứ 7 trở đi

– Thay băng, khám mỏm cụt, cắt chỉ.

– Tập mạnh mỏm cụt với lực kháng bằng tay như kỹ thuật tạo thuận bản thể thần kinh-cơ đặc biệt là tái rèn luyện nhóm cơ duỗi, dang và xoay trong; hoặc tập bằng dụng cụ: dây băng kéo, hệ thống ròng rọc…

– Tập mỏm cụt chịu áp lực quen dần để chuẩn bị sử dụng chân giả.

– Tập sử dụng và di chuyển với nạng (thăng bằng đứng, đi, đứng lên, ngồi xuống ghế, đứng dậy từ nền nhà, đi trên mặt phẳng dốc, bước qua chướng ngại vật, lên xuống thang lầu…)

– Các bài tập vận động mỏm cụt:

+ Duỗi mỏm cụt đồng thời đẩy khung chậu ra trước.

+ Khép, xoay trong mỏm cụt đẩy khung chậu ra ngoài.

+ Dạng mỏm cụt đồng thời nâng chậu ngăn ngừa dáng đi Trendelenburg.

+ Khép mỏm cụt khi đang duỗi hông và duỗi lưng.

3.Các điều trị khác

3.1. Điều trị bằng cách nhận thức: kỹ thuật nhận thức trong sự chế ngự cơn đau bao gồm sự nhận dạng và thách thức những tư tưởng, niềm tin bất lợi có tác động mạnh mẽ lên trạng thái và khả năng hoạt động của người bệnh.

3.2. Kỹ thuật làm quên đi cơn đau dùng trong trường hợp người bệnh bị stress và chế ngự cơn đau bằng cách cho người bệnh tưởng tượng lên một hình ảnh êm đềm nào đó và sử dụng hình ảnh đó mỗi khi bị đau.

3.3. Thuốc: Người cụt chi thường sử dụng thuốc an thần (theo chỉ định của Bác sĩ hay tự ý dùng) để cố gắng làm giảm cơn đau của họ.Tuy nhiên, thuốc an thần dùng trong thời gian quá lâu có thể gây nên những phản ứng phụ không mong muốn và những hậu quả tiêu cực có thể làm tổn hại đến người bệnh. Do đó, người điều trị cần giảm thuốc từ từ theo số lần của thời gian biểu uống thuốc trong ngày hơn là dùng khi bị đau.

IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

– Người cụt chi dễ mau mệt ở giai đoạn đầu mới bước vào chương trình tập luyện. Cần thường xuyên cho người bệnh có những quãng nghỉ giữa buổi tập ngắn.

– Sau mỗi buổi tập cần kiểm tra xem mỏm cụt có bị những điểm tì đè hay các vết trầy xước nào không? Nếu người bệnh cố tập đi trước khi tập được sự thăng bằng sẽ dễ bị những thói quen xấu rất khó sửa sau này.

– Phối hợp các thành viên trong nhóm PHCN, theo dõi và đánh giá thường xuyên kết quả tập luyện của người bệnh để điều chỉnh, hướng dẫn các bài tập phù hợp.


Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

2 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nguyễn thị vân Anh
Nguyễn thị vân Anh
6 năm trước

Nếu như là trẻ Em 6 tuổi thì cắt cụt chi dưới có gặp vấn đề gì không