Phục hồi chức năng trật khớp háng bẩm sinh

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRẬT KHỚP HÁNG BẨM SINH

Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT

I. ĐẠI CƯƠNG

– Định nghĩa: Trật khớp háng bẩm sinh là tình trạng chỏm xương đùi của một hoặc cả hai bên khớp háng bị trật ra khỏi vị trí bình thường của khớp háng.

– Trật khớp háng có thể phát hiện ngay sau khi sinh hoặc một vài tuần sau sinh.

– Vị trí trật khớp háng: Trật khớp háng  trước trên, trước dưới, sau trên, sau dưới, trung tâm. Nhưng   thường gặp là vị trí sau trên và thường có kèm theo các dị tật bẩm sinh khác.

– Phân loại trật khớp háng bẩm sinh:

+ Theo thể loại:

  • Trật khớp háng đơn thuần
  • Trật khớp háng phối hợp với các dị tật bẩm sinh khác của hệ vận động như cứng khớp bẩm sinh, bàn chân khèo bẩm sinh, não úng thủy, gai đôi cột sống…

+ Theo mức độ:

  • Khớp háng không ổn định: Chiếm tỷ lệ cao nhất (trên 60%), do gân, cơ và dây chằng.
  • Bán trật khớp háng: Một phần chỏm xương đùi bị trật ra khỏi ổ chảo, thường không có biến dạng ở chỏm xương đùi, cổ xương  đùi cũng như tại ổ chảo.
  • Trật khớp háng hoàn toàn: chỏm xương đùi nằm hoàn toàn ngoài ổ chảo với các biến dạng của chỏm xương đùi và ổ chảo.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Các công việc của chẩn đoán

– Hỏi bệnh:

– Khám và lượng giá chức năng

+ Hạn chế vận động khớp háng: ở tư thế gấp và dạng khớp háng.

+ Chênh lệch chiều dài hai chân: bên bị trật khớp háng ngắn hơn bên đối diện, nhưng sẽ khó phát hiện khi trật khớp háng cả hai bên.

+ Nếp lằn mông, đùi, khoeo chân bên trật cao hơn bên lành.

+ Bàn chân đổ ngoài khi trẻ nằm duỗi chân.

+ Dáng đi khập khiễng nếu trật khớp háng hai bên.

+ Ổ khớp rỗng.

+ Nghiệm pháp Barlow: Khi gập và khép háng chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ chảo tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

+ Nghiệm pháp Ortolani: ngược lại với nghiệm pháp Barlow, khi dạng và duỗi khớp háng chỏm xương đùi trượt ra ngoài ổ chảo tạo nên tiếng kêu “lục cục” (ở trẻ dưới 6 tháng tuổi).

– Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:

+ Chụp khớp háng thẳng:

  • Chỏm xương đùi di chuyển lên trên và ra ngoài.
  • Đường Hilgenreiner nằm ngang đi qua đáy ổ cối (Bình thường chỏm nằm đưới đường này).
  • Đường Ombredanne đứng dọc, vuông góc với đường Hilgenrêiner và đi qua điểm ngoài cùng của ổ cối (Bình thường chỏm nằm phía trong đường này).
  • Trật khớp háng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi (chỏm xương đùi chưa xuất hiện trên X-quang):
  • Vòng cung cổ bịt bị gãy
  • Đo chỉ số ổ cối (bình thường dưới 30 độ ở trẻ sơ sinh).
  • Trật khớp háng ở trẻ trên 5 tuổi: có thể thấy góc cổ xương đùi lớn hơn 125 độ (Coxa Valga)

+ Siêu âm khớp háng

2. Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và Xquang

Tiêu chuẩn đánh giá trật khớp háng:

– Góc ổ cối > 90 độ (Bình thường=90 độ)

– Độ che phủ của ổ cối< 50% (Bình thường che phủ ³ 50% chỏm xương đùi)

– Vị trí của sụn viền: sụn viền bị đẩy lên trên và vào trong (Bình thường: Kẻ 1 đường ngang từ sụn viền, đường này sẽ đi qua sụn chữ Y)

3. Chẩn đoán nguyên nhân:

– Trẻ trật khớp háng bẩm sinh hoàn toàn dưới 36 tháng tuổi.

– Trẻ bán trật khớp háng, viêm chỏm xương đùi vô khuẩn..

– Sau phẫu thuật khớp háng, sau tiêm Botox trên trẻ bại não.

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

– Can thiệp sớm ngay sau khi sinh bằng các biện pháp nẹp chỉnh hình, bó bột chỉnh hình

– Phẫu thuật: khi điều trị bằng nẹp chỉnh hình, bó bột không kết quả hoặc trẻ trên 18 tháng tuổi không còn khả năng điều trị bảo tồn.

* Mục tiêu:

– Nắn chỉnh chỏm xương đùi vào vị trí đúng trong ổ chảo.

– Duy trì chỏm xương đùi ở vị trí đúng trong ổ chảo ổn định trong khoảng thời gian tối thiểu 12 tuần nhằm kích thích hình thành trục đồng tâm giữa chỏm xương đùi và ổ chảo.

– Nắn chỉnh chống xoay trước của cổ  và thân xương đùi: do có một tỉ lệ cao phối hợp giữa trật khớp háng và xoay trước của cổ  và thân xương đùi

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

2.1. Bó bột chỉnh hình khớp háng (Hip Spica Cast)

– Chỉ định:

+ Trẻ được chẩn đoán trật khớp háng bẩm sinh đến sớm trước 6 tháng.

+ Trẻ bán trật khớp háng, viêm chỏm xương đùi vô khuẩn..

– Chống chỉ định:

+ Trẻ trật khớp háng bẩm sinh trên 36 tháng tuổi

+ Trẻ mắc nhiều dị tật bẩm sinh như cứng đa khớp, thoát vị não tủy, bại não

– Trẻ được đặt nằm ngửa trên bàn bó bột bộc lộ toàn bộ vùng ngực -bụng-thắt lưng và hai chân. Làm vệ sinh sạch và khô.

– Nguyên Liệu: Vải cotton hoặc giấy vệ sinh, bột bó. Thuốc: thuốc giảm đau (Paracetamol, Efferangan…), thuốc khử trùng (Betadin).

– Tiến hành bó bột:

+ Quấn toàn bộ vùng thắt lưng-hông-đùi, hoặc thắt lưng-hông-đùi-cẳng-bàn chân bằng băng cotton hoặc giấy vệ sinh.

+ Quấn bột từ vùng thắt lưng-hông-đùi (Short Leg-Hip Spica Cast) hoặc thắt lưng-hông-đùi-cẳng chân và bàn chân (Long Leg-Hip Spica Cast).Bệnh nhân được bó bột tư thế ếch với khớp háng hai bên gấp về phía bụng và dạng.

+ Giữ chân trẻ ở tư thế này đến khi khô bột.

+ Cố định bột trong 2 – 4 – 8 – 12 tuần(tùy thuộc lứa tuổi bắt đầu bó bột).

+ Tháo bột, làm vệ sinh sạch chân trẻ, bôi Betadine vào chỗ loét, xước.

– Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, hoặc trẻ xuất hiện sốt và quấy khóc không rõ nguyên nhân cần tháo bột ngay để kiểm tra.

– Thời gian bó bột: 2 tuần/ đợt, khoảng 10- 15 đợt.

– Cuối đợt bó cần chụp kiểm tra để xem vị trí chỏm xương đùi và ổ chảo đã vào đúng vị trí.

2.2. Nẹp chỉnh hình

– Các loại hay dùng:

+ Nẹp Pavlik Harness: Là loại nẹp đai mềm, được ưa thích và chỉ định rộng rãi nhất.

+ Nẹp kiểu gối Freijka: Là loại nẹp tiện dụng, chỉ định cho những trường hợp khớp háng lỏng lẻo.

+ Nẹp nhựa cứng cố định khớp háng hai bên

+ Nẹp khớp háng làm bằng xốp mềm: Là loại nẹp hiện đang được sản xuất và chỉ định điều trị tại khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Nhi.

– Thời gian đeo nẹp:

+ Ngày sau sinh đến khi trẻ 12 tháng tuổi

+ Liên tục đeo cả ngày và đêm trong 6 tháng đầu

+ Đeo nẹp vào đêm trong 6 tháng tiếp theo.

3. Các điều trị khác

3.1. Phẫu thuật: Nếu trần ổ chảo quá dốc thì điều trị bảo tồn chắc chắn thất bại bắt buộc phải can thiệp bằng phẫu thuật sớm

3.2. Các phương pháp thực hiện tại cộng đồng

Giữ trẻ ở tư thế dạng rộng khớp háng và gập gối bằng cách:

– Đóng bỉm vệ sinh

– Cõng hoặc địu trẻ

– Đặt trẻ nằm sấp khi ngủ.

IV . THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

– Theo dõi sau bó bột tại nhà: Nếu các ngón chân sưng, tím, đau, cần đưa đến cơ sở y tế tháo bột ngay tránh hoại tử.

– Theo dõi tai biến

+ Gây tỳ đè dẫn đến viêm hoặc loét da và tổ chức dưới da

+ Tổn thương phần mềm như gân, cơ, dây chằng.

+ Teo cơ và giảm vận động do bất động lâu

– Theo dõi bệnh nhân thường  quy: Khám thường  quy, chụp khớp háng kiểm tra 3 tháng/lần trong 2 năm đầu.

 

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

2 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Nhật bích
Nhật bích
7 năm trước

b.s ơi hiện tại con đã hơn 16t giờ cin đi chữa liệu con có bình thường lại nhue mọi ng đc kh ạ