[Chứng trạng] Thận âm hư

Chứng Thận âm hư là tên gọi chung cho một loạt chứng trạng do âm dịch của tạng Thận khuy tổn, hư hoả quá găng; chứng này phần nhiều do nội thương mệt nhọc, ốm lâu liên lụy đến Thận, hoặc giai đoạn cuối của Ôn bệnh, nhiệt cực thương âm gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là Ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, miệng khô họng ráo, gót chân đau, lưng gối mỏi, di tinh, phụ nữ thì băng lậu, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác.

Chứng Thận âm hư thường gặp trong các bệnh Di tinh, Bất mị, Hư lao, Cao Lâm, Niệu huyết, Băng lậu, Tiêu khát và trong những tật bệnh thuộc bệnh Ôn nhiệt

Cần chẩn đoán phân biệt với các chứng Thận tinh bất túc, chứng Thận âm dương đều hư, chứng Can Thận âm hư, chứng Phế Thận âm hư.

Phân tích

Chứng Thận âm hư khi xuất hiện trong những tật bệnh khác nhau, đều có những biểu hiện lâm sàng và cách điều trị cũng riêng biệt.

Như bệnh Di tinh xuất hiện chứng Thận âm hư, có các chứng trạng dương sự dễ cương, mộng di, tảo tiết, chóng mặt hoa mắt, tinh thần không mạnh, phần nhiều do buông thả tình dục,

Thận âm suy hao, hư hoả quấy rối tinh thất gây nên; điều trị nên tư Thận âm, tả hư hoả, cho uống bài Tri bá địa hoàng hoàn (Y phương khảo).

Chứng Thận âm hư xuất hiện trong bệnh bất mị – mất ngủ, có các chứng trạng tâm phiền, mất ngủ, mơ mộng phân vân, ngũ tâm phiền nhiệt, chóng mặt ù tai v.v… phần nhiều do tư lự quá độ không đạt ý muốn, âm tinh hao tổn ngấm ngầm, Thận âm bất túc. Tâm hoả vượng một phía gây nên. Từ Đông cảo có nói: “Có khi do Thận thủy bất túc, chân âm không thăng khiến cho Tâm hoả găng một mình, gây nên không ngủ được”; điều trị nên tư Thận tráng thủy để chế hoả, an thần định chí, cho uống bài Lục vị địa hoàng hoàn (Tiểu nhi dược chứng trực quyết) hợp với bài Hoàng liên a giao thang (Thương hàn luận).

Nếu trong bệnh Cao lâm xuất hiện chứng Thận âm hư, có chứng trạng tiểu tiện vẩn đục như nước gạo, niệu đạo rít và đau, hoặc ra giỏ giọt như mỡ, gầy còm yếu ớt, lưng gối ê mỏi, chất lưỡi đỏ, rêu lướt nhớt; phần nhiều do phòng thất lao thương, hoặc do tình chí tổn thương, hạ nguyên không bền, chất dịch chất mỡ tiết xuống dưới gây nên; điều trị theo phép ích Thận cố nhiếp, cho uống bài Tỳ giải phân thanh ẩm (Đan Khê tâm pháp) hợp với Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm.

Chứng Thận âm hư xuất hiện trong bệnh Hư lao, có các chứng trạng hình thể gầy còm, phiền nhiệt, chóng mặt, tai ù, tai điếc, hai chân yếu liệt, thần sắc ủ rũ; phần nhiều do tiên thiên phú bẩm bất túc, hậu thiên vất vả cùng cực, hoặc là ốm đau điều dưỡng không thích hợp làm cho chân âm tạng Thận bất túc, hư yếu lâu ngày không phục hồi phát thành bệnh Hư lao; điều trị theo phép tư Thận bổ Âm, cho uống bài Đại bổ âm hoàn (Đan Khê tâm pháp) và Đại bổ nguyên tiễn (Cảnh Nhạc toàn thư).

Nếu trong bệnh Niệu huyết xuất hiện chứng Thận âm hư, có các chứng trạng tiểu tiện sẻn đỏ lẫn máu, lưng gối ê mỏi, tinh thần yếu ớt, chất lưỡi đỏ, mạch Tế Sác v.v… Đây là do phóng túng sắc dục, tướng hoả vọng động. Thận âm suy hao, âm hư thì sinh nội nhiệt, nhiệt hun đốt huyết lạc mà tràn ra ngoài; Trương Trọng Cảnh nói: “Đây là do rượu chè đam mê sắc dục đến nỗi động đến Hoả ở hạ tiêu gây nên”; Điều trị nên tư âm thanh hoả kiêm chí huyết, chọn dùng bài Đại bổ âm hoàn hợp với Tiểu kế ẩm tử (Tế sinh phương).

Trong bệnh Tiêu khát xuất hiện chứng Thận âm hư, còn gọi là chứng Hạ tiêu, chứng Thận tiêu, có chứng trạng tiểu tiện nhiều lần lượng nhiều, nước tiểu như cao mỡ, miệng khô chất lưỡi đỏ, gầy còm, mạch Trầm Tế mà Sác; đây là do phòng thất vô độ, rượu chè béo ngọt quá đáng, Thận hư âm khuy, Hạ tiêu hư yếu, mất chức năng co thắt gây nên; Sách Cảnh Nhạc toàn thư có nói: “Hạ tiêu là Hạ tiêu mắc bệnh (chú ý: nguyên văn hai chữ Tiêu viết khác nhau) tiểu tiện vàng đỏ, là giỏ giọt, là đục, như cao như mỡ, mặt sạm tai quắt, dần dần gầy còm, đó là bệnh ở Thận, cho nên cũng gọi là Thận tiêu”; điều trị nên tư âm cố Thận, dùng bài Lục vị địa hoàng hoàn với Hoài sơn và Sơn thù liều cao.

Nếu như trong bệnh Ôn nhiệt, do nhiệt dồn xuống Hạ tiêu, tà nhiệt dai dẳng, nhiệt hun đốt chân âm, dẫn đến chứng Thận âm hư, thì tình thế bệnh khá gấp, lâm sàng có các chứng trạng mình không nóng lắm nhưng dằng dai không lui, lòng bàn tay chân nóng hơn mu bàn tay chân, miệng khô, chất lưỡi khô tía, thậm chí tía tối mà khô, hoặc tinh thần mỏi mệt, tai điếc, mạch Hư Đại; điều trị nên theo phép tư âm, dưỡng âm, thanh nhiệt, chọn dùng bài Gia giảm phục mạch thang (Ôn bệnh điều biện).

Trong bệnh Băng lậu thuộc phụ khoa xuất hiện chứng Thận âm hư, có chứng trạng hành kinh trước kỳ, băng trung lậu hạ, lâm li không dứt, sắc kinh đỏ, lượng nhiều,đái hạ dính đặc, chất lưỡi đỏ, mạch Trầm Tế Sác; điều trị theo phép Tư âm lương huyết chỉ huyết, chọn dùng các bài Thanh hải hoàn (Phó thanh chủ nữ khoa), Hoa nhị thạch tán (Thập dược thần thư).

Chứng Thận âm hư thường do con người, do thời tiết khác nhau nên biểu hiện cũng không hoàn toàn giống nhau. Như chứng Thận âm hư ở người cao tuổi, biểu hiện chủ yếu là răng, tóc rụng sớm, táo bón, tiểu tiện rít giỏ giọt, tai ù, tai điếc, chóng mặt. ơ lứa tuổi thanh niên nam giới khoẻ mạnh mắc chứng Thận âm hư, chứng trạng chủ yếu là mộng di, tảo tiết và mất ngủ. Ở nữ giới bị Thận âm hư, chứng trạng chủ yếu là hành kinh thấy sớm, hoặc băng lậu, không thụ thai. Nói theo phạm vi thời gian, chứng Thận âm hư có hiện tượng âm hư hoả vượng cứ về chiều và ban đêm bệnh nặng hơn, buổi sáng thì đỡ.

Căn cứ vào lý luận liên quan tới Tạng Phủ, mỗi một tạng mắc bệnh, thường liên lụy đến Tạng khác; chứng Thận âm hư trong quá trình diễn biến bệnh cơ thường xuất hiện một số chứng hậu chung; Như trong khoảng Tâm và Thận, thủy hoả giúp lẫn nhau, Thận âm tất phải tư dưỡng Tâm ở trên, có như vậy tâm hoả mới không quá găng; nếu Thận âm bất túc, thủy không giúp hoả, Tâm hoả quá găng một phía, sẽ xuất hiện chứng Tâm Thận bất giao, có các chứng trạng tâm phiền không ngủ, mê nhiều di tinh, hồi hộp hay quên, chóng mặt ù tai, miệng khô họng ráo, lưng gối ê mỏi, nóng từng cơn, mồ hôi trộm, lưỡi đỏ không có rêu, mạch Tế Sác v.v…

Chẩn đoán phân biệt

Chứng Thận tinh bất túc với chứng Thận âm hư: Tinh thuộc Âm, chứng Thận tinh bất túc thuộc phạm vi chứng Âm hư, về bệnh nhân và cơ chế bệnh của hai chứng, biểu hiện lâm sàng giống nhau tới chín phần mười, nhưng không có chỗ riêng biệt nhất định.

Khái niệm về Thận âm rộng hơn so với Thận tinh. Chứng Thận tinh bất túc là một biểu hiện của chứng Thận âm hư nhưng không phải là toàn bộ. Theo nguyên nhân bệnh mà bàn, chứng Thận âm hư thường do phòng lao vô độ, Thận âm suy hao; hoặc là thấp nhiệt nung nấu ở Hạ tiêu lâu ngày làm hao thương Thận âm; hoặc ở giai đoạn cuối của Ôn nhiệt, nhiệt hun đốt làm hao tân dịch, Thận âm thương tổn; hoặc là tình chí nội thương, khí và hoả làm thương âm; hoặc là trong bệnh mạn tính, phần âm ở các tạng phủ khác bị thương trước tiên, lâu ngày liên lụy tới tạng Thận, Thận âm tổn thương làm cho hư hoả quá găng, gây nên chứng này.

Thận âm hư thì sinh nội nhiệt, cho nên có các chứng ngũ tâm phiền nhiệt, mất ngủ mồ hôi trộm, miệng khô họng ráo. Âm hư thì dương găng một phía, cửa tinh không bền cho nên di tinh. Hư hoả quấy rối Xung Nhâm cho nên có các chứng trạng băng lậu, không thụ thai. Thận âm bất túc, tinh khí cũng hư tổn, cho nên có các. chứng lưng gối ê mỏi, mạch Tế Sác.

Nguyên nhân gây bệnh của chứng Thận tinh bất túc thường do phú bẩm tiên thiên bất túc hoặc là phòng lao quá độ, âm tinh suy hao; Hoặc là mệt mỏi suy kiệt, tinh khí thiếu hụt gây nên.

Từ biểu hiện lâm sàng để xét, chứng trạng chủ yếu của chứng Thận tinh bất túc là choáng váng ù tai, trong não có tiếng kêu, tai điếc, răng trồi hoặc rụng, râu tóc bạc sớm, tinh thần mệt mỏi hay quên, trí nhớ giảm sút, nam giới không có con, nữ giới không thụ thai, xích mạch Trầm Tế. Điểm khác nhau với chứng Thận âm hư là nói chung không có các chứng trạng Âm hư hoả vượng như ngũ tâm phiền nhiệt, mồ hôi trộm, họng khô,, mạch Tế Sác, đó là những cơ sở chẩn đoán phân biệt.

Chứng Thận âm dương đều hư với chứng Thận âm hư: Nói chứng Thận âm dương đều hư có nghĩa là bao gồm cả chứng Thận âm hư và chứng Thận dương hư. Phân tích theo cơ chế bệnh, Thận âm hư lâu ngày, bệnh Âm liên lụy đến Dương, dẫn đến Thận âm dương đều hư; Vì thế chứng Thận âm dương đều hư có thể là chứng Thận âm hư phát triển thêm một bước, biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng sợ lạnh, lòng bàn tay chân nóng, miệng khô họng ráo nhưng ưa uống nước nóng, tai ù, mồ hôi trộm, dương nuy, di tinh, lưng gối ê mỏi, tiểu tiện trong dài hoặc giỏ giọt không hết, gốc lưỡi có rêu trắng, chất lưỡi đỏ, mạch bộ Xích Tế Nhược hoặc Đới Sác; Đối với chứng Thận âm hư đơn thuần xuất hiện hàng loạt chứng trạng thuộc về âm huyết khuy tổn, hư hoả bốc lên khác nhau rõ ràng.

Chứng Can Thận âm hư với chứng Thận âm hư; Can chứa huyết, Thận chứa tinh, Can với Thận là rất quý đồng nguyên, tinh với huyết dựa vào nhau mà nảy sinh, hai tạng Can Thận có quan hệ về sinh lý rất mật thiết. Hình thành chứng Can Thận âm hư, thường do mất huyết quá nhiều, hoặc là ốm lâu doanh âm khuy tổn, hoặc phòng lao quá độ khiến cho phần Âm của Can Thận khuy tổn; Cũng có thể do Thận âm hư yếu từ trước, tinh không hoá huyết, huyết chẳng nuôi Can khiến cho Can Thận đều hư; Biểu hiện lâm sàng có các chứng trạng chóng mặt, hoa mắt, nhìn không tỏ, sắc mặt tiều tụy, tai ù tai điếc, đau sườn, lưng gối ê mỏi, chân tay tê dại, gò má đỏ môi đỏ, lòng bàn tay chân nóng, mồ hôi trộm, di tinh, phụ nữ thì kinh nguyệt không đều v.v… Điểm khác với chứng Thận âm hư đơn thuần là ở chỗ liên lụy đến các tạng phủ khác, cho nên loại sau không có các chứng trạng Can huyết bất túc như chóng mặt, mắt không tỏ, đau sườn, chân tay tê dại hoặc co rút… đó là những căn cứ để chẩn đoán phân biệt.

Chứng Phế Thận âm hư với chứng Thận âm hư, Phế thuộc Kim, Thận thuộc Thủy, hai tạng Phế Thận có mối quan hệ kim thủy tương sinh. Chứng Phế Thận âm hư với chứng Thận âm hư trong cơ chế phát bệnh với biểu hiện lâm sàng phần nhiều giống nhau. Nhưng hình thành chứng Phế Thận âm hư, hoặc là do ho lâu hao thương Phế âm, Phế âm hư lâu ngày kim không sinh thủy sẽ tiến tới hao tổn Thận âm, khiến cho Phế Thận đều hư. Hoặc là do Thận âm bức túc, không thể tư dưỡng Phế âm, hình thành chứng Phế Thận đều hư; Biểu hiện lâm sàng là khái thấu đàm khó ra, động làm thì thở gấp, đôi khi khạc ra huyết, miệng khô họng ráo, hoặc là khàn tiếng, lưng gối ê mỏi, xương nóng âm ỉ, triều nhiệt, mồ hôi trộm, di tinh, lưỡi đỏ ít rêu, mạch Sác. Còn nguyên nhân bệnh của chứng Thận âm hư phân nhiều do phòng thất mệt nhọc, ốm lâu hại Thận, thời kỳ cuối của Nhiệt bệnh, nhiệt tà xâm phạm Hạ tiêu gây nên, biến hoá bệnh lý chỉ giới hạn ở tạng Thận chứ chưa liên lụy đến tạng Phế cho nên chưa xuất hiện các chứng trạng Phế âm tổn thương như khái thấu khạc ra huyết và khàn tiếng.

Trích dẫn y văn

Âm dịch ở Thận không đầy đủ, phần nhiều có khí hoả trôi nổi ở bên ngoài, theo đường đi qua cửa Kinh lạc phát sinh nóng ở lớp cơ hoặc lớp cơ phụ không có hiện tượng nhiệt mà người bệnh cảm thấy nóng rát; Trường hợp này nên bổ mạnh Thận thủy để ức chế dương quang (Tạng Phủ được thức bổ chính Quyển Trung).

Mạch của chứng Thận hư lao thương: hai bộ Xích Tế Sác là chân am bất túc; Hai bộ Xích Sác Đại là Thận có hỏa; Hai bộ Xích Trầm Trì, là Chân dương bất túc.

Điều trị chứng Thận hư lao thương: Chân âm bất túc thì dùng Nhân sâm cố bản hoàn, Gia bí Can Thận hoàn. Hoả vượng ở trong Thận, cho uống Tri Bá Thiên địa tiễn. Chân dương bất túc, thì dùng Kim Quĩ Thận khí hoàn (Thận hư lao thương – Chứng nhân mạch trị)

Nhiệt ở Thận là thủy sắp cạn, ở môn Thương Hàn có loại này, mà ở tạp chứng thì ít gặp, mạch ở Tả Xích hoặc Hữu Xích tất phải Trầm Sác, hoặc Phù mà rỗng không, lưỡi đen thiếu chất ướt, có những chứng trạng miệng ráo họng khô, mắt không tỏ, tiểu tiện không lợi hoặc tiểu tiện đục, tiểu tiện ra huyết, đại tiện bí (Thận bộ – Bút hoa y kính).

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Mới nhất
Cũ nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận