Phương pháp điều trị hội chứng cổ – vai – cánh tay

Hội chứng cổ – vai – cánh tay là một nhóm các triệu chứng lâm sàng liên quan đến các bệnh lý cột sống cổ, thường kèm theo các rối loạn chức năng rễ, dây thần kinh cổ hoặc tủy cổ. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là đau vùng cổ, vai và một bên tay, kèm theo một số rối loạn cảm giác hoặc vận động tại vùng chi phối của rễ dây thần kinh cột sống cổ bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân gây hội chứng cổ – vai – cánh tay

Thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân hay gặp nhất (chiếm 70-80%), gồm thoái hóa các khớp liên đốt và liên mỏm bên, gây hẹp lỗ tiếp hợp, hậu quả là chèn ép rễ/dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp.

Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gặp ở 20-25% người mắc bệnh: khối nhân nhầy thoát vị sẽ chèn ép các rễ thần kinh, chèn đẩy dây chằng dọc sau gây đau.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân ít gặp khác như: chấn thương, khối u, nhiễm khuẩn, loãng xương, bệnh lý viêm cột sống, bệnh lý phần mềm cạnh cột sống. Trong một số trường hợp hội chứng cổ – vai – cánh tay là do bản thân bệnh lý của cột sống cổ gây đau cổ và lan ra vai hoặc tay, mà không có bệnh lý rễ dây thần kinh cổ.

Điều trị hội chứng cổ – vai – cánh tay

Dựa trên 3 nguyên tắc

– Điều trị nguyên nhân kết hợp với điều trị triệu chứng bệnh.

– Kết hợp điều trị thuốc, không dùng thuốc với các biện pháp phục hồi chức năng.

– Chỉ định điều trị ngoại khoa trong một số ít các trường hợp đặc biệt.

Điều trị bảo tồn

Điều trị bằng thuốc: Thường dùng một số loại thuốc sau để điều trị hội chứng cổ – vai – cánh tay. Thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen (paracetamol, tylenol…); acetaminophen kết hợp với codein hoặc tramadol như: efferalgan-codein; ultracet. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): diclofenac; piroxicam; meloxicam; celecoxib; etoricoxib. Nếu có nguy cơ tiêu hóa có thể dùng thêm nhóm ức chế bơm proton.

Thuốc giãn cơ cũng được dùng trong trường hợp này. Thường dùng trong đợt đau cấp, ngắn ngày, đặc biệt khi có tình trạng co cứng cơ. Một số thuốc thường dùng: epirisone, tolperisone, mephenesine, diazepam.

Ngoài ra, một số thuốc khác cũng được dùng trong hội chứng cổ – vai – cánh tay như: thuốc giảm đau thần kinh (gabapentin, pregabalin), thuốc chống trầm cảm (amitriptylin đối với đau thần kinh mạn tính hoặc có rối loạn giấc ngủ), vitamin nhóm B (B1, B6, B12) liều cao.

Điều trị không dùng thuốc: Một số phương pháp thường dùng: vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt vùng cổ – vai – cánh tay, kéo giãn cột sống cổ, đeo nẹp cổ, tập vận động cổ, bả vai, khớp vai, cánh tay, điều chỉnh chế độ sinh hoạt – làm việc.

Điều trị phẫu thuật

Phương pháp này thường dùng cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cấp tính do chấn thương (có hoặc không có tổn thương tủy), thoát vị đĩa đệm gây yếu bại hoặc liệt tứ chi (hội chứng chèn ép tủy), thoát vị đĩa đệm có hội chứng giao cảm cổ sau mức độ nặng mà trên phim chụp động mạch phát hiện gai xương chèn ép động mạch đốt sống. Ngoài ra còn có thể sử dụng cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm gây đau có tính chất cố định mà điều trị nội khoa không có kết quả, thoát vị đĩa đệm với đau quá mức mà thuốc giảm đau không còn tác dụng hoặc thời gian giảm đau ngắn, bệnh nhân đã có biến chứng bệnh lý dạ dày – hành tá tràng, bệnh nhân thoát vị đĩa đệm mất vững cột sống do thoái hóa đĩa đệm gây nên.

Không chỉ định phương pháp điều trị phẫu thuật cho những bệnh nhân chưa được điều trị nội khoa; những bệnh  nhân trên phim MRI đĩa đệm chỉ lồi nhẹ, đau cổ – vai – cánh tay không do thoát vị đĩa đệm, bệnh nội khoa kết hợp đang tiến triển như: lao, suy thận, đái tháo đường, suy tim hoặc ung thư giai đoạn cuối, bệnh  nhân có vùng cổ trước có viêm nhiễm, đang sốt và bệnh nhân tâm thần.

BSCKI. Trung Dũng

(Khoa Phục hồi chức năng – Bệnh viện 354)

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận