[Dược điển] Sơn thù (Fructus Corni officinalis)

Quả chín đã phơi hay sấy khô, bỏ hạt của cây Sơn thù du (Cornus officinalis Sieb. et Zucc.), họ Thù du (Cornaceae).

Mô tả

Quả bị vỡ, nhăn nheo do bị tách bỏ hạt. Quả hình trứng, dài 1 – 1,5 cm, rộng 0,5 – 1 cm. Mặt ngoài màu đỏ tía đến tím đen, nhăn nheo, sáng bóng. Đỉnh quả có vết hình tròn của đài bền, đáy quả có vết của cuống quả. Chất mềm, mùi nhẹ, vị chua, đắng nhẹ.

Bột

Màu nâu đỏ. Tế bào biểu bì vỏ quả có hình đa giác hoặc hình chữ nhật, đường kính 16 – 30 mm, thành tế bào ở mặt ngoài biểu bì dày, sần sùi, cutin hoá. Khoang chứa sắc tố màu vàng cam nhạt. Tế bào vỏ quả giữa màu nâu vàng cam, phần nhiều bị nhăn. Cụm tinh thể calci oxalat có đường kính 12 – 32 mm ít thấy. Tế bào đá hình vuông, hình trứng, hình chữ nhật, các lỗ rõ và có một khoang lớn. Nhiều hạt tinh bột hình trứng, đôi khi có rốn phân nhánh và vân mờ. Mảnh mạch điểm, mạch vạch, mạch vòng.

Định tính

Phương pháp sắc ký lớp mỏng.

Bản mỏng: Silica gel G

Dung môi khai triển: Cyclohexan – cloroform – ethylacetat (20:5:8).

Dung dịch thử: Cân khoảng 1 g bột dược liệu thô, cho vào bình chiết Soxhlet, chiết bằng ether dầu hoả (30 – 600C) (TT) trong 4 giờ. Bốc hơi dịch chiết đến cắn. Ngâm rửa cặn 2 lần, mỗi lần 2 phút với 15 ml ether dầu hoả (30 – 600C), gạn bỏ ether dầu hoả. Cắn được hoà tan trong hỗn hợp ethanol – cloroform (3 : 2) bằng cách đun nóng nhẹ.

Dung dịch đối chiếu: Cân một lượng acid ursolic chuẩn, hoà tan trong ethanol (TT) để được dung dịch chứa 0,5 mg/ml. Nếu không có chất chuẩn, dùng khoảng 1 g bột Sơn thù (mẫu chuẩn) rồi chiết như dung dịch thử.

Cách tiến hành: Chấm riêng biệt lên bản mỏng 10 ml mỗi dung dịch thử và dung dịch chất đối chiếu. Sau khi triển khai xong, để khô bản mỏng ngoài không khí rồi phun dung dịch acid sulfuric 10% trong ethanol (TT), sấy ở 110 oC trong 5 – 7 phút tới khi xuất hiện vết màu đỏ tía. Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải cho các vết có cùng màu và giá trị Rf với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu.

Độ ẩm

Không quá 12,0 %.

Tạp chất (Phụ lục 12.11)

Hạt và cuống quả còn sót lại: Không quá 3 %.

Tạp chất khác: Không quá 0,5 %.

Tro toàn phần

Không quá 6,0 %.

Tro không tan trong acid

Không quá 0,5 %.

Chất chiết được trong dược liệu

Không ít hơn 50,0 %.

Tiến hành theo phương pháp chiết lạnh (Phụ lục 12.10), dùng nước làm dung môi.

Chế biến

Thu hoạch vào cuối thu, đầu mùa đông, thu hái khi vỏ quả chưa chuyển sang màu đi, sấy ở nhiệt độ thấp hoặc nhúng vào nước sôi cho chín tái rồi kịp thời bóc bỏ hạt, lấy cùi, phơi hoặc sấy nhẹ đến khô.

Bảo quản

Để nơi khô, mát.

Bào chế

Sơn thù nhục: Loại bỏ tạp chất và hạt quả còn sót lại.

Tửu Sơn thù nhục (sao rượu): Lấy Sơn thù nhục sạch trộn đều với rượu, cho vào lọ hoặc bình, đậy kín, đun cách thuỷ đến khi hút hết rượu, lấy ra, sao khô là được. Cứ 10 kg Sơn thù nhục, dùng khoảng 0,60 – 1 lít rượu.

Tính vị, quy kinh

Toan, sáp, vi ôn.Vào các kinh can, thận.

Công năng, chủ trị

Bổ can thận, cố tinh sáp niệu. Chủ trị: di mộng tinh, tiểu tiện nhiều, đái dầm, đau lưng gối, ù tai, mồ hôi nhiều, phụ nữ bị khí hư, rong kinh, rong huyết.

Cách dùng, liều lượng

Ngày dùng 6 – 12 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các loại thuốc khác.

Kiêng kỵ

Dùng thận trọng khi tiểu khó, ít.

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận