Phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch chi dưới

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI

I.ĐẠI CƯƠNG

– Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò…

– Trên thế giới, bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới chiếm một tỉ lệ đáng kể trên số dân, trong đó 70% là nữ. Ở Việt nam có dự đoán bệnh sẽ gia tăng do sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống. Suy giãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa và nguy hiểm như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu,viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

II.CHẨN ĐOÁNsuy-gain-tinh-mach-chi-duoi

1.Các công việc của chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh

– Hỏi tiền sử nghề nghiệp, tiền sử bệnh…

– Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường bị đau chân, nặng chân, nhức mỏi chân khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều. Ban đêm thường bị chuột rút (vọp bẻ), cảm giác tê chân, châm chích như có kiến bò ở vùng cẳng chân, đau ngứa hay cảm giác nóng, bỏng.

1.2. Khám lâm sàng

– Phù chân xảy ra khi đứng lâu, ngồi nhiều liên tục hoặc xuất hiện vào buổi chiều sau một ngày làm việc. Thường thấy phù ở vùng mắt cá chân, bàn chân, có khi phù kín đáo hơn, chỉ cảm thấy khi mang gi ày dép chật hơn so với bình thường.

– Tĩnh mạch nổi li ti nhất là vùng cổ chân và bàn chân trong giai đoạn sớm, giai đoạn muộn hơn thì vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng, các tĩnh mạch căng phồng lên gây đau nhức chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da… các tĩnh mạch nông dưới da giãn to ngoằn ngoèo.

– Ở giai đoạn cuối diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

+ Đo áp lực Tĩnh mạch sâu chi dưới

+ Chụp X.quang Tĩnh mạch chi dưới

+ Đo thể tích (Plethysmography): Phương pháp đo thay đổi thể tích tĩnh mạch hay thay đổi thể tích cẳng chân

+ Chụp siêu âm Doppler kép: Đây là phương pháp kết hợp chụp siêu âm Doppler và chụp siêu âm kiểu B (B-mode). Hiện nay đây là phương pháp có giá trị chính xác nhất để đánh giá tình trạng suy chức năng tĩnh mạch (thông qua tốc độ dòng máu tĩnh mạch trào ngược).

2.Chẩn đoán xác định

– Các nghiệm pháp khám đánh giá chức năng van tĩnh mạch nông:

+ Nghiệm pháp Schwartz

+ Nghiệm pháp Trendelenburg

+ Các nghiệm pháp khám đánh giá chức năng van tĩnh mạch xiên:

+ Nghiệm pháp Garo từng nấc

+ Nghiệm pháp Pratt

– Các nghiệm pháp đánh giá chức năng van tĩnh mạch sâu: Nghiệm pháp Perthes

3.Chẩn đoán phân biệt

– Tắc tĩnh mạch sâu (tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch chậu….)

– Bệnh viêm tắc nội mạc động mạch.

– Thông động tĩnh mạch.

4.Chẩn đoán nguyên nhân

Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên:

– Quá trình thoái hóa do tuổi tác (thường gặp ở người già).

– Do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng… tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân.

– Các yếu tố nguy cơ như chế độ làm việc phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp, béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin.

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1.Nguyên tắc diều trị và phục hồi chức năng

– Phòng ngừa các biến chứng huyết khối tĩnh mạch, huyết khối phổi, loét da gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân

– Gia tăng tuần hoàn tĩnh mạch, phòng ngừa ứ trệ.

– Tăng cường chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân

2.Các phương pháp và kỹ thuậtphục hồi chức năng

2.1. Băng ép tĩnh mạch nông chi dưới bằng băng thun

Có tác dụng làm giảm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện được cảm giác chủ quan của bệnh nhân.Tuy nhiên phương pháp này cũng có nhiều bất tiện cho bệnh nhân, nhất là khi ph ải thư ờng xuyên băng ép trong thời ti ết nóng ẩm của Việt nam.

2.2. Các phương pháp Vật lý trị liệu

– Nếu có hiện tượng viêm tĩnh mạch:

+ Chống viêm bằng sóng ngắn dọc chân, chế độ xung, liều không nóng,

+ Chống phù nề bằng nâng cao chân, co cơ tĩnh hoặc vận động khớp các ngón chân, bàn chân, cổ chân.

+ Không dùng các phương pháp nhiệt, không xoa bóp và vận động mạnh ở giai đoạn tĩnh mạch đang viêm và đau vì có thể làm bong cục máu đông đi vào tuần hoàn toàn thân gây biến chứng nguy hiểm.

– Sau khi hết triệu chứng viêm:

+ Xoa bóp nhẹ nhàng vuốt về

+ Tập các bài tập vận động chủ động tự do các khớp háng, gối, cổ chân trong tư thế nâng cao chân hay duỗi thẳng chân về phía trần nhà để hỗ trợ tuần hoàn tĩnh mạch.

+ Tránh ngồi, đứng liên tục, lâu, nên vận động thay đổi tư thế khoảng 30-60 phút/lần, có thể phối hợp tập các bài tập vận động chân như: co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót… để máu lưu chuyển tốt hơn.

+ Tập thể dục bằng cách đi bộ nhanh, hít thở sâu,vừa đi vừa nghỉ.

+ Ngủ gác chân cao.

+ Chế độ ăn giàu trái cây rau tươi thức ăn giàu vitamin, nhiều chất xơ…hạn chế ăn nhiều thịt & chất bột đường.

+ Tránh béo phì, tránh táo bón.

3.Thuốc

– Có thể dùng các thuốc làm tăng trương lực tĩnh mạch (như Daflon, Ginko Fort…), giảm sự ứ trệ của tĩnh mạch, bình thường hóa tính thấm của mao mạch, tăng cường sức bền thành mạch, ức chế tại chỗ các hóa chất gây viêm

– Trong các trường hợp đã có biến chứng thiểu dưỡng và loét ở chân, ngoài

điều trị như trên, cần chú ý điều trị t ại ch ỗ vết loét, kháng sinh ch ống bội nhi ễm …

4.Các điều trị khác

– Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch bằng sóng Radio cao tần hoặc LASER

– Gây xơ cứng các tĩnh mạch nông bị giãn bằng thuốc

– Phẫu thuật: Loại trừ hiện tượng dồn ngược máu từ tĩnh mạch đùi ra tĩnh mạch hiển trong, cắt bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn, khâu buộc các tĩnh mạch qua da…

IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

Suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh mạn tính, tiến triển chậm nhưng giai đoạn muộn có thể gặp những biến chứng nguy hiểm nên cần theo dõi hướng dẫn bệnh nhân điều trị và tập luyện thường xuyên, tái khám định kỳ để phát hiện sớm và xử lý kịp thời biến chứng.


Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận