Mặc dù trời chuyển mùa lạnh, nhưng mẹ con chị vẫn để quạt ngủ suốt buổi đêm. Thế nên sáng hôm sau ngủ dậy, chị Huyền ngỡ ngàng phát hiện gương mặt con mình bị xệ xuống và miệng bị méo hẳn sang một bên.
Mới đây, chị Thu Huyền, sống tại Hải Phòng đã chia sẻ về việc con gái Trà My, 2 tuổi rưỡi của mình bị mắc phải căn bệnh liệt mặt, méo miệng mà cả nhà không hề hay biết.
Theo chị Huyền chia sẻ, sở dĩ con gái chị mắc phải căn bệnh này là do hôm đó trời có đợt gió lạnh chuyển mùa, nhưng mẹ con chị vẫn để quạt ngủ suốt buổi đêm. Đến sáng hôm sau, khi ngủ dậy thì chị Huyền ngỡ ngàng thấy gương mặt con mình bị xệ xuống và miệng bị méo hẳn sang một bên.
Nếu để ý kỹ hơn thì thấy mắt Trà My một bên mở, một bên nhắm chặt, còn có cả nước mắt chảy ra. Khi ăn, bé bị rơi vãi thức ăn ra ngoài vì không thể khép chặt miệng lại và uống nước cũng không hề dễ dàng. Mỗi khi ăn, cười, nói hay khóc đều lộ rõ cả răng hàm bên trong, rất khổ sở. Chị Huyền theo dõi con trong 3 ngày như thế, thấy không đỡ, rồi mới đưa con đến bệnh viện khám.
Tại bệnh viện, bác sỹ kết luận bé Trà My chị bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì bị nhiễm lạnh. Nhớ lại buổi đêm cho con nằm quạt đúng đợt gió mùa, chị mới thấy hối hận vì sự sơ suất của mình. Nhưng cũng may mắn là chị Huyền còn đưa con đến bệnh viện kịp thời, vì nếu điều trị chậm hoặc điều trị không đúng cách sẽ tiến triển xấu, các dây thần kinh sẽ bị tổn thương, có thể gây liệt mặt, méo miệng vĩnh viễn.
Sau chẩn đoán, con gái chị Huyền được các bác sỹ điều trị bằng phương pháp châm cứu kết hợp với bấm huyệt. Các bác sĩ châm cứu cho châm bên liệt (ôn châm, điện châm ở các huyệt giáp xa, địa thương, thảo đường, và các huyệt ấn đường, nghinh hương, hợp cốc), kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện cơ… đến hơn 1 tháng sau thì mới đỡ. Hiện tại, khuôn mặt của con gái chị Huyền đã gần như hồi phục hoàn toàn.
Bên cạnh đó, các bác sỹ cũng dặn dò chị Huyền về nhà phải kiêng cho con gái trong mùa lạnh, nhất là khi ngủ vào ban đêm để tránh nhiễm lạnh, bệnh tái phát.
Đến nay, mặc dù con gái đã khỏi bệnh và trở lại sinh hoạt bình thường như trước nhưng chị Huyền dường như vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi. Vì vậy, chị đã chia sẻ câu chuyện của hai mẹ con mình với mong muốn góp thêm một tiếng nói cảnh tỉnh các bậc bố mẹ phải chú ý hơn nữa trong việc chăm con nhỏ, đặc biệt là dịp gió mùa về.
Những điều cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc trẻ để tránh bị liệt mặt, méo miệng
Thời điểm giao mùa, đặc biệt là khi gặp gió lạnh bất thường sẽ gây ra những bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ ví dụ như: viêm mũi, phế quản, phổi… Thế nhưng có một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng mà không phải bố mẹ nào cũng biết đó là căn bệnh: liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, khiến trẻ bị liệt mặt, méo miệng ngay tức thì. Nếu không chữa trị kịp thời, căn bệnh kỳ lạ này sẽ để lại những di chứng lâu dài về sau.
Trên thực tế thì có rất nhiều bố mẹ vì không cẩn thận phòng tránh cho con trong những đợt gió lạnh về mà đã khiến con gặp phải căn bệnh đáng sợ này. Chính vì thế, để con khỏe mạnh và không bị mắc chứng bệnh trên, bố mẹ cần lưu ý những điều dưới đây:
– Vào mùa rét cần tuyệt đối giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ ở gần cửa sổ, dễ bị lạnh đột ngột, gió lùa vào mặt.
Nếu đang trong chăn ấm phải ra khỏi chăn, hoặc ở trong nhà ấm mà phải ra ngoài môi trường lạnh (như mở cửa sổ, ra ngoài trời…) cần khoác thêm áo ấm để không bị lạnh. Không được cho bé uống và ăn đồ lạnh và mọi sinh hoạt như rửa mặt, tắm táp đều phải dùng bằng nước ấm, tắm trong phòng kín và tắm nhanh.
– Vào mùa nóng khi ngủ thì bố mẹ không nên để quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào mặt hay đầu con.
– Ngoài ra, bố mẹ cũng cần nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho con ăn uống đủ dưỡng các dưỡng chất, tăng cường ăn rau xanh, trái cây chín, uống nước cam, nước chanh hoặc uống bổ sung vitamin C tổng hợp. Và cần điều trị sớm và triệt để các nhiễm khuẩn tai, mũi, họng… cho trẻ.
– Mặt khác, khi cho trẻ đi ra ngoài, cha mẹ cần đeo khẩu trang và giữ ấm trán, đầu, cổ cho trẻ, tránh tiếp xúc trực tiếp với gió. Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ, phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ ở ngoài trời lạnh và phải luôn bảo vệ cơ thể của trẻ ấm áp.
– Đặc biệt, nếu thấy trẻ có triệu chứng bị liệt mặt, méo miệng cần phải sớm đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế hoặc các bác sỹ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh để lại di chứng nặng nề về sau.
– Cha mẹ tuyệt đối không nên chữa trị chứng liệt mặt, méo miệng theo các mẹo truyền khẩu cho trẻ.
Phạm Hậu (th)
Nguồn: giadinh.net.vn