PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VIÊM MỎM TRÂM QUAY
(Hội chứng De Quervain)
I.ĐẠI CƯƠNG
Viêm mỏm trâm quay (hội chứng De Quervain) là bệnh viêm bao gân dạng dài và duỗi ngắn ngón cái. Nguyên nhân gây bệnh thường do chấn thương vùng cổ tay, các nghề đòi hỏi phải sử dụng các động tác cầm, nắm, xoay, vặn lặp đi lặp lại như nghề giáo viên, phẫu thuật viên, cắt tóc…có thể gặp ở bệnh nhân bị viêm khớp cổ tay, thoái hóa khớp… hay gặp ở nữ tuổi từ 40 đến 50.
II.CHẨN ĐOÁN
1.Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Đau vùng mỏm trâm quay cổ tay, đau có thể tăng lên khi vận động ngón cái, đau có thể nhiều về đêm, lan theo ngón cái và lên cẳng tay. Đau khi làm một số động tác như duỗi cổ tay, lắc, nâng một vật nặng, mở cửa… Giảm khả năng duỗi, xoay ngửa cổ tay và cầm nắm.
1.2. Khám và lượng giá chức năng
– Dựa vào các triệu chứng tại chỗ. Không có biểu hiện các triệu chứng toàn thân như sốt, thiếu máu, gầy sút.
– Sưng nề vùng mỏm trâm quay. Ấn vào thấy đau chói
– Sờ thấy bao gân dầy lên, có thể có nóng, đỏ.
– Cử động ngón cái có thể nghe thấy tiếng “cót két”
– Nghiệm pháp Finkelstein: Gấp ngón cái và trong lòng bàn tay. Nắm các ngón tay trùm lên ngón cái. Nghiêng cổ tay về phía trụ. Nếu bệnh nhân thấy đau chói vùng gân dạng dài ngón cái là dấu hiệu dương tính.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
Siêu âm vùng mỏm trâm quay thấy gân dạng dài ngón cái, duỗi ngắn dầy lên, bao gân dầy, có thể có dịch ở xung quanh. Các xét nghiệm về viêm và X/Q khớp cổ tay
2.Chẩn đoán xác định: có điểm đau chói vùng mỏm trâm quay và nghiệm pháp Finkelstein dương tính và sinh hóa bình thường
3.Chẩn đoán phân biệt
– Viêm màng hoạt dịch khớp cổ tay
– Thoái hóa khớp bàn ngón cái
– Viêm bao hoạt dịch gân duỗi cổ tay quay ngắn và dài
– Chèn ép nhánh nông thần kinh quay
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1.Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
– Giảm đau.
– Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày của cổ tay, bàn tay
– Dự phòng tái phát
2.Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. Nghỉ ngơi và tập luyện đóng vai trò quan trọng quyết định khỏi bệnh: Giảm hoặc ngừng vận động cổ tay ngón cái từ 4 đến 6 tuần. Nếu đau sưng nhiều có thể dùng nẹp hoặc băng gia cố cổ tay ngón cái. Tập luyện: Điều chỉnh các động tác của bàn tay, cổ tay đặc biệt là ngón cái khi làm việc, trong sinh hoạt. Cần loại bỏ những động tác duỗi dạng ngón cái, cổ tay. Tập các bài tập mạnh cơ và kéo giãn các cơ bị ảnh hưởng, cường độ tập đến mức độ căng không gây đau.
2.2. Điều trị bằng nhiệt
Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau:
Chườm nóng hoặc chườm lạnh:
– Chườm lạnh khi vị trí tổn thương nóng, đỏ.
– Chườm nóng khi vị trí tổn thương không có biểu hiện nóng, đỏ: Hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt, sóng ngắn
2.3. Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% đặt tại vùng mỏm trâm quay.
2.4. Siêu âm: Có thể sử dụng dòng liên tục hoặc xung, có thể dùng siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau dạng mỡ như Voltaren emulgel…
2.5. Kích sốc: 1 tuần/lần
2.6. Kỹ thuật di động mô mềm
3.Các điều trị khác
3.1.1. Dòng Acetaminophen (paracetamol) 500mg X 4 viên/ngày. Có thể kết hợp với codeine (Efferalgan codeine) hoặc tramadon (Ultracet) tuy nhiên chỉ nên dùng ngắn ngày
3.1.2. Dòng chống viêm giảm đau không steroid (NSAID): Dùng liều thấp, ngắn ngày. Cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, tim mạch hoặc suy thận mạn. Có thể dùng đường uống hay đường bôi ngoài da.
3.1.3. Tiêm Corticoid tại chỗ: Tiêm 0,3ml tại chỗ vào vùng bao gân trong trường hợp đau nặng hoặc dai dẳng. Tiêm không quá 3 lần/đợt và không quá 3 đợt/năm
IV.THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
– Các chỉ số theo dõi: Tình trạng đau, sưng tại chỗ, các hoạt động chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
– Tái khám 1 tháng/lần sau đợt điều trị đau cấp, sau đó 3 tháng/lần
Trích: Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của chuyên ngành Phục hồi chức năng 2014 của Bộ y tế: Số 3109/QĐ-BYT